1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trải nghiệm đi lên từ số không

Trong những hồi ức nhiều màu sắc về năm tháng hoạt động ngoại giao sôi động của ông Nguyễn Hữu Chủ, 68 tuổi, câu chuyện tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại tokyo sau ngày 30/4/1975 vẫn luôn khiến ông bồi hồi...

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (giữa) thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tháng 12/1978. (ông Nguyễn Hữu Chủ là người thứ ba từ trái)
 
... Về mối lương duyên Việt Nam - Nhật Bản, về những đồng nghiệp cũ - người còn, người đã ra đi...
Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Chủ, ngay sau Ngày thống nhất đất nước, Bộ Ngoại giao ta đã nhờ Đại sứ quán Cuba tại Nhật Bản trông giữ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo cho đến tháng 1/1976, khi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam chính thức sang tiếp quản…

Sứ mệnh đặc biệt

Vào thời điểm ấy, trong số 13 cán bộ thuộc biên chế của Đại sứ quán Việt Nam, ông Chủ gần như trẻ nhất (chưa đầy 30 tuổi) và là người duy nhất chưa từng kinh qua nhiệm kỳ công tác nước ngoài nào... Ông cùng với hai đồng nghiệp là ông Vi Minh Tân - điện báo viên và Khổng Khuê - Trưởng phòng Thông tin Bộ Ngoại giao có một "sứ mệnh" đặc biệt là "chuyên chở máy điện đài rất cồng kềnh, nặng mấy tạ" sang Nhật Bản. Đó là lý do mà ba ông phải đến xứ sở Hoa anh đào bằng tàu biển. "Tiền cước đâu mà đi máy bay chứ", ông Chủ cười hiền.

Ông còn nhớ thuyền trưởng của chuyến tàu đấy là ông Cao Trọng Tùng, quê ở Nghệ An và đây là lần đầu tiên vị thuyền trưởng này đi viễn dương. Cho nên, "chao ôi là hồi hộp và cả lo lắng nữa", ông Chủ không sao quên được cảm giác đó, nhất là đối với một chàng trai mới cưới vợ được vài tháng và lần đầu tiên đón một cái Tết không hề ấm áp ở Hong Kong…

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, khi tàu cập cảng Naoetsuko ở phía Bắc Nhật Bản, đoàn được ông Inoue ở Cục châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu. "Người Nhật mà, lúc nào họ cũng chu đáo, tận tụy và khiêm tốn", ông Chủ đúc kết về con người Nhật Bản nói chung mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

Tiếng Nhật có thể không xa lạ với ông Chủ vì ông đã có gần năm năm học tập chuyên về Nhật Bản tại CHDCND Triền Tiên (1967-1972) song những ấn tượng "mục sở thị" đầu tiên về đất nước Mặt trời mọc vẫn khiến ông "choáng". Một đất nước rất hiện đại, thể hiện ở những chiếc tivi màu ông nhìn thấy ở khắp nơi hay sự văn minh của đường phố - xe ô tô đi ngoài đường lúc 12 giờ đêm đều tự giác dừng lại khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ…

Không sai sót

Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo khi ấy là một ngôi nhà gỗ nằm trên một quả đồi, rộng 2.200 m2. Trong tám tháng (5/1975 đến 12/1975), các bạn Cuba giúp mình trông nom, dọn vườn, chặt cây… cho đến khi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam sang vào đầu năm 1976.

Người đứng đầu cơ quan đại diện lúc đó là Đại biện lâm thời Trần Đức Tuệ và đến tháng 7/1976, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản là ông Nguyễn Giáp đến Tokyo. Nhiệm vụ của ông Chủ bấy giờ là phiên dịch, lễ tân và giúp ông Lê Minh Hương, Bí thư thứ hai về công tác lãnh sự, Việt kiều. Cùng làm phiên dịch với ông Chủ còn có ông Nguyễn Hữu Sự…

Ông Chủ còn nhớ như in cảm giác vinh dự khi là một trong những người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng ở Đại sứ quán. Cảm giác tự hào lắm mỗi khi nhìn tấm biển bằng đồng đúc chữ "Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản" bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. "Cả cờ và tấm biển đều mang từ Việt Nam sang vì nếu làm ở Nhật thì đắt lắm", ông Chủ cho biết.

Một trong những điều tâm đắc nhất của ông Chủ về những tháng ngày đầu tiên tiếp quản đại sứ quán là việc đi lên từ con số không mà không mắc phải sai sót nào. Tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa đồng nghĩa với việc không có sự bàn giao kinh nghiệm. Vậy mà các hoạt động ngoại giao của cơ quan đại diện diễn ra rất trơn tru và êm thấm.

Ông đơn cử một chi tiết như Đại sứ quán Việt Nam có nhận thư mời của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản tham dự một sự kiện của họ. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản trong bối cảnh hiện nay nhưng lại khá "tế nhị" ở thời điểm bấy giờ, khi quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc không hề thuận lợi. Các sự kiện của phía Hàn Quốc đều được phía Việt Nam cân nhắc. Thậm chí khi nhận được giấy mời, mình còn hỏi ý kiến của các bạn Cuba. Tương tự như vậy với Đài Loan, phải hết sức thật trọng…

Tự hào Việt Nam

Là người tham gia công tác cộng đồng của Đại sứ quán, ông Chủ cũng nhớ như in cái Tết đầu tiên ở Tokyo do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Hàng trăm người đến dự, trong đó có đại diện các cơ quan chính phủ, đoàn thể của Nhật, nhiều người Việt có đóng góp tích cực cho hoạt động của Đại sứ quán như các ông Nguyễn An Trung, Huỳnh Sỹ Chánh, Trần Văn Thọ, đông đảo sinh viên và cả chị em lấy chồng Nhật cũng đến dự… Về phía ngoại giao đoàn có đại diện các nước như Lào, Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là các bạn Cuba đến nhảy múa, đánh đàn dương cầm… rất vui.

Hai tiếng Việt Nam cũng xuất hiện khá dày đặc trên báo chí Nhật Bản bấy giờ. Ông Chủ nhớ rằng có nhiều nhà báo Nhật đến đặt câu hỏi là "Vì sao Việt Nam có thể thắng đế quốc Mỹ?". Sau đó, cứ đến Quốc khánh là có bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam trên báo Kinh tế Nhật Bản. Mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng tăng lên, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh vào tháng 12/1978 - chuyến thăm cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 21/9/1973)…

Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tất nhiên là không phải bắt đầu từ việc Việt Nam tiếp quản Đại sứ quán, mà có thể tính từ khi Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973 hay xa hơn nữa là từ cuối thế kỷ XVI, khi các nhà buôn Nhật đến Việt Nam buôn bán... Bốn nhiệm kỳ công tác tại xứ sở Phù tang cho phép ông Chủ chứng kiến những dấu ấn mạnh mẽ, những bước đi đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản song thời điểm tiếp quản Đại sứ quán vẫn là hồi ức không bao giờ phai mờ…

Đó là khởi nguồn đáng nhớ trong sự nghiệp ngoại giao hơn 40 năm của ông, nơi ông có nhiều kỷ niệm ấm áp với những đồng nghiệp lớn mà giờ đây, có người mãi mãi không trở lại như các ông Nguyễn Giáp, ông Lê Minh Hương, ông Nguyễn Hữu Sự…

Theo Hồng Phúc
Thế giới và Việt Nam