1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng tuyển cử sớm: Ngã rẽ Brexit thay đổi cục diện chính trị nước Anh

Đây cũng sẽ là ván cược cuối “được ăn cả, ngã về không” của Thủ tướng Anh Boris Johnson - người bằng mọi giá theo đuổi đến cùng giấc mơ Brexit.

Nước Anh đang tiến gần hơn tới tổng tuyển cử sớm ngay trước thềm Giáng Sinh 2019. Cuộc bầu cử lần này sẽ là một trong những cuộc bầu cử khó dự báo nhất trong nhiều năm qua, trong bối cảnh chính trường Anh tiếp tục chao đảo vì Brexit lại lỡ hạn chót 31/10, khoét sâu thêm rạn nứt cho các mối quan hệ truyền thống giữa các đảng trong nội bộ nước Anh. Đây cũng sẽ là ván cược cuối cùng “được ăn cả, ngã về không” của Thủ tướng Anh Boris Johnson - người bằng mọi giá theo đuổi đến cùng giấc mơ Brexit.

Tổng tuyển cử sớm: Ngã rẽ Brexit thay đổi cục diện chính trị nước Anh - 1

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Sky News

Thủ tướng Boris Johnson đang chơi một canh bạc lớn và nước cờ của ông sẽ là "lùi một bước để tiến hai bước”, nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, có được thế đa số cần thiết để thúc đẩy Brexit hoàn tất vào cuối tháng 1 năm sau.

Rõ ràng, khi lựa chọn chấp nhận Brexit lỡ hạn chót 31/10, nhà lãnh đạo Anh đã tính đến phương án bầu cử sớm có thể mang lại cơ hội cho ông giành được đủ số ghế tại Hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và cũng là bảo vệ chiếc ghế nóng của mình tại số 10 phố Downing. Song chắc hẳn ông Johnson cũng hoàn toàn lường trước được tình huống thất bại, chẳng hạn như tổng tuyển cử dẫn tới một quốc hội treo, khi đó các đảng đối lập có thể sẽ hợp sức, gây trở ngại nhiều hơn cho tiến trình Brexit bằng cách tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Mặc dù được đánh giá là động thái góp phần phá vỡ thế bế tắc của tiến trình Brexit ngay trước hạn chót 31/10, song quyết định đi tới tiến hành tổng tuyển cử sớm đã thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị nước Anh. Và dù Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đặt cược vào một chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng tất cả những đảng khác cũng đều nhìn nhận sự hỗn loạn trong đường hướng Brexit hiện nay là một cơ hội để họ cải thiện số ghế của mình trong Quốc hội kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Vì vậy, các đảng đều đang dồn sức cho trận chiến lớn này.

Cuộc bầu cử quyết định tương lai mối quan hệ giữa nước Anh và Liên minh châu Âu thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ từ các đảng chính, gồm Đảng Bảo thủ, Công đảng đối lập, đảng Quốc gia Scotland và đảng Dân chủ Tự do. Trước thềm tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới, các đảng phái chính trị tại Anh đang tất bật chuẩn bị chiến dịch vận động tranh cử trên toàn quốc, đặc biệt là cuộc chạy đua được dự đoán sẽ rất gắt gao giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập.

Đảng Bảo thủ đang tích cực vận động tranh cử thông qua mạng xã hội và email. Thủ tướng Boris Johnson nhiều khả năng sẽ thực hiện chiến dịch vận động bầu cử dựa trên cam kết hoàn thành Brexit. Trong ngày hôm qua 31/10, ông Johnson đã tới thăm một trường học, một bệnh viện và một đơn vị cảnh sát, thuyết phục các cử tri bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ để tiến trình Brexit kết thúc.

Trong khi đó, Công đảng lại đang vận động tranh cử với cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận Brexit mới và đưa ra trưng cầu ý dân. Đảng đối lập này thậm chí còn sử dụng chiến lược lợi dụng những điều gây bức xúc đối với bộ máy cầm quyền hiện nay để kêu gọi thay đổi thực chất.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn vừa lên tiếng kêu gọi: “Các bạn, hôm nay là ngày 31/10, ngày mà ông Boris Johnson hứa hẹn để nước Anh rời Liên minh châu Âu. Nhưng rồi ông ấy đã thất bại. Và tôi cho rằng, đó chỉ là thất bại của riêng ông ấy. Sau ba năm chia rẽ vì Brexit, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Hãy để người dân Anh đưa ra tiếng nói cuối cùng. Chúng ta sẽ để người dân đưa ra quyết định rời đi với một thỏa thuận hợp lý”.

Không chỉ lấy lòng cử tri bằng cam kết đặt quyền quyết định Brexit vào tay người dân thông qua trưng cầu ý dân, Công đảng còn hứa hẹn tập trung ngân sách vào dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và miễn học phí, đánh trúng tâm lý và giành được sự ủng hộ từ phần lớn cử tri độ tuổi 18 đến 34.

Nước Anh cùng tiến trình Brexit lại tiếp tục đứng trước một ngã rẽ mới vì quyết định tổng tuyển cử sớm. Hiện mọi sự chú ý đều đổ dồn vào chiến dịch tranh cử gấp rút ngay trước thời điểm nghỉ lễ cuối năm cùng cuộc bầu cử mang tính quyết định tương lai quan hệ Anh-EU. Song tất cả phải kiên nhẫn chờ đợi sau ngày 12/12 tới thì mọi thứ mới vỡ lẽ.

Theo Phương Anh

VOV1