1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Ukraine phá vỡ im lặng, nêu động cơ sau cuộc đột kích vào Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên thừa nhận lực lượng Ukraine đang chiến đấu ở vùng Kursk của Nga sau gần một tuần giao tranh căng thẳng.

Tổng thống Ukraine phá vỡ im lặng, nêu động cơ sau cuộc đột kích vào Nga - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu trực tuyến vào tối 10/8, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã thảo luận về hoạt động của lực lượng Ukraine tại vùng Kursk của Nga với chỉ huy cấp cao của Ukraine Oleksandr Syrskyi, đồng thời đề cập đến những trận chiến mà quân đội Kiev phải đối mặt ở mặt trận miền Đông.

"Hôm nay, tôi đã nhận được một số báo cáo từ tổng tư lệnh Syrskyi liên quan đến tiền tuyến và hành động của chúng tôi nhằm đẩy cuộc chiến vào lãnh thổ của đối phương", ông Zelensky nói.

Theo Tổng thống Zelensky, hoạt động này là một phần trong nỗ lực của Kiev nhằm "khôi phục công lý" sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.

"Tôi rất cảm kích mọi đơn vị của lực lượng phòng thủ đã thực hiện điều đó. Ukraine đang chứng minh rằng chúng ta thực sự có thể khôi phục công lý và đảm bảo áp lực cần thiết lên đối phương", ông Zelensky nhấn mạnh.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine chính thức thừa nhận cuộc đột kích của lực lượng quân sự nước này ở vùng biên giới Nga.

Trước đó, Tổng thống Zelensky từng ám chỉ đến cuộc đột kích của Ukraine ở vùng biên giới Nga, ca ngợi khả năng "gây bất ngờ" của quân đội Ukraine và ủng hộ việc bắt giữ các binh sĩ Nga làm tù binh để gây sức ép trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Rạng sáng 6/8, Ukraine tiến hành cuộc đột kích vào tỉnh biên giới Kursk của Nga. Quy mô lực lượng đột kích ban đầu ước tính khoảng 1.000 binh sĩ và hiện giờ đã tăng lên vài nghìn quân.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội nước này tiếp tục đẩy lùi cuộc đột kích của Ukraine. Giao tranh đang tập trung quanh Malaya Loknya, Olgovka và Ivashkovskoye, các khu định cư của Nga cách biên giới Ukraine khoảng 10-20km.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/8 xác nhận, tổng thiệt hại của lực lượng vũ trang Ukraine tại Kursk lên tới khoảng 1.120 quân và 140 đơn vị thiết giáp, bao gồm 22 xe tăng.

Giới chức Ukraine hạn chế đưa ra bình luận công khai về việc lực lượng quân sự nước này tấn công vào vùng Kursk của Nga, trong bối cảnh Nga đang tăng cường các cuộc tấn công vào vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, nói rằng bất kỳ hoạt động nào có thể xảy ra của Ukraine tại "các khu vực biên giới Nga" sẽ tác động đến xã hội Nga và cải thiện vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.

Đồng quan điểm với Tổng thống Zelensky, ông Podolyak nhấn mạnh Ukraine phải tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga từ thế mạnh.

Ukraine từng nhiều lần đột kích vào vùng biên giới Nga, nhưng với quy mô nhỏ hơn và không kéo dài như hiện nay. Điều này làm dấy lên câu hỏi về lý do quân đội Ukraine có thể đột kích vào Kursk dễ dàng như vậy sau hơn 2 năm xung đột.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk, hiện là cố vấn cho chính phủ, thừa nhận Kiev đã lên kế hoạch cho chiến dịch đột kích vào biên giới Nga từ rất lâu, tuy nhiên mục đích không phải để kiểm soát lãnh thổ Nga "lâu dài".

Ông Zagorodnyuk tiết lộ, mục tiêu thực sự của chiến dịch là chuyển hướng lực lượng Moscow khỏi các khu vực khác của tiền tuyến Ukraine và đưa cuộc chiến vào Nga nhằm ngăn người dân ủng hộ chiến dịch quân sự chống Kiev.

Ngoài ra, chiến dịch tấn công cũng nhằm phơi bày "điểm yếu" của Nga và giành thế chủ động trong cuộc xung đột sau nhiều tháng Nga giành được lợi ích ở Donbass và các khu vực khác.

Các chuyên gia đã nhận định một số mục tiêu khiến Ukraine mở chiến dịch đột kích vào biên giới Nga, bao gồm phá hủy trạm khí đốt Sudzha, nơi Nga bơm khí đốt sang châu Âu; chuyển hướng sự chú ý của bộ chỉ huy Nga khỏi vùng Donbass ở miền Đông Ukraine; phá vỡ tuyến đường sắt cung cấp cho lực lượng Nga tại vùng Kharkov ở Ukraine và khích lệ tinh thần của quân đội Ukraine.

Giới lãnh đạo Ukraine cho hay, một trong những động cơ của cuộc đột kích là gieo rắc "nỗi sợ hãi" vào lòng người dân Nga, nhằm giảm bớt sự ủng hộ dành cho chính phủ của họ và tạo ra một vị thế đàm phán mạnh hơn cho Kiev.

Theo Reuters