1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin tiết lộ từng tìm cách để Nga gia nhập NATO

(Dân trí) - Tháng 1/2001, không lâu sau khi trở thành Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin cho biết ông đã ngỏ ý để Nga trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm trước đó. Tuy nhiên, phương Tây đã từ chối đề nghị này của ông.

Tổng thống Putin tiết lộ từng tìm cách để Nga gia nhập NATO
Tổng thống Putin tiết lộ từng tìm cách để Nga gia nhập NATO - 1

Tổng thống Putin đã đưa ra đề xuất Nga gia nhập NATO trong cuộc gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000. (Ảnh: Sputnik)


Nhiều năm sau này, chia sẻ với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Putin cho biết, ông đã đưa ra đề nghị trên trong một cuộc gặp năm 2000 với người đồng cấp Mỹ khi đó là ông Bill Clinton nhân chuyến thăm của chủ nhân Nhà Trắng tới Nga. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã kịch liệt phản đối ý tưởng này.

Ông Putin cho biết, “cả phái đoàn Mỹ khi đó đều rất lo lắng” mặc dù Tổng thống Clinton nói rằng ông ấy sẵn sàng thảo luận khả năng để Nga gia nhập liên minh quân sự NATO.

Trong một cuốn sách phát hành năm 2009, nhà báo Steve LeVine dẫn nguồn tin nội bộ Kremlin nói rằng, lúc này ông Clinton bối rối quay sang các cố vấn của mình và cuối cùng đáp lại bằng một hoàn toàn mang tính ngoại giao: “Tại sao không”?

Do vậy, phái đoàn Nga tiếp tục nêu lại đề xuất này sau đó với các nghị sĩ Mỹ, nhưng cũng chỉ nhận lại những phản ứng tương tự.

Quan hệ Nga - Mỹ thời điểm đó có thể nói suôn sẻ hơn bất cứ thời gian nào trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao phương Tây coi đề xuất của ông Putin cũng giống đề xuất trước đó của những người tiền nhiệm. Thực tế, đó không phải lần đầu tiên Nga ngỏ ý muốn gia nhập NATO. Nga đã ít nhất 3 lần đề xuất ý tưởng này, trước đó, lần lượt vào các năm 1954 và 2005.

Các cuộc tranh luận giữa các chính trị gia và chuyên gia phương Tây về việc nên hay không nên kết nạp Nga vào NATO còn tiếp diễn cho đến đầu những năm 2010.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Volker Rühe cho rằng, việc kết nạp Nga có thể coi là công cụ để ngăn các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Á, đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu, cũng như tạo điều kiện để các quốc gia phương Tây tiếp cận những cơ sở hạ tầng quân sự “nguy hiểm” của Nga.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 5/2010, học giả người Mỹ Charles Kupchan cho rằng, đưa Nga trở thành thành viên NATO sẽ thúc đẩy các nước như Ukraine và Georgia gia nhập, củng cố liên minh đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người chủ trương phản đối Nga gia nhập NATO thì đưa ra nhiều lý do. Thứ nhất, họ cho rằng liên minh này thiếu nguồn lực cần thiết để bảo vệ đường biên giới dài giữa Nga với Trung Quốc. Thứ hai, Nga sẽ không dễ dàng trở thành đồng minh sau khi gia nhập khối và sẽ tìm cách làm tê liệt tổ chức bằng những thủ tục hành chính.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đạo diễn Oliver, Tổng thống Putin đưa ra một lý do nữa mà Nga sẽ không tính đến chuyện gia nhập NATO trong tương lai gần nữa. “Bất cứ liên minh quân sự nào, kể cả NATO, đều có những tiêu chuẩn riêng về vũ khí, điều này tất nhiên sẽ tác động đáng kể đến lợi ích ngành quốc phòng (của Nga)”, ông Putin giải thích.
Thực tế, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014, tất cả những thảo luận xung quanh việc kết nạp Nga vào NATO đã chấm dứt ngay lập tức.

Minh Phương
Theo Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm