Tranh cãi “nảy lửa” về thỏa thuận giữa quân đội Philippines và công ty Trung Quốc
(Dân trí) - Dư luận Philippines đã đặt nhiều nghi vấn về nguy cơ an ninh khi lực lượng vũ trang nước này ký thỏa thuận với công ty liên quan tới Trung Quốc để lắp đặt tháp viễn thông bên trong các căn cứ quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines “không biết bất kỳ điều gì” về thỏa thuận gây tranh cãi liên quan tới việc một công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc đã được cho phép xây dựng tháp điện thoại di động bên trong các căn cứ quân sự tại Philippines. Đây là thông tin do ông Salvador Panelo, người phát ngôn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cung cấp.
Ông Panelo đã tìm cách trấn an làn sóng phản đối của dư luận về thỏa thuận gây tranh cãi trên bằng cách nói rằng, thỏa thuận này vẫn cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana.
Tuyên bố của ông Panelo làm dấy lên hoài nghi về một thông báo của Lực lượng Vũ trang Philippines hôm 11/9. Thông báo nói rằng Lực lượng Vũ trang Philippines đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viễn thông Dito, trước đây gọi là Công ty Viễn thông Hồi giáo Mindanao Mislatel, với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, nhằm cho phép tập đoàn này xây dựng các tháp liên lạc tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Trong những ngày vừa qua, dư luận Philippines đã “dậy sóng” với thông báo trên. Những người chỉ trích nói rằng, động thái này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Philippines.
Văn phòng Tổng thống Philippines hôm qua đã ra thông báo nhằm xoa dịu lo ngại của người dân, đồng thời khẳng định vấn đề này đã được các chuyên gia công nghệ thông tin và an ninh xem xét kỹ lưỡng.
“Bổn phận chủ yếu của chính phủ là phục vụ và bảo vệ người dân. Việc phục vụ và bảo vệ người dân bao gồm cả việc đảm bảo cho lợi ích của họ, như các lợi ích về an ninh và an ninh mạng. Chúng tôi tin rằng sẽ không có lỗ hổng nào về an ninh vì các biện pháp bảo vệ sẽ được triển khai như một phần trong quy trình an ninh. Những biện pháp này bao gồm việc rà soát chặt chẽ về an ninh đối với các cá nhân cũng như các thông tin để đảm bảo rằng, không dữ liệu nào khi chưa được phép sẽ lọt vào hoặc rò rỉ ra ngoài các căn cứ quân sự nơi các tháp viễn thông được thiết lập”, thông báo của văn phòng tổng thống Philippines nêu rõ.
Những gì đang diễn ra tại Philippines có nhiều điểm tương đồng với cuộc tranh cãi xung quanh Huawei - tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Chính phủ nhiều nước phương Tây đã cảnh báo về nguy cơ bị do thám từ việc sử dụng các thiết bị và công nghệ của Huawei, khi tập đoàn này tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng tại nước ngoài.
Theo thông cáo báo chí của Lực lượng Vũ trang Philippines, thỏa thuận với công ty viễn thông vẫn cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana, mặc dù thỏa thuận này đã nhận được sự đồng ý từ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Benjamin R. Madrigal Jnr.
Tướng Madrigal cho biết thỏa thuận vẫn có thể bị hủy.
“Không có vấn đề gì trong việc hủy thỏa thuận, vì đó là quyền của ông ấy (Bộ trưởng Lorenzana). Theo quy trình của chúng tôi, biên bản ghi nhớ sẽ phải do Bộ trưởng Quốc phòng phê chuẩn, nhưng tôi phải ký vào đó trước”, Tướng Madrigal nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Lorenzana xác nhận ông chưa biết thông tin về thỏa thuận trước khi truyền thông Philippines đưa tin trong thời gian ông ở nước ngoài.
“Khi tôi hỏi về biên bản ghi nhớ, tư lệnh lực lượng vũ trang nói rằng nó sẽ được chuyển tới văn phòng của tôi để chờ phê chuẩn. Vì thế đến bây giờ tôi mới biết và tôi sẽ xem xét cẩn thận trước khi quyết định phê chuẩn”, Bộ trưởng Lorenzana nói.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Duterte nói rằng, nhà lãnh đạo Philippines sẽ chờ đề xuất của Bộ trưởng Lorenzana trước khi tiếp tục xem xét thỏa thuận.
“Bộ trưởng Quốc phòng đã nhắn cho tôi về vấn đề này, và nói rằng ông ấy không biết bất kỳ thông tin nào. Ông ấy sẽ điều tra và hỏi những người có liên quan tới thỏa thuận. Vì thế chúng tôi sẽ chờ kết luận từ ông ấy. Chắc chắn, nếu thỏa thuận có liên quan tới an ninh quốc gia, chính phủ có thể sẽ làm điều gì đó”, ông Panelo cho biết.
Đại tá Noel Detoyato, người đứng đầu văn phòng công chúng của lực lượng vũ trang Philippines, xác nhận mọi biên bản ghi nhớ đều cần có sự phê chuẩn của Bộ trưởng Lorenzana.
Tuy nhiên, ông Detoyato tin tưởng rằng thỏa thuận này không tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ không sử dụng dự án này để theo dõi quân đội Philippines. Theo ông Detoyato, các tháp liên lạc sẽ không được đặt ngay bên trong doanh trại quân đội, mà tại “các khu vực tách biệt bên trong các cơ sở tín hiệu quân đội ở phía trên các đỉnh núi”. Ông Detoyato cho biết quân đội Philippines cũng có các tháp liên lạc riêng của họ và tách biệt hoàn toàn với mạng lưới viễn thông sử dụng tín hiệu radio.
Khi được hỏi liệu các binh sĩ Philippines có sử dụng tín hiệu từ các tháp của tập đoàn Dito trong trường hợp tác chiến hay không, và liệu điều đó có gây nguy hại về an ninh hay không, ông Detoyato nói: “Vấn đề đó đã được xem xét, đó lý do Dito nhận được sự đồng ý từ chính phủ”.
“Các yếu tố về an ninh đã được triển khai và tiếp tục được nâng cấp cũng như giám sát hàng ngày. Nếu có ai đó bị ám ảnh về vấn đề an ninh, thì đó phải là chúng tôi”, ông Detoyato cho biết.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Jose Custodio, lực lượng vũ trang Philippines vẫn chưa lường trước hết mọi vấn đề. Ông Custodio nói rằng, với kinh nghiệm làm việc 2 năm trong bộ phận lên kế hoạch quân sự của quân đội Philippines và 6 năm là cố vấn cho cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, ông nhận ra những vấn đề liên quan tới an ninh viễn thông.
“Các binh sĩ trên thao trường sử dụng điện thoại di động cá nhân. Các cổng máy tính xử lý thông tin mật đôi khi được kết nối với internet thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thương mại. Một số binh sĩ sử dụng thư điện tử cá nhân của họ”, ông Custodio cho biết.
Ông Custodio nhận định thỏa thuận của lực lượng vũ trang Philippines chứa rất nhiều vấn đề.
“Trung Quốc đang có một mỏ vàng thông tin về lực lượng vũ trang (Philippines). Bây giờ họ biết cần phải khai thác ai. Đây là phép thử cho năng lực của họ trong việc xâm nhập (vào quân đội Philippines). Lực lượng vũ trang là thành trì cuối cùng chống lại tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Các thỏa thuận như vậy sẽ làm suy yếu thành trì đó”, ông Custodio cho biết.
Chủ tịch đảng Tự do đối lập Francis Pangilinan đã mô tả việc đưa công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc tham gia dự án của quân đội Philippines “không phải chuyện đùa”. Ông Pangilinan đã đề cập tới những tranh cãi liên quan tới tập đoàn Huawei và viện dẫn chính luật chống phản gián và tình báo của Trung Quốc, trong đó nói rằng “các tổ chức tư nhân và người dân (Trung Quốc) nên hợp tác trong việc thu thập thông tin tình báo của nhà nước”.
Nghị sĩ Philippines đặt câu hỏi rằng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc đột nhiên yêu cầu tập đoàn Dito chia sẻ các thông tin mật.
Thành Đạt
Theo SCMP