1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tranh cãi bằng chứng đổ tội Iran của Ả rập Xê út

(Dân trí) - Ả rập Xê út muốn các đồng minh của nước này tin rằng Iran chính là thủ phạm gây ra các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu, trong khi bằng chứng duy nhất được đưa ra là các vũ khí được cho là do Tehran sản xuất.

Tranh cãi bằng chứng đổ tội Iran của Ả rập Xê út - 1

Các mảnh vỡ tên lửa được Ả rập Xê út công bố trong cuộc họp báo về vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu. (Ảnh: Reuters)

Ả rập Xê út ngày 18/9 đã công bố các mảnh vỡ tên lửa và máy bay không người lái, coi đây là bằng chứng “không thể tranh cãi” cho thấy Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út vào cuối tuần trước. Giới chức Ả rập Xê út cho biết trong số các vũ khí tấn công hai cơ sở này có các vũ khí do Iran sản xuất.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út Turki al-Malik, có tổng cộng 25 máy bay không người lái và tên lửa hành trình được dùng trong vụ tấn công 2 nhà máy dầu của Ả rập Xê út, trong đó có máy bay không người lái Delta Wing của Iran và tên lửa hành trình Ya Ali.

Ông Malik cho biết giới chức Ả rập Xê út tiếp tục điều tra để xác định chính xác vị trí các vũ khí được phóng đi. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Iran có thực sự tiến hành vụ tấn công hay không.

Dựa trên thông tin do Ả rập Xê út cung cấp, giới phân tích nhận định rằng vũ khí “sản xuất bởi Iran” không có nghĩa là “phóng bởi Iran”.

Theo Viktor Murakhovsky, nhà phân tích quân sự và là tổng biên tập tạp chí Arsenal of the Fatherland, khả năng các tên lửa do Iran chế tạo được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê út không phải là phát hiện quá lớn.

Ông Murakhovsky cho biết Ả rập Xê út trưng bày các mảnh vỡ trước công chúng để chứng minh Iran là thủ phạm gây ra vụ tấn công. Tuy nhiên trên thực tế, công chúng đã nhận ra các vũ khí này từ các bức ảnh đầu tiên chụp lại mảnh vỡ tại hiện trường vụ tấn công.

 Iran đã phát triển các tên lửa hành trình tầm xa dựa trên mẫu tên lửa Kh-55 của Liên Xô. Các tên lửa này được Iran mua lại từ Ukraine vào đầu thập niên 2000.

“Tuy nhiên, điều đó không chứng minh được rằng Iran có liên quan tới vụ tấn công hay các cuộc không kích (nhằm vào các nhà máy dầu Ả rập Xê út) bắt nguồn từ lãnh thổ Iran”, nhà phân tích Murakhovsky nhận định.

Mặc dù nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái, song Ả rập Xê út ngày 18/9 vẫn khẳng định rằng các tên lửa không được phóng từ lãnh thổ Yemen, mà chắc chắn cuộc tấn công này do Iran “bảo trợ”.

Một trong những lập luận của phía Ả rập Xê út là nhóm phiến quân Houthi không đủ khả năng tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy. Tuy nhiên, chuyên gia Murakhovsky đã bác bỏ điều này.

“Chuyện Iran cung cấp vũ khí và khí tài quân sự cho nhóm Houthi ở Yemen ai cũng biết, và các tên lửa hành trình có thể nằm trong số các vũ khí được cung cấp đó. Tuy nhiên, những tên lửa như vậy không khó vận hành và lực lượng Houthi cũng không cần tới sự giúp đỡ của các chuyên gia Iran để tiến hành cuộc tấn công (nhằm vào Ả rập Xê út)”, Murakhovsky phân tích.

Mỹ khó phát động chiến tranh

Theo nhận định của các chuyên gia, Tổng thống Donald Trump khó có thể “bật đèn xanh” cho một cuộc xung đột quân sự nhằm vào Iran, mặc dù ông chủ Nhà Trắng và các quan chức Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu của Ả rập Xê út.

“Báo cáo của Ả rập Xê út về cơ bản cho thấy, những vũ khí có thể do Iran cung cấp (cho lực lượng Houthi) cũng tương tự như cách Anh và các nước khác cung cấp vũ khí cho Ả rập Xê út để sử dụng trong cuộc chiến kéo dài 4 năm tại Yemen”, Matthew Gordon-Banks, cựu nghị sĩ Anh và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Quốc phòng Anh, cho biết.

Liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu với sự hậu thuẫn của Mỹ đã phát động cuộc chiến tại Yemen từ năm 2015. Nhóm Houthi đã đối đầu với liên quân này trong suốt 4 năm qua.

Theo Matthew, bằng việc đưa ra cáo buộc nhằm vào Iran, đối thủ địa chính trị lớn nhất trong khu vực, Ả rập Xê út dường như muốn Mỹ cũng đứng về phía họ và chống lại Iran. Điều này có thể bao gồm kịch bản tấn công trả đũa Iran.

Tuy nhiên, Ả rập Xê út có thể không đạt được mục tiêu của mình vì Tổng thống Donald Trump hiểu rằng, dù cho các cố vấn của ông có ủng hộ như thế nào đi chăng nữa, một cuộc tấn công nhằm vào Iran có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề tại vùng Vịnh và trên toàn thế giới.

“Iran là một nước mạnh, tự chủ, với lãnh thổ rộng lớn và quân đội đủ năng lực. Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ không hành động vội vàng trước cuộc bầu cử vào năm 2020”, Aitech Bizhev, cựu Phó Tư lệnh Không Quân Nga, nhận định.

“Phần lớn những người bỏ phiếu cho ông Trump không muốn chiến tranh”, ông Bizhev nói, đồng thời dự đoán Mỹ sẽ chỉ dùng tới các biện pháp như thời chiến tranh Lạnh để kiềm chế căng thẳng tại vùng Vịnh - khu vực với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào.

Thành Đạt

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm