Trận động đất ở Tứ Xuyên - Nghìn năm mới xảy ra một lần
(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ MIT của Mỹ đã kết luận rằng trận động đất 8 độ richter xảy ra ngày 12/5 ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc thuộc loại rất hiếm "nghìn năm mới có một" về tính chất và cũng rất khó dự báo.
Thông tin trên được công bố trên tạp chí "GSA Today" của Hội Địa chất học Mỹ số ra tháng 7.
Trong những đánh giá của các chuyên gia MIT, nhận định được chú ý nhất là những địa chấn có bản chất tương tự như trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên xảy ra có thể chỉ một lần trong khoảng 2.000 đến 10.000 năm.
Giải thích cho nhận định trên, các tác giả của báo cáo cho rằng trận động đất Tứ Xuyên hiếm gặp về bản chất, vì nó có chu kỳ tái diễn dài, hiện tượng các mảng địa tầng đồng thời trượt và đội lên tại cùng một vết đứt gãy của lớp vỏ Trái Đất là bất thường. Một điều bất thường nữa trong trận động đất này là có vài đứt gãy dọc theo rìa Tây Bắc của lòng chảo Tứ Xuyên.
Suốt hơn 20 năm qua, nhóm các nhà địa chất học Mỹ này đã tiến hành một công trình nghiên cứu quy mô trên một phạm vi rộng lớn tại khu vực lòng chảo Tứ Xuyên và cao nguyên Tây Tạng, song đã không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho phép dự báo về một trận động đất mạnh như vậy xảy ra trong vùng. Họ đã thu thập số liệu từ 25 trạm đặt máy ghi địa chấn quanh Tứ Xuyên trong hơn một năm qua, nhưng không một nhà khoa học nào trong số họ nghĩ rằng ở đây sẽ xảy ra một trận động đất lớn.
Địa chất khu vực này cũng rất phức tạp. Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy mặc dù sự dịch chuyển của các mảng địa tầng ở khu vực xảy ra động đất rất chậm, chỉ khoảng 1 mm/năm, song sự đội lên rất lớn của các mảng địa tầng cùng sự chênh lệch lớn về độ cao so với mặt biển giữa lòng chảo Tứ Xuyên và cao nguyên Tây Tạng đã phần nào giải thích cường độ mạnh tới 8 độ richter của trận động đất ngày 12/5.
K.V
Theo AFP