1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trách nhiệm nước lớn

Từ hàng ngàn năm nay, trước cả công nguyên, trên thế giới đã xuất hiện nhiều đại cường quốc và cường quốc hùng mạnh...

Trách nhiệm nước lớn - 1

Mỹ, Trung chú trọng quan hệ nước lớn kiểu mới

... Đến mức đã thúc đẩy họ không chỉ đối xử tàn bạo với nhân dân nước mình mà còn đi chinh phục, xâm lược, bóc lột, đối xử tàn bạo và giết hại nhiều nước láng giềng, thậm chí cả nhiều vùng rộng lớn trên thế giới. Tuy hùng mạnh như vậy nhưng vì tính chất độc ác và tàn bạo nên chúng đều bị nhân dân chính các nước đó và nhân loại tiến bộ căm ghét, oán hận đã hợp lực lại đánh đổ, tiêu diệt và chôn vùi.

Từ sau khi Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới không còn hai phe và dường như chỉ còn một siêu cường duy nhất là Mỹ. Nhưng hiện nay đã xuất hiện một số cường quốc mới “trỗi dậy” theo nhiều cách và hình thành cả những khối nước, nhóm nước… liên minh, liên kết với nhau, làm cho thế giới không còn là một thế giới đơn cực, một siêu cường mà trở thành một thế giới đa cực cùng tồn tại và ganh đua với nhau không phải vì lợi ích của nhân loại mà vì lợi ích của chính các nước riêng lẻ hoặc các nhóm nước và các khối liên minh, liên kết.

Trong số các nước và các nhóm nước mới nổi lên người ta chú ý nhiều đến Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; khối EU gồm gần 30 nước ở châu Âu; Tổ chức Hợp tác Thượng Hải; khối BRICS gồm 5 nước lớn ở cả Á, Âu, Nam Mỹ và châu Phi; các nước trong khối ASEAN ở Đông Nam Á; khối các nước hợp tác khu vực Nam Á (SARC); khối nước Mercosur ở Nam Mỹ.

Ngoài ra còn có các nước đang phát triển, chậm phát triển và nghèo nàn, lạc hậu, nhất là ở châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh…

Trách nhiệm nước lớn - 2

Người di cư tại khu vực biên giới Hungary-Croatia, gần làng Zakany của Hungary ngày 21/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong số các nước và khối các nước này, trừ một số nhỏ muốn vươn lên về nhiều mặt cả chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đối ngoại, kết hợp cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” để bá chủ toàn cầu và chi phối các nước khác, đa số các nước còn lại đều muốn có hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và hội nhập với nhau để làm ăn, buôn bán, chung sống để đối phó với những nguy cơ truyền thống và phi truyền thống.

Thậm chí có người còn nghĩ tới cả một “thế giới phẳng” như kiểu một thế giới đại đồng không còn biên giới ngăn cách giữa các nước để loài người ngày càng xích lại gần nhau hơn, đành rằng đây chỉ là một ước muốn, thực tế không bao giờ có được điều đó.

Chính vì vậy, loài người rất lo sợ và chán ghét chiến tranh, dù là kiểu chiến tranh gì (toàn cầu, khu vực, cục bộ, thậm chí chỉ là các cuộc khủng bố giết người). Bởi vì họ hiểu rằng với sự phát triển khá cao và đi quá xa của khoa học - công nghệ, nhiều nước lớn đã có trong tay đủ loại vũ khí: vũ khí hạt nhân, tên lửa hiện đại tầm ngắn, tầm trung, tầm xa vượt qua cả các đại châu lục, vũ khí công nghệ cao, vũ khí hóa học và sinh học, …Chiến tranh xảy ra chỉ là một sự hủy diệt, khó có kẻ thắng hoàn toàn và người thua hoàn toàn.

Trong khi đó, loài người còn đang phải lo đối phó với nghèo đói, bệnh tật, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, băng tan và nước biển dâng cao, đe dọa nhấn chìm nhiều vùng lãnh thổ của các nước.

Đấy là chưa kể sự xuất hiện và hoành hành của một số tôn giáo cực đoan để xảy ra một loại kẻ sát nhân máu lạnh mới giết người không thấy ghê tay như chủ nghĩa khủng bố IS đang giết hại nhiều người dân ở Syria, Lybia, Iraq, Trung Đông,… dẫn đến hàng trăm ngàn người di tản phải rời bỏ quê hương để tìm ra nơi sống như đang diễn ra ở châu Âu và một số nước hiện nay, trong đó hàng nghìn người đã phải bỏ mạng trước khi tìm được nơi trú chân an toàn.

Từ những thực tế đó, loài người đòi hỏi các nước lớn mạnh càng phải sáng suốt, bình tĩnh và suy nghĩ tới trách nhiệm của mình đối với nhân loại nói chung và các nước láng giềng nói riêng. Nước càng lớn mạnh bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm cao bấy nhiêu.

Lịch sử ghi nhận rằng, loài người kính trọng và yêu quí những nước lớn biết đem sức mạnh vật chất, tinh thần và của cải của mình… ra chia sẻ với thế giới và giúp đỡ các nước nhỏ, yếu và khó khăn hơn. Ngược lại họ căm ghét và lên án những nước cậy mình có tiềm lực về kinh tế, có sức mạnh về quân sự, giàu tiền của, đông dân cư, có ưu thế về văn hóa và ngoại giao để đi bắt nạt, ức hiếp, đe dọa và lăm le thôn tính các nước khác.

Tuy nhiên thực tế cho thấy tình hình đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay với những hành động xây cất và mở rộng nhiều bãi đá ngầm, nhiều hòn đảo chìm trở thành những hải cảng, sân bay, nơi neo đậu tàu thuyền và tiếp dầu cho máy bay, với những đòi hỏi nhằm chiếm tới 80-90% tổng diện tích của Biển Đông, đe dọa các nước ở Đông Nam Á và cản trở con đường hàng hải giao lưu quốc tế từ Âu sang Á - Thái Bình Dương và ngược lại, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của dư luận toàn cầu đã gây ra sự lo ngại của các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.

Một lần nữa các nhà chính trị, các học giả, các chuyên gia và dư luận quốc tế lại kêu gọi trách nhiệm của các nước lớn với vấn đề Biển Đông. Nhưng bỏ qua những lời kêu gọi trách nhiệm đó, người ta vẫn thấy sự phô trương hàng trăm loại vũ khí, khí tài và phương tiện chiến tranh hiện đại, những cuộc tập trận “diễu võ giương oai” với các nước khác yếu hơn hoặc không cùng quan điểm và lợi ích.

Trách nhiệm nước lớn - 3

Rặng san hô xung quanh bãi đá Chữ Thập bị Trung Quốc phá hủy bằng hoạt động bồi lấp trái phép. (Ảnh chụp vệ tinh ngày 28/6/2015)

Những hành động như trên vừa đánh mất vai trò và trách nhiệm nước lớn, vừa quên đi những bài học lịch sử về các đại cường quốc và các nước phát xít, thực dân, bá quyền hung bạo đã được nhân loại dạy cho những bài học đích đáng.

Loài người chỉ nhẹ tay và dung thứ cho những kẻ biết suy nghĩ và biết dừng lại trước vực thẳm. Nhưng loài người cũng kiên quyết và sẵn sàng liên kết lại để tiêu diệt và chôn vùi những kẻ tham tàn, độc ác và gây tai họa cho thế giới. Những bài học lịch sử muôn đời vẫn còn nguyên giá trị với mọi thời đại.

Theo Đông Ngàn

baotintuc.vn

Trách nhiệm nước lớn - 4