Tổng thống V. Putin, người cứu hộ động vật hoang dã nổi tiếng
Năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc họp bí mật với các nhà khoa học tại Điện Kremlin. Ông yêu cầu các viện sĩ Yuri Osipov, Dmitry Pavlov và Viện sĩ thông tấn Vyacheslav Roznov của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) thành lập một đoàn khảo sát để điều tra và cứu hộ động vật quý hiếm.
Ông Putin có kế hoạch tham gia và yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối ý định đó. Một năm sau, những hình ảnh về cứu hộ động vật của Tổng thống Nga đã được biết đến.
Thả hổ về với đời sống hoang dã
Đoàn khảo sát khoa học thuộc RAN có một dự án nghiên cứu riêng về hổ Amur - loài hổ lớn nhất và đẹp nhất - sống ở các vùng Primorsky, Khabarovsk và tỉnh Amur của Nga. Hổ Amur được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và theo số liệu mới nhất năm 2005, số lượng ước tính còn khoảng 400-500 cá thể.
Tổng thống Putin thường xuyên tham gia chương trình cứu hộ hổ Amur. Ngày 31/8/2008, ông đã đến thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ussuri. Sau khi bắn con hổ cái Serga bằng súng gây mê, ông Putin cùng các nhà động vật học đã đeo cho nó chiếc vòng cổ có gắn thiết bị định vị vệ tinh.
Ngày 22/5/2014, trong chuyến thăm và làm việc tại Primorsky, Tổng thống Putin đã đến Khu Bảo tồn động vật hoang dã Zheludinsky. Ông cùng với các nhà động vật học đã thả 3 con hổ Boria, Kuzya và Ilona về với đời sống hoang dã sau khi gắn thiết bị định vị vệ tinh cho chúng.
Theo Trưởng đoàn khảo sát - Viện sĩ thông tấn V. Roznov, họ tìm thấy những con hổ này trong rừng Taiga. Chúng bị thương, còn hổ mẹ đã bị những kẻ săn trộm bắn chết. Các cán bộ của Trung tâm Phục hồi động vật hoang dã ở Primorye đã mất gần 2 năm để chuẩn bị mọi điều kiện cho chúng có thể trở về với tự nhiên.
Sau đó khoảng 2 tuần, 2 con hổ khác có tên Svetlaya và Ustin đã được thả vào rừng. Từ đó, các phương tiện truyền thông vẫn thường đưa tin về sự di chuyển của chúng.
Sau khi được thả, con Kuzya đã bơi qua sông Amur sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã được thông báo về sự hiện diện của nó. Kuzya bị “quy tội” phá chuồng gà, bắt bò của người dân địa phương. Trên thực tế, nó không giết một con vật nuôi nào.
Con Ustin cũng vượt sông biên giới và lạc vào các đảo không có thức ăn cho hổ trên đất Trung Quốc. Theo yêu cầu của các nhà khoa học Nga, các đồng nghiệp Trung Quốc đã cung cấp thức ăn là động vật hoang dã cho nó. Nhưng, Ustin lại đi bắt thú nuôi của người dân khiến nhà chức trách địa phương phải bồi thường. Ustin quen ăn thịt vật nuôi nên khi trở về Nga, nó được đưa trở lại Trung tâm Phục hồi động vật hoang dã ở Primorye và tham gia vào chương trình nhân giống hổ Amur. Nó đã được chuyển tới vườn thú ở Rostov để chung sống với con hổ cái Prima vào cuối tháng 2 vừa qua.
Vào chuồng báo
Ngày 4/2/2014, Tổng thống Putin đã đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi loài báo Ba Tư ở Sochi. Tại đây, ông đã trực tiếp vào chuồng nuôi báo. Con báo 6 tháng tuổi có tên Grom mất bình tĩnh khi thấy nhiều người đến gần. Nó lao về phía các nhà báo, cào xước tay một phóng viên ảnh, cắn vào đầu gối người quay phim. Mọi người phải lùi lại. Chỉ có Putin là làm quen được với nó. Ông cho con báo nằm trên đùi và vuốt ve nó.
Trước đó vào ngày 20/3/2011, tại Khu Bảo tồn Sayano-Shushenskaya, V. Putin được giới thiệu về con báo tuyết đực có tên là Mongol, 10 tuổi, bị thương do nạn săn bắn trộm. Ông đã đến tận khu nuôi dưỡng để xem xét. Sau chuyến thăm đó của Tổng thống Putin, con Mongol được trả về tự nhiên cùng với chiếc vòng cổ có gắn thiết bị định vị vệ tinh.
Báo tuyết là loài thú có trong Sách đỏ của Nga theo số liệu ước tính vào năm 2002, loài này còn khoảng 150-200 cá thể.
Dẫn đường cho đàn sếu trắng
Ngày 6/9/2012, trên bán đảo Yamal tây bắc Seberi, Putin đã tham gia chương trình thực nghiệm thuộc Dự án cứu hộ loài sếu trắng quý hiếm có trong Sách đỏ. Nhiệm vụ của chương trình là hướng dẫn đàn sếu biết bay đến nơi tránh rét. Tổng thống Putin đã mặc bộ quần áo màu trắng để tạo cảm giác gần gũi với đàn sếu, ông lái tàu lượn dẫn đường đưa đàn sếu bay đi tránh rét. Trong những lần bay, nhiều con sếu đã bay theo tàu lượn của V. Putin.
Dự án khôi phục số lượng sếu trắng đã được thực hiện từ những năm 70, thế kỷ XX. Theo Tatiana Kashentseva, người đứng đầu trại nuôi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Oka, thời tiết và các vấn đề ngoại giao vào năm 2012 không cho phép đưa đàn sếu đi trú đông bằng cơ giới, chỉ một mình con sếu trắng có tên Para tự nhập vào đàn sếu xám tự nhiên cùng di cư đến Kazakhstan.
Ngày 31/7/2009, trong chuyến công tác tại vùng Khabarovsk, Tổng thống Putin đã đến thăm đảo Chkalov ở biển Okhotsk. Ông mặc một bộ quần áo chống nước và lội xuống biển ngang đến thắt lưng để cùng các cán bộ khoa học gia cố thiết bị định vị vệ tinh cho con cá voi trắng có tên Dasha đang được các ngư dân giữ trong tấm lưới đặc biệt.
Vừa vuốt ve nó, ông vừa hỏi đùa: "Liệu nó có xơi chúng ta không đấy?".
Theo các cán bộ đoàn khảo sát của RAN, các nhà khoa học thường nhận được thông tin về sự di chuyển của cá voi trắng thông qua thiết bị định vị vệ tinh. Tuy nhiên, ngày 8/3/2010, thiết bị phát tín hiệu của con Dasha và một con khác đột nhiên im lặng. Mùa hè năm 2013, tại vịnh Sakhalin, các nhà khoa học đã bắt được một con cá voi trắng có gắn thiết bị định vị vệ tinh không còn hoạt động. Họ đã tháo thiết bị và thả nó về với biển.
Kết quả phân tích gien và kiểm tra số của thiết bị định vị cho thấy đó là Dasha, con cá voi trắng đã được Tổng thống Putin cùng các nhà khoa học gia cố thiết bị định vị vào tháng 7/2009.