1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi quanh bức tượng cựu Thủ tướng đang hôn mê của Israel

(Dân trí) - Một bức tượng y như thật của cựu Thủ tướng Ariel Sharon, người đã bị hôn mê suốt 4 năm qua sau một cơn đột quỵ, dự kiến sẽ được công bố ở một phòng triển lãm tại Tel Aviv.

 

Tranh cãi quanh bức tượng cựu Thủ tướng đang hôn mê của Israel - 1


Bức tượng thể hiện cựu Thủ tướng Israel Sharon bị hôn mê gây ra nhiều tranh cãi.

 

Bức tượng là tác phẩm của nghệ sỹ Israel Noam Braslavsky, mô tả ông Sharon nằm hôn mê trên giường bệnh.

  

Ông Sharon là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Israel. Ông chưa một lần tỉnh kể từ sau cơn đột quỵ 4 năm về trước. Cựu lãnh đạo 82 tuổi này hiện vẫn đang nằm viện ở Tel Aviv.

 

Bức tượng y như thật sẽ được trưng bày cho công chúng trong một căn phòng tối ở nhà trưng bày nghệ thuật Kishon từ thứ năm tới. Bức tượng mô tả ông Sharon mặc bộ đồ ngủ, nằm trên giường và đang được tiếp nước. Mắt ông mở, trong khi ngực phập phồng theo “nhịp thở”.

Theo những người phụ trách cuộc triển lãm, bức tượng, có vẻ như đang thở, là nhằm muốn nói đến “sự trì trệ của chính trị Israel”.

Tuy nhiên ông Raanan Gissin, một cựu cố vấn của ông Sharon, người được tới xem trước tác phẩm, cho biết đó không phải là cách ông muốn người bạn của mình được nhớ tới.

 

“Tôi không muốn nhớ tới Sharon như của hiện tại mà muốn nhớ tới ông ấy như của quá khứ”, người cựu cố vấn cho hay.

 

“Ông ấy là người luôn năng động, luôn cố gắng làm gì đó dù rằng kết quả có khác nhau. Nhưng ông ấy là con người của hành động, con người luôn luôn năng động, luôn luôn dẫn đầu”.

 

“Vì vậy riêng tôi, tôi cảm thấy có vấn đề với tác phẩm nghệ thuật rất rất đặc biệt này”.

 

Trong khi đó, các bác sỹ chăm sóc cho ông Sharon tại trung tâm y tế Chaim Sheba ở tel Aviv cho hay cựu lãnh đạo vẫn hôn mê, nhưng tình trạng của ông ổn định.

 

Ông Sharon đắc cử thủ tướng Israel vào năm 2001, cam kết sẽ dẫn dắt đất nước đạt được “an ninh và hòa bình thực sự”. Ông là người khởi xướng nhiệt thành cho việc mở rộng nhà nước Israel và đồng ý cho xây dựng hàng rào an ninh quanh Bờ Tây. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối dữ dội ở trong nước Israel, ông cũng chính là người đã ra lệnh cho người định cư Do Thái phải rời Gaza và 4 khu định cư ở Bờ Tây.

 

Khi là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Sharon là “đạo diễn” của cuộc đổ quân vào Li-băng năm 1982. Trong cuộc chiến này, hàng trăm người Palestine ở hai trại tị nạn dưới quyền kiểm soát của Israel đã bị giết hại. Năm 1983, ông Sharon bị một tòa án phế truất khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng, do tòa án kết luận ông có trách nhiệm gián tiếp tới vụ giết hại

“Ông ấy có những khoảng thời gian chìm vào giấc ngủ, và vào ban ngày, mắt ông mở. Đôi khi gia đình ông tin rằng ông nhận thức được mọi thứ”,
Segev, bác sỹ riêng đồng thời là một người bạn của ông Sharon cho hay. Bác sỹ Segev cũng cho biết ông không biết nhiều về bức tượng Sharon, song tin rằng “mọi người vẫn nhớ về ông như một con người lớn”.
 

“Người đàn ông này không chỉ là một cá nhân bình thường. Ông có ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của tất cả mọi người sống ở đất nước này”, tác giả của bức tượng cho biết.

 

Vào ngày 4/1/2006, vị thủ tướng Israel khi đó đã trải qua một cơn đột quỵ nặng và rơi vào trạng thái hôn mê kể từ đó, để lại sau ông một khoảng trống chính trị lớn.

 

Ông bị hôn mê 5 tháng sau khi bắt tay vào một con đường cấp tiến mới, theo đó ông sẽ rút toàn bộ người định cư Do Thái và binh lính khỏi Dải Gaza sau 38 năm chiếm đóng.

 

“Khi đang ở giữa bước ngoặt chính trị đầy bất ngờ của mình, ông ấy đã bị kiệt sức”, nghệ sỹ Braslavsky, người đang sống ở Berlin cho hay.

 

Động thái đơn phương của ông Sharon đã tạo ra làn sóng hi vọng rằng cựu lãnh đạo theo đường lối cứng rắn này có thể hiện thực hóa việc rút lui hơn nữa của Israel ra khỏi lãnh thổ của người Palestine mà họ đã chiếm đóng.

 

Kể từ khi ông bị đột quỵ, những nỗ lực hòa bình đã không dẫn đến đâu. Cuối năm 2008, Israel đã tiến hành một cuộc tấn kéo dài 22 ngày gây tàn phá lớn ở Gaza. Trong suốt thời gian đó, người Palestine bị cắt đứt mọi liên lạc.

 

Nỗ lực mới đưa các bên trở lại đàm phán, được bắt đầu từ 6 tuần trước, hiện lại đang rơi vào bế tắc do tranh cãi về các khu định cư của Israel.

 

 

Phan Anh

Theo BBC, AFP