1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống, Thủ tướng Đức dự lễ cầu nguyện của cộng đồng Hồi giáo

(Dân trí) - Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck cùng một số quan chức khác đã đến dự lễ cầu nguyện của người Hồi giáo tại cổng thành lịch sử Brandenburg, Berlin cùng với những người đứng đầu của đạo Cơ đốc và đại diện từ Hội đồng trung ương Do Thái của Đức.

Tổng thống, Thủ tướng Đức dự lễ cầu nguyện của cộng đồng Hồi giáo

Thủ tướng Đức Angela Merkel (đứng giữa, hàng đầu) và Tổng thống Joachim Gauck (ngoài cùng, bên trái) trong buổi lễ của người Hồi giáo. (Ảnh: NPR
 

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck đã đến dự lễ cầu nguyện của người Hồi giáo tại cổng thành lịch sử Brandenburg, Berlin cùng với những người đứng đầu của đạo Cơ đốc và đại diện từ Hội đồng trung ương Do Thái của Đức.

 

Sự kiện này được các nhóm Hồi giáo của Đức tổ chức để lên án những hành động tấn công khủng bố ở Paris và thể hiện tình đoàn kết với 17 nạn nhân Pháp đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công này. Đồng thời, cũng nhằm phản ứng lại nhiều cuộc tuần hành phản đối Hồi giáo được tổ chức trên khắp nước Đức những ngày trước đó.


Hội đồng trung ương Hồi giáo của Đức và cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ muốn tổ chức sự kiện này nhằm kêu gọi mọi người "hãy sát cánh bên nhau bởi chủ nghĩa khủng bố không nằm ở cái tên Hồi giáo”.


Chương trình này đã được phát trực tiếp trên truyền hình với tựa đề: “Người Đức là Charlie”, khẩu hiệu bày tỏ tình cảm với những nạn nhân tòa báo Charlie Hebdo đã thiệt mạng trong vụ xả súng trưa ngày 7/1.

 

Tổng thống Đức Joachim Gauck đã phát biểu trong buổi lễ cầu nguyện ở cổng thành Brandenburg rằng: “Tất cả chúng ta (dù theo tôn giáo nào) đều là người Đức”. 


“Đức đã trở nên đa dạng hơn về tôn giáo, văn hóa và tinh thần với nhiều dân nhập cư. Sự đa dạng này đã khiến đất nước của chúng ta thành công, hấp dẫn và đáng mến”, Tổng thống Gauck nói thêm.

 

Aiman Mazyek, người đứng đầu Hội đồng Hồi giáo Pháp, đã tuyên bố trong buổi lễ: “Chúng ta cùng ủng hộ một nước Đức có một trái tim lớn, cởi mở với thế giới, tôn vinh tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo”.

 

Không nằm trong số các diễn giả của buổi lễ, nhưng Thủ tướng Angela Merkel trước đó đã gửi lời cảm ơn đến cộng đồng Hồi giáo Đức gồm khoảng 4.000 người đã lên án một cách rõ ràng và tức thời những tội ác ở Paris.


Bà Merkel nhận định rằng cộng đồng Hồi giáo là một phần của nước Đức, sẽ không có sự căm thù, phân biệt nguồn gốc hay chủ nghĩa cực đoan ở Đức. Được biết, bà sẽ có bài phát biểu trước quốc hội trong một phiên họp đặc biệt để tưởng niệm 17 nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố tại Pháp.

 

Thoa Phạm

Tổng hợp