1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Trăm nghe không bằng một thấy”

Sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Hoàng Sa, Trưởng Cơ quan thường trú của hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) khu vực châu Á tại Thái Lan, Toshihiro Yatagai đánh giá rằng các hành động của Trung Quốc mà ông được tận mắt chứng kiến là hoàn toàn không thích hợp và đáng bị lên án.

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Việt Nam tại Bangkok, nhà báo Toshihiro Yatagai nói: Cách đây khoảng một tháng, tôi được biết Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu ở khu vực này, nơi họ đặt giàn khoan như bạn nói. Tôi cũng nhận được nhiều thông tin về việc các tàu chiến đó của Trung Quốc đã đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Khi được tận mắt chứng kiến, tôi cảm thấy sốc về điều này bởi có quá nhiều tàu hộ tống như vậy. Tôi có thể đếm được tới khoảng 40 chiếc và chúng đã có những hành động gây hấn như rượt đuổi và đâm va vào các tàu của Việt Nam. Những tàu của Trung Quốc được triển khai là nhằm bảo vệ giàn khoan của họ.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Ngược lại, Việt Nam đã cử các tàu thực thi pháp luật của mình ra để cố gắng tiếp cận giàn khoan đó và tìm cách liên lạc với họ nhằm hạn chế các hành động hung hăng. Nhưng không hề có đối thoại mà chỉ có những hành động từ phía Trung Quốc nhằm đẩy các tàu của Việt Nam ra khỏi khu vực đó. Đã có những hành động phun vòi rồng và đôi khi có cả va đâm. Tôi cho rằng đây là việc làm đáng bị lên án và không thích hợp để giải quyết vấn đề này.

Tôi và các đồng nghiệp khác cảm thấy hài lòng vì được chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra trên thực địa. Tôi cũng được biết về các hành động xung đột kiểu này, nhưng quả đúng là "trăm nghe không bằng một thấy". Đây là một kinh nghiệm quý đối với tôi, khi được tận mắt chứng kiến các sự việc diễn ra

Tôi hy vọng tất cả các bên liên quan, ví dụ như Nhật Bản và Trung Quốc hay Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Các hành động hung hăng của Trung Quốc không giải quyết được vấn đề gì.

Phản ánh tình hình thực tế về hành động hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, báo Le Monde của Pháp ngày 23/6 đã đăng trên trang nhất phóng sự "Rượt đuổi ở Hoàng Sa" của phóng viên Bruno Laymond Philip sau chuyến đi thực địa Hoàng Sa trên tàu thực thi pháp luật Việt Nam cùng các nhà báo quốc tế khác để tận mắt chứng kiến tình hình trên biển.

Bài viết phản ánh khách quan tình hình liên quan đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, giúp dư luận Pháp và châu Âu hiểu rõ các hành động vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) của Trung Quốc và cách ứng xử đúng mực của Việt Nam.

Bài báo của Bruno Laymond Philip viết: Cách xa khoảng chục hải lý, giàn khoan Trung Quốc chỉ là một vết nhỏ hiện lên chân trời, hơi khó nhìn trên Biển Đông dậy sóng.

Hôm nay là ngày 14/6, 8 giờ sáng. Con tàu trắng-xanh của Cảnh sát biển Việt Nam rẽ sóng hướng thẳng phía các con tàu đầu tiên của Trung Quốc. Với số lượng khoảng ba chục, các tàu Trung Quốc hình thành một vòng cung bảo vệ trước giàn khoan mà Bắc Kinh vừa hạ đặt trái phép tại vùng biển tranh chấp ở Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Tiếng loa phóng thanh trên tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bất chợt cất lên bằng các thứ tiếng Việt, Trung và Anh: "Tất cả các tàu thuyền nước ngoài chú ý, đây là vùng biển thuộc Việt Nam và các vị ở đây là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và chủ quyền của Việt Nam. Yêu cầu các vị ngừng ngay các hoạt động và rút khỏi đây".

Tàu Việt Nam giờ đây đã tiến rất gần 2 tàu tuần duyên Trung Quốc, đến mức người ta có thể phân biệt rõ ràng các cấu trúc, màu trắng đỏ và biển số của chúng: 2101 và 32101. Vị thuyền trưởng tàu Việt Nam ra lệnh bẻ mạnh lái sang mạn trái và một cuộc rượt đuổi lập tức diễn ra. Chẳng cần đợi quá lâu, hai tàu Trung Quốc lập tức rượt đuổi chúng tôi. Các con tàu xông tới, hung hăng, rồ máy chạy hết tốc lực.

Được một lúc, sau một lần tàu bẻ lái gấp hơn, chúng tôi ở tình thế chạy song song và ngược hướng với một tàu Trung Quốc. Gần tới điểm nhìn thấy các thủy thủ Trung Quốc đang thao tác phía trước. Họ đang nghĩ gì? Chắc hẳn họ phải nhìn thấy trên boong tàu thực thi pháp luật Việt Nam có nhiều nhà báo nước ngoài, với những chiếc máy quay và máy ảnh đang chĩa tới sẵn sàng cho vũ điệu cảm giác mạnh trên biển. Các nhà báo này đã được chính quyền Việt Nam mời đi thực địa để có những đánh giá chân thực và chính xác tình hình.

Tất nhiên tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải mới phát sinh. Hai nước cùng chia sẻ một lịch sử hàng nghìn năm: Việt Nam từng chịu sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938. Liên quan đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ hiện nay ở Biển Đông, cả Trung Quốc và Việt Nam đều khẳng định dựa trên các bản đồ hàng hải trước đây và các bằng chứng lịch sử.

Trong những năm 1920, thực dân Pháp tại Việt Nam đã phát triển Hoàng Sa, đặc biệt đã xây dựng một trụ hải đăng và một trạm phát sóng không dây (TSF) trên đảo "Hoàng Sa" (Pattle Island) và một trạm khí tượng trên một hòn đảo khác có tên là "Đảo Cây".

Trung Quốc không chỉ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa, mà cả Trường Sa, nằm xa hơn về phía Nam. Quần đảo Trường Sa có một phần thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam, nhưng cũng là đối tượng yêu sách chủ quyền của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan… Điều này cho dư luận hiểu tính phức tạp của các yêu sách biển đảo ở một khu vực có thể giàu trữ lượng chất đốt, nhưng có vẻ trước hết vẫn là các lợi ích chiến lược. Đó là chưa kể các vấn đề chủ quyền luôn khích lệ niềm tự hào dân tộc của các bên có sự hiện diện.

Tuần trước, Bắc Kinh đã buộc tội các tàu thuyền Việt Nam đâm húc các tàu Trung Quốc 1.547 lần kể từ ngày 2/5. Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc phóng đại này và đáp lại bằng việc phát hành các đoạn video cho thấy phía Trung Quốc sử dụng súng bắn nước tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam. Cũng có một cuốn phim cho thấy ngày 26/5, một tàu cá cỡ lớn đã rượt đuổi và húc chìm một tàu kéo lưới Việt Nam, khiến các ngư dân trên tàu suýt chết.

Trong buồng hoa tiêu, chỉ huy Nguyễn Văn Tân, một trong những người phụ trách của "khu vực số 2" của lực lượng Cảnh sát biển, lưu ý: "Họ cố ép chúng tôi trong gọng kìm. Rõ ràng là họ muốn đẩy chúng tôi phạm sai lầm, trước hết là phản ứng bạo lực. Nhưng chúng tôi sẽ không làm như vậy, chúng tôi đã quyết định áp dụng chiến lược thận trọng".

Sẵn sàng chỉ ra bản chất hăm dọa từ hành động của Trung Quốc đáp trả việc Việt Nam cảnh báo bằng loa phóng thanh, các thủy thủ Việt Nam nhấn mạnh rằng những kẻ trước mặt họ chính là những kẻ xâm lược: Các lực lượng tuần duyên Trung Quốc đi tuần với các súng máy 12,7 mm và đại bác 20 mm bỏ nắp. Một thực tế trái ngược với các đồng nhiệm người Việt Nam, Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều hải quân chiến tranh - điều mà trước đây vài ngày Bắc Kinh vẫn phủ nhận. Nhưng đó là sự thật.

Ngày 24/6, báo Le Monde dành cả trang nhất để thông tin về tranh chấp ở Biển Đông với bài “Bắc Kinh gia tăng khiêu khích và đe dọa hòa bình trên Biển Đông” cùng bức ảnh chiếm 1/3 trang nhất cảnh tàu cảnh sát biển Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng vào tàu Việt Nam đang thi hành công vụ.

Bài báo của Le Monde viết: Cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử,” cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng về biên giới trên biển, khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực ngày càng nghi ngờ về cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Tác giả bài viết cũng cho biết việc Việt Nam cho phép giới báo chí nước ngoài tham gia cùng các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển nước này là nhằm chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng chiến dịch phản đối hàng ngày của Việt Nam là ôn hòa và hành động của các tàu Trung Quốc là rất hung hăng và mang tính đe dọa.

Cũng về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos ngày 24/6 cho rằng với kiểu chiến lược “sự đã rồi,” Trung Quốc đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả để có những điều chỉnh lối ứng xử của mình. Bài báo trích nhận định của bà Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược của Pháp cho rằng: “Nếu họ phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ cách hành xử, còn nếu các quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh không phản ứng gì, trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ rộng đường hành động”.

Cũng giống như nhận định của Le Monde, ngoài việc thử phản ứng của các nước liên quan, báo Les Echos cho rằng mục đích khiêu khích của Bắc Kinh còn để thăm dò phản ứng của Mỹ và chiến lược "xoay trục" của nước này.

Trong bài bình luận mới đăng trên tờ Hindustan Times, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Thái Lan, Pinak Ranjan Chakravarty khẳng định Trung Quốc đã khiêu khích Việt Nam bằng cách triển khai giàn khoan Hải Dương 981. Ông Chakravarty nói: “Quyết định hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc xuất phát từ động cơ địa chính trị, không chỉ đơn thuần là khoan dầu. Đó là một động thái có tính toán nhằm thử phản ứng của Việt Nam, ASEAN và cộng đồng quốc tế”.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Thái Lan Chakravarty cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể không mang tính hòa bình, nên ông cho rằng các nước châu Á cần liên kết để phát triển một cấu trúc an ninh ổn định. Ông còn đề xuất Ấn Độ nên phát triển sức mạnh quân sự và chuyển sang hợp tác tới Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và ASEAN, đồng thời không nên trì hoãn chiến lược hướng Đông của mình.

Theo Nguyễn Chiến
Chính phủ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm