DNews

Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thế nào trong nhiệm kỳ mới?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra mục tiêu trong mọi lĩnh vực, từ chính sách đối ngoại, kinh tế, quân sự… để tiếp tục vai trò lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới.

Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thế nào trong nhiệm kỳ mới?

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử vào cuối tuần qua cho thấy, Tổng thống Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo và sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm một nhiệm kỳ 6 năm.

Trong nhiều tháng qua, ông Putin đã vạch ra chiến lược của mình trong một loạt bài phát biểu và phỏng vấn công khai, trong đó ông nêu rõ những gì đã làm được trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước Nga và những gì cần đạt được trong những năm tới.

"Cuộc bầu cử tổng thống Nga không quan trọng bằng những gì sẽ diễn ra sau đó. Ông Putin thường tránh những động thái không được sự ủng hộ trước bầu cử", Bryn Rosenfeld, giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết.

Các chuyên gia kinh tế và quân sự đã đưa ra dự đoán về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách của Nga trong 6 năm tới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin.

Quân đội: "Chạy đua công nghệ" thay vì "Chạy đua vũ trang"

Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thế nào trong nhiệm kỳ mới? - 1

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Nga được hiển thị trên màn hình vào ngày cuối cùng của cuộc bầu cử tại Moscow ngày 17/3 (Ảnh: Reuters).

"Chiến thắng của Tổng thống Putin là yếu tố quyết định vì dưới thời ông, Nga đã xây dựng một chuỗi công nghệ bắt đầu bằng việc nghiên cứu và phát triển, kết thúc bằng việc chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cho Lực lượng Vũ trang Nga", Alexey Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên của tạp chí Arsenal Otechestva, nói với Sputnik.

"Công việc này (phát triển công nghệ) sẽ tiếp tục, vì chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga tại Ukraine) đã cho thấy, các đối thủ của Nga đang tìm cách đánh bại các hệ thống vũ khí hiện đại của họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tìm kiếm một phương tiện phổ quát hoặc như họ tuyên bố, một công nghệ thần kỳ nhằm mang lại cho họ chiến thắng được đảm bảo trong bất kỳ hoạt động quân sự nào", chuyên gia Leonkov nhận định.

Trong Thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Nga ngày 29/2, Tổng thống Putin đã chỉ trích phương Tây vì cố gắng lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang. Ông Putin nhấn mạnh rằng những âm mưu tương tự đã được sử dụng để chống lại Liên Xô vào những năm 1980 nhằm tạo điều kiện cho Liên Xô sụp đổ.

Theo chuyên gia Leonkov, Nga sẽ không rơi vào "cái bẫy" này một lần nữa. Thay vì tham gia vào "cuộc chạy đua vũ trang", Nga đã tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ với phương Tây, thậm chí tuyên bố vượt xa phương Tây trên một số lĩnh vực.

Ông Leonkov đặc biệt đề cập đến các loại vũ khí siêu thanh của Nga đang được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt, cùng với các máy bay không người lái mới và thiết bị tác chiến điện tử (EW) do Nga sản xuất.

Theo chuyên gia Leonkov, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa công nghệ liên quan đến việc tăng quy mô lực lượng vũ trang quốc gia lên tới 1,5 triệu người trong 6 năm tới.

Ông Leonkov đặc biệt kỳ vọng rằng một thế hệ vũ khí siêu thanh mới nhỏ hơn sẽ được chế tạo cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân Nga. Lực lượng vũ trang Nga cũng có khả năng nhận được nhiều hệ thống phòng không S-500 hiện đại hơn, hệ thống tác chiến điện tử, pháo và đạn dược có độ chính xác cao cũng như vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới.

Chuyên gia Leonkov nhấn mạnh, công việc này sẽ được thực hiện dựa trên các công nghệ mới, vật liệu hiện đại và những phát triển mới nhất của phòng thiết kế Nga, một phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Theo AP, Brian Michael Jenkins, cố vấn cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói rằng "giới lãnh đạo Nga đang nói đến việc "hợp nhất toàn bộ xã hội Nga xung quanh nhu cầu quốc phòng".

"Ý nghĩa chính xác của cụm từ này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng nó cho thấy giới lãnh đạo Nga hiểu rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, do đó cần phải huy động các nguồn lực. Nói cách khác, xã hội Nga phải được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài", chuyên gia Jenkins nhận định.

Tuy nhiên, Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Nga và Âu-Á, cho rằng Tổng thống Putin sẽ không phát lệnh huy động thêm quân vì nhiều người Nga sẵn sàng nhập ngũ do chế độ đãi ngộ tốt.

Trong khi viện trợ dành cho Ukraine đang bị trì hoãn ở Washington, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski gần đây đều để ngỏ khả năng đưa quân đội đến hỗ trợ Ukraine. Trong bối cảnh này, Tổng thống Putin có thể sẽ thử thách quyết tâm của NATO.

Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Davis về Nga và Âu-Á tại Đại học Harvard, cho rằng trong vòng vài năm tới, Nga sẽ tìm cách đánh giá cam kết của NATO đối với Điều 5 trong Hiệp ước NATO. Điều khoản này quy định một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của khối sẽ được coi là cuộc tấn công nhằm vào cả liên minh.

"Tôi không nghĩ ông Putin nghĩ rằng Nga cần phải mạnh mẽ hơn cả về nguồn lực, quân sự so với tất cả các quốc gia khác. Ông ấy chỉ cần các nước khác yếu hơn và dễ rạn nứt hơn. Vì vậy câu hỏi đặt ra cho ông ấy là, thay vì lo lắng quá nhiều về việc làm cho Nga trở nên mạnh mẽ hơn, làm cách nào tôi có thể khiến những nước khác yếu đi?", chuyên gia Vacroux nói.

"Vì vậy, để làm được điều đó, Nga phải tìm một tình huống phù hợp để thử thách Điều 5 và nếu phản ứng (của NATO) ở mức độ nhẹ hoặc không chắc chắn, chứng tỏ rằng NATO chỉ là hổ giấy", chuyên gia Vacroux cho biết thêm.

Theo bà Vacroux, Nga có thể thực hiện một cuộc thử nghiệm như vậy mà không cần hành động quân sự công khai.

Liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine, ông Putin đã khẳng định trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng bầu cử rằng Nga luôn ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, miễn là các đối thủ nghiêm túc trong việc thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp lâu dài chứ không chỉ vì họ "đã hết đạn". Ông cũng nói thêm rằng Nga sẵn sàng xem xét các kịch bản khác nhau về cuộc xung đột, miễn là chúng phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga.

Đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, ông Putin nói rằng "bất cứ điều gì đều có thể xảy ra trong thế giới hiện đại" và cảnh báo rằng điều đó "sẽ chỉ kém một bước so với một Thế chiến 3 toàn diện".

Theo ông Putin, để bảo vệ người dân Nga khỏi các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine, Moscow có thể "buộc phải" thiết lập một vùng đệm ở các vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát vào một thời điểm nào đó. Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga sẽ thiết lập một "khu vực an ninh mà đối thủ sẽ rất khó vượt qua bằng vũ khí của mình, chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài", "khi chúng tôi thấy điều đó là phù hợp".

Kinh tế: Nga và BRICS là lựa chọn thay thế cho phương Tây

Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thế nào trong nhiệm kỳ mới? - 2

Ông Putin phát biểu sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa (Ảnh: Reuters).

Việc hiện đại hóa công nghệ quân sự của Nga có thể thực hiện được nhờ những thay đổi sâu rộng trong chiến lược kinh tế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin. Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của phương Tây càng "tạo điều kiện thuận lợi" cho quá trình công nghiệp hóa và đa dạng hóa quan hệ thương mại của Nga với sự tập trung lớn hơn vào các quốc gia Nam Bán cầu (gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á).

Dưới thời ông Putin, chính quyền Nga đặc biệt tập trung vào quan hệ với Nam Bán cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển vạch ra con đường theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại độc lập đồng thời tuân thủ mô hình phát triển của riêng mình.

Tiến sĩ Anuradha Chenoy tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho biết sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Putin có thể sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước Nam Bán cầu, đặc biệt về kinh tế.

"Nga đã vượt qua Đức về sức mua tương đương và thay thế Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới", Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào năm ngoái.

Ông Putin lưu ý rằng "điều quan trọng là cấu trúc của nền kinh tế phải thay đổi, trở nên hiệu quả hơn, hiện đại hơn và đổi mới hơn", đồng thời cho biết ông đang lên kế hoạch thực hiện điều đó nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Ngoài ra, Moscow và các đối tác đã đẩy nhanh quá trình thoát khỏi đồng USD, vốn từ lâu đã trở thành công cụ trừng phạt trong thương mại toàn cầu.

"Nga được coi là nước đi đầu trong việc "phi đô la hóa", được khởi đầu bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và tiền tệ của phương Tây, sau đó bị đẩy mạnh bằng cách cấm Nga truy cập vào hệ thống (thanh toán toàn cầu) SWIFT", Paul Goncharoff, doanh nhân và chủ sở hữu công ty tư vấn Goncharoff LLC, cho biết.

Theo nhà quan sát, quyết định của phương Tây phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã trở thành lời cảnh tỉnh cho các nước khác.

"Niềm tin đã bị xói mòn và sẽ tiếp tục xói mòn ngày càng nhanh khi đồng USD được coi là một phương án không an toàn cho các thanh toán tài chính đơn giản và là một kho lưu trữ giá trị không được bảo đảm", chuyên gia Goncharoff cảnh báo.

Theo nhà phân tích Goncharoff, "Nga hiện nay không chỉ nổi lên là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu mà còn là một phần quan trọng của nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế, hiện bao gồm BRICS, Liên minh kinh tế Á-Âu, ASEAN, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải".

"Một cách nhìn khác về vấn đề này là Nga đã liên kết với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và những nền kinh tế này đã chiếm phần lớn động lực tăng trưởng toàn cầu", ông Goncharoff nhấn mạnh.

Theo Reuters, Nga đã mất phần lớn thị trường năng lượng "béo bở" ở châu Âu vì các lệnh trừng phạt và vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc. Trong thời gian tới, tiến độ của 3 dự án lớn sẽ là thước đo thành công của Tổng thống Putin trong việc xoay trục thương mại Nga về phía đông.

Các dự án này bao gồm một "trung tâm khí đốt" mới ở Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt, một đường ống mới, Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) để đưa thêm 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm đến Trung Quốc qua Mông Cổ và mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc, được thực hiện nhờ băng biển Bắc Cực tan chảy để nối Murmansk gần biên giới Nga với Na Uy tới eo biển Bering gần Alaska.

Chính sách đối ngoại: Nga tạo ra không gian an ninh địa kinh tế

Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thế nào trong nhiệm kỳ mới? - 3

Xe quân sự Nga ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Theo Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia, các ưu tiên về chính sách đối ngoại của Nga đã được ông Putin nêu rõ trong Thông điệp Liên bang và các cuộc phỏng vấn trước đó.

Ông Evstafiev đã phác thảo 4 hướng chính trong chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo của Tổng thống Putin.

Thứ nhất, duy trì đối thoại với các đối tác của Nga trong không gian hậu Xô Viết và khu vực Á-Âu nói chung.

Thứ hai, tổ chức đàm phán với phương Tây và với Mỹ về các vấn đề an ninh lớn của thế giới và kế hoạch này sẽ diễn ra sau khi có kết quả rõ ràng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Thứ ba, làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Nga với khu vực Nam bán cầu.

Thứ tư, tạo ra một không gian địa kinh tế mới và một hệ thống thanh toán mới không cần đồng USD.

"Nga, trước sự thiếu chủ động của các nước khác tham gia hệ thống quan hệ quốc tế, đang đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra không gian an ninh địa kinh tế trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu với Mỹ là trung tâm sụp đổ", ông Evstafiev nhận định.

Theo ông Evstafiev, "nền kinh tế lấy Mỹ làm trung tâm có thể sớm bước vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và cuộc khủng hoảng này đã bắt đầu hình thành". Vì vậy, Nga sẽ tạo ra một "không gian an ninh như vậy để trước hết là bảo vệ chính mình".

Giáo sư Evstafiev cho rằng Nga sẽ chỉ có thể tổ chức đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây nếu các chính trị gia có trách nhiệm ở Mỹ và châu Âu nắm quyền điều hành đất nước của họ và bắt đầu nói về các vấn đề an ninh cũng như cấu trúc quan hệ sâu rộng hơn ở châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, tránh đưa ra các tối hậu thư và giọng điệu tuyên truyền. Theo ông Evstafiev, hiện tại không có chính trị gia nào như vậy đứng đầu các quốc gia lớn ở phương Tây.

Nhà phân tích Evstafiev dự đoán sẽ không có sự thay đổi chiến lược đối ngoại đột ngột trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Putin.

"Ông Putin không phải là kiểu người thực hiện những bước chuyển biến đột ngột và mang tính quyết định như vậy. Ông ấy thực hiện những bước chuyển biến mang tính quyết định dần dần", chuyên gia cho biết.

"Nga sẽ kiên trì thúc đẩy các mục tiêu mà không ảnh hưởng đến lợi ích được họ tuyên bố vào tháng 12/2021", ông Evstafiev nói, đề cập đến dự thảo thỏa thuận an ninh mà Điện Kremlin đã chuyển cho Washington và NATO trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Lập trường của Nga đã được xác định và Nga sẽ đợi cho đến khi tập thể phương Tây tiến đủ gần để bắt đầu đàm phán", ông Evstafiev nói thêm.

Mỹ hiện được xem là "đối thủ đáng gờm" nhất của Nga khi cung cấp hàng tỷ USD viện trợ, vũ khí và thông tin tình báo để hỗ trợ Ukraine. Mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Joe Biden đặc biệt trở nên khó khăn khi ông chủ Nhà Trắng công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Nga.

Theo India TV News, mặc dù sự cạnh tranh của Nga sẽ không biến mất khi Mỹ thay đổi tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump trong 4 năm tới tại Nhà Trắng có thể làm dịu đi căng thẳng giữa hai cường quốc.

Ông Trump đã nhiều lần ca ngợi ông Putin và cho biết ông sẽ công khai khuyến khích Nga tấn công các nước châu Âu không chi đủ tiền cho quốc phòng. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã gặp ông Putin và bác bỏ cáo buộc rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong khi ông Trump ca ngợi ông chủ Điện Kremlin, ông Putin cũng chỉ trích các cáo buộc hình sự chống lại ông Trump, gọi đây là hành động "có động cơ chính trị".

Tổng thống Putin gần đây cho biết ông muốn ông Biden tái đắc cử hơn là ông Trump vì ông Biden dễ đoán và nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, điều này thực chất được hiểu theo nghĩa ngược lại, vì Tổng thống Putin hy vọng danh tiếng của ông sẽ thúc đẩy triển vọng của ứng cử viên dẫn đầu đảng Cộng hòa. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ dừng cuộc chiến ở Ukraine trong vòng vài ngày.

Đối với các nước châu Âu, quan điểm của họ về cuộc chiến là liên minh với Mỹ trong việc giúp đỡ Ukraine. Hầu hết các quốc gia châu Âu, ngoại trừ Hungary, đều lo ngại rằng Nga có thể tấn công các quốc gia liên kết với NATO và ưu tiên chi tiêu quốc phòng.

Những căng thẳng này có thể sẽ gia tăng khi Thụy Điển và Phần Lan hiện đã gia nhập NATO, đánh dấu liên minh lớn nhất kể từ những năm 1990. Liên minh quân sự này cũng muốn Ukraine tham gia, mặc dù sự phản đối gay gắt của Nga và chiến tranh đang ngăn cản Kiev làm điều đó. Tổng thống Putin thậm chí còn đe dọa sẽ gửi quân tới biên giới Phần Lan và Ba Lan nếu những nước này "cản đường" Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

Trong khi đó, Nga vẫn duy trì mối quan hệ tích cực mạnh mẽ với Ấn Độ và Tổng thống Putin đã chia sẻ mối quan hệ thân thiện với Thủ tướng Narendra Modi. Cuộc chiến tại Ukraine không ảnh hưởng đến mối quan hệ Ấn - Nga và mối quan hệ này dự kiến sẽ vẫn thân thiện trong thời gian tới.

Tổng thống Putin cho biết quan hệ giữa Ấn Độ và Nga đang phát triển dần dần theo mọi quỹ đạo dưới sự bảo đảm của Thủ tướng Modi. Mối quan hệ đang chớm nở này dự kiến sẽ được củng cố hơn nữa khi ông Putin nắm quyền kéo dài đến năm 2030.

Nga cũng đang định vị nước này là "bộ mặt của Nam Bán cầu" bằng cách duy trì liên minh với Hungary, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và quan trọng nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng thắt chặt mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Iran.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Putin nói rằng mối quan hệ của Nga với Trung Quốc sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Cuộc chiến ở Ukraine thậm chí đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn và Trung Quốc trở thành nước mua năng lượng lớn nhất của Nga, trong khi Nga lại phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Tổng thống Putin tuyên bố mặc dù Nga phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng người dân nước này sẽ hoàn thành nhiệm vụ nếu họ đoàn kết.

"Chúng tôi có một chương trình nghị sự phát triển to lớn và mọi người đã cảm nhận được điều đó trong trái tim mình. Họ đã bỏ phiếu để tạo điều kiện cho sự phát triển và củng cố đất nước. Kết quả của cuộc bầu cử là sự đảm bảo rằng những nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành và đạt được các mục tiêu", ông Putin nhấn mạnh.

Theo Sputnik, AP, Reuters, Newsweek