1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tony Blair bị "chặn họng"

(Dân trí) - Những người biểu tình thuộc tổ chức Hoà bình Xanh hôm qua đã “chặn đứng” bài phát biểu của Thủ tướng Anh Tony Blair mà trong đó ông đưa ra kế hoạch xây dựng một thế hệ các nhà máy điện nguyên tử mới.

Hai nhà biểu tình đã trèo qua mái nhà xuống hội trường nơi Tony Blair chuẩn bị phát biểu trước Hội thảo của Liên đoàn công nghiệp Anh để biểu tình phản đối. Sau khi bị trì hoãn 48 phút, Thủ tướng Blair đành phải sang một phòng nhỏ hơn ở bên cạnh để phát biểu.

 

Trong bài phát biểu của mình ông khẳng định năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng một phần chứ không phải tất cả những thiếu hụt về năng lượng của nước này. Và chính phủ hiện đang xem xét xây dựng thêm thế hệ các nhà máy điện hạt nhân mới.

 

Mở đầu bài phát biểu trong căn phòng chật ních người tại Trung tâm thiết kế kinh doanh ở Islington, London, ông Blair nhấn mạnh: “Dĩ nhiên năng lượng hạt nhân là một vấn đề khó và đầy thách thức.” “Giống như tất cả các vấn đề nan giải khác, điều chúng ta cần phải làm là mở ra một cuộc tranh luận cởi mở và dân chủ, chứ không phải là biểu tình, phản đối, không cho người khác quyền tự do để bày tỏ quan điểm của họ.” – Blair ám chỉ đến những người biểu tình làm gián đoạn bài phát biểu của ông.

 

Blair cũng cho biết những nghiên cứu về loại năng lượng này sẽ được hoàn tất vào mùa hè năm sau, khi đó Anh sẽ nghiêm túc xem xét thay thế nguồn năng lượng hiện tại bằng năng lượng hạt nhân.

 

Kể từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, rất nhiều người châu Âu đã phản đối mạnh mẽ các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Anh không phải là nước duy nhất bắt đầu xem xét đến việc nối lại các nhà máy này.

 

Cụ thể, năm nay, Phần Lan trở thành nước châu Âu đầu tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng kể từ năm 1991. Pháp, nước có các nhà máy hạt nhân cung cấp phần lớn số điện tiêu thụ ở nước này, cũng có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng thế hệ mới vào năm 2007.

 

Các nhà bảo thủ của Đức trong liên minh chính phủ mới cũng muốn giữ một số nhà máy điện hạt nhân, mặc dù Đảng Dân chủ Xã hội lại muốn đóng cửa chúng vào năm 2021. Và đầu năm nay Bộ trưởng Công nghiệp Italy cho biết phản ứng tiêu cực của người dân về năng lượng nguyên tử đã giảm dần.

 

Tuy nhiên những người phản đối, trong số đó có rất nhiều thành viên trong chính đảng cầm quyền của Tony Blair, lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn, hoặc các nhà máy này sẽ bị tấn công khủng bố. Hơn nữa việc cất giữ rác thải phóng xạ sao cho an toàn cũng là vấn đề cần được quan tâm.

 

Năng lượng nguyên tử hiện cung cấp 1/5 lượng điện tiêu thụ ở Anh, nhưng 12 nhà máy điện hạt nhân của nước này đang bị già cỗi dần và cần phải được thay thế, nếu không chúng chỉ cung cấp được khoảng 4% lượng điện cho nước này từ nay đến năm 2010.

 

Trang Thu

Theo BBC, AP