1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin và kế hoạch hòa bình cho Ukraina

Tiến trình hòa bình tại Ukraine vẫn còn rất mong manh, do còn rất nhiều yếu tố cản trở.

LTS:Tuần Việt Nam giới thiệu lược trích bài viết thể hiện quan điểm của ông Nicolai N.Petro, GS chính trị học thuộc Đại học Rhode Island (Hoa Kỳ) xung quanh vấn đề tiến trình hòa bình của Ukraina.
 

Trừng phạt thương mại tạo nên sự ngăn cách giữa hai dân tộc cùng với các biện pháp hạn chế ảnh hưởng văn hóa Nga vốn phổ biến tại  Ukraina có thể xoa dịu một số nhóm chính trị, tuy nhiên cuối cùng  Ukraina vẫn cần môi trường kinh doanh ổn định và rộng lớn của Nga. Đó là điều mà lãnh đạo  Ukraina bao gồm cả Yulia Tymoshenko và Viktor Yushungchenko đều phải thừa nhận. Khi thực hiện Hiệp định ngừng bắn Minsk (ký 5/9 - ND), Tổng thống Poroshenko cũng bắt đầu xem xét đến vấn đề này và bây giờ cũng là lúc để phương Tây nhìn nhận nó.

 

Những dấu hiệu từ các phía

 

Sau nhiều tháng không đồng ý đàm phán với Nga về nội dung Thỏa thuận Hợp tác của EU với  Ukraina, trong tháng 8, ông Karel de Gucht, trưởng đoàn đàm phán thương mại EU bất ngờ tuyên bố là không thay đổi những nội dung chính của Thỏa thuận, nhưng sẵn sàng "thay đổi mức độ" để thỏa mãn yêu cầu của Nga. Đồng thời các quan chức EU cũng cho biết  Ukraina có thể không tham gia Liên minh Thuế quan, cũng như không gia nhập EU, nhưng có thể tham gia Liên minh Kinh tế Á - Âu dự kiến sẽ thay thế Liên minh Thuế quan vào năm 2015.

 

Tại Hội nghị ở Kiev vào giữa tháng 9, ông Stefan Fuele, Cao ủy về mở rộng châu Âu, thậm chí còn cho rằng EU và Liên minh kinh tế Á-Âu [1] cần tiến hành đàm phán nhằm thiết lập một thị trường chung. Cuối tháng 9, EU đã đơn phương quyết định hoãn thực hiện những phần chính trong Thỏa thuận hợp tác với  Ukraina cho đến tháng 1/2016.

 

Sau Hiệp định Minsk, EU đã đưa ra quyết định ấn tượng trong việc ủng hộ mọi điều khoản chủ yếu của Nga về tranh chấp khí đốt với  Ukraina: trả ngay phần lớn các khoản nợ hiện tại và thanh toán trước tiền bán khí với giá tối thiểu 385 USD/m3. Thậm chí, EU còn đồng ý bảo lãnh cho khoản vay của  Ukraina từ IMF để thanh toán nợ.

 

Quan điểm của Đức cũng thay đổi khi Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier chúc mừng các tân lãnh đạo EU và NATO. Với lời lẽ gay gắt bất ngờ, ông chỉ trích những người tiền nhiệm: "Tôi nhận thấy một số việc làm tại Brussels, trụ sở NATO trong vài tuần qua là không có ích gì".

Putin, Ukraine, Cream, bầu cử, Nga, EU, ly khai.
 
Bầu cử tại Ukraina. Ảnh: EPA
 

Bầu cử tại Ukraina. Ảnh: EPA

 

Trong tháng 8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối mạnh mẽ việc đưa lực lượng phản ứng nhanh của NATO đến Đông Âu, trong khi đó ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng Đức đã công khai ủng hộ khái niệm liên bang hóa là "cách thực tế duy nhất" để duy trì sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine. Giữa tháng 9, Hãng tin Reuter của Anh đã dẫn lời của một quan chức chính phủ Đức cho biết Berlin hiểu những hành động của  Ukraina, nhưng Tổng thống Poroshenko cần nhận thấy rằng "không thể có giải pháp quân sự cho khu vực phía Đông".

 

Trong khi đó Tổng thống Putin đã hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đưa ra dự thảo nội dung đàm phán, đề nghị Quốc hội Nga hủy bỏ quyền Tổng thống đưa quân vào  Ukraina.

 

Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Nga đã đồng ý giảm thêm 100 USD giá khí đốt nhằm giúp Ukraina qua khỏi mùa Đông này, tiếp tục đàm phán các điều kiện tránh khủng hoảng cho trái phiếu của  Ukraina do Nga nắm giữ và có khả năng phối hợp với  Ukraina cấp vốn khôi phục lại vùng Donbass như đề xuất của ông Yuri Lutsenko - Cố vấn Tổng thống Ukraina.

 

Trong lĩnh vực quân sự, Tổng thống Putin khuyến khích việc thay các thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy, tiếp tục rút lực lượng Nga khỏi khu vực biên giới, thắt chặt kiểm soát biên giới và hạn chế nguồn cung cho lực lượng này.

 

Áp lực của phương Tây buộc Kiev từ bỏ ý định ban đầu là muốn giành thắng lợi quân sự ở phía Đông, cùng với áp lực của Nga yêu cầu Kiev đàm phán với phiến quân, đã tạo cơ hội thực sự cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng. Trong khi truyền thông tập trung đưa tin một số giao tranh lẻ tẻ trong khu vực, nhưng vấn đề quan trọng là tổng số thương vong đã giảm đáng kể, quân đội hai bên đã tiếp xúc hàng ngày nhằm giải quyết các điểm xung đột và hàng ngàn người tị nạn đã quay về nhà.

 

Tiến trình hòa bình vẫn rất mong manh

 

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình vẫn còn rất mong manh, còn rất nhiều yếu tố cản trở. Ví dụ như kết quả bầu cử ngày 26/10 có thể là một trở ngại chính cho hòa bình. Nhóm Tổng thống Poroshenko được dự kiến sẽ giành 16-35% số phiếu bầu tại các điểm bầu cử [2], trong khi theo dự đoán nếu được ủng hộ cao nhất các đảng phản đối việc ngừng bắn hiện nay (Đảng Cấp tiến, Mặt trận Quốc gia, Tổ quốc và Tự do) có thể chiếm khoảng 40% số ghế của Quốc hội.

 

Sự áp đảo của nhóm chủ nghĩa dân tộc là ít khả năng, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của họ sẽ gia tăng do thiếu vắng các đảng vốn luôn bảo vệ các quyền lợi của người nói tiếng Nga. Những người nói tiếng Nga sẽ gặp khó khăn vì một tỷ lệ không nhỏ dân số ở Đông và Nam Ukraina cho biết họ sẽ không đi bỏ phiếu, do vậy số ghế trong quốc hội sẽ giảm đi 35 ghế. Hơn thế nữa, cuộc bầu cử cũng không thể tiến hành tại Crưm và vùng Donbass, hai nơi chủ yếu có người nói tiếng Nga.

 

Tiếp đến là một số tư lệnh của các đội quân tình nguyện đang tham gia vào các đảng này, hiện có hai người là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cấp tiến, 7 người tham gia vào danh sách của Mặt trận Nhân dân. Nếu trúng cử, rõ ràng họ sẽ ủng hộ tái chiến.

 

Hơn nữa, điều thực sự nguy hiểm là lực lượng nổi dậy không muốn đàm phán về phạm vi chủ quyền  Ukraina. Sự hận thù đối với Kiev còn rất lớn. Các tuyên bố trái ngược của lãnh đạo lực lượng nổi dậy cho thấy họ sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì nếu Donbass không tách khỏi Ukraina.

 

Cuối cùng, phương Tây rõ ràng còn do dự khi ủng hộ tiến trình hòa bình mang lại "lợi ích cho Tổng thống Putin". Các tờ báo tên tuổi như The Economist, Washington Post và New York Times... liên tục đưa về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh sự nguy hiểm khi tạo cho Tổng thống Putin có "chiến thắng" bề ngoài. Ông Angus Roxburgh, một nhà báo Anh diễn giải là họ nhận thấy Tổng thống Putin là một phần của khó khăn nhưng cũng "không thừa nhận Tổng thống là một phần của giải pháp".

 

Tuy nhiên, vì một số nội dung của kế hoạch hòa bình hiện hành thực sự là sáng kiến của Tổng thống Putin, do vậy chúng ta không nên sai lầm khi không xem xét liệu nó có mang lại lợi ích tốt nhất cho Ukraina không. Sẽ ra sao, nếu cuối cùng Hiệp định Minsk dẫn đến các thể chế chính phủ mạnh hơn và có uy tín hơn, nhưng không thể đem lại cho Ukraina sự ổn định và thống nhất. Kết quả như vậy sẽ không có nhiều lợi ích cho Ukraina và châu Âu, vì nó có lợi cho Nga.

 

Do sự mong manh của tiến trình hòa bình hiện nay tại Ukraina, châu Âu, Nga và Hoa Kỳ đều phải công khai thừa nhận rằng họ cùng chia sẻ lợi ích chung khi ủng hộ cam kết của Tổng thống Poroshenko đối với tiến trình hòa bình và phản đối các nhân vật chính trị muốn tái chiến. Lợi ích chung của các bên sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi cùng Nga thiết lập một chương trình hỗ trợ kinh tế tổng thể cho  Ukraina, sao cho sau bầu cử quốc hội, chính phủ Ukraina không vấp phải các khó khăn về kinh tế quốc dân, hoặc tồi tệ hơn là sự sụp đổ và chính quyền rơi vào tay những lực lượng cực đoan đầy toan tính./.

 

Theo Mai Linh (theo National Interests)

Vietnamnet.vn

 

[1] Liên minh kinh tế Á - Âu: dự định thành lập vào năm 2015 giữa các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan, những nước trước đó thuộc Liên Xô.

 

[2] Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine công bố sáng 28/10 cho thấy, với 84,27% số phiếu được kiểm, Đảng Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk nhận được 22,02% số phiếu bầu, Đảng Khối Poroshenko của đương kim Tổng thống với 21,67% số phiếu.