1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin: Nga không phải là nguồn cơn khủng hoảng Ukraine

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/6 cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine không phải do Nga, mà do Phương Tây đã tiếp tay cho một cuộc đảo chính vi hiến ở quốc gia láng giềng của Mátxcơva.

Tổng thống Putin phát biểu tại St. Petersburg ngày 19.6. (Ảnh:

Tổng thống Putin phát biểu tại St. Petersburg ngày 19.6. (Ảnh: AP)

Phát biểu trong phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2015) ngày 19/6, ông Putin vạch rõ: "Chúng ta (Nga) không phải là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine."

Tổng thống Nga hôm qua cũng cho rằng trong khi Mátxcơva luôn bị thúc ép phải gây áp lực với phe ly khai tại Donbass, phương Tây cũng nên tác động lên Kiev để giải quyết triệt để xung đột kéo dài tại đông Ukraine.

“Chúng tôi đã tác động lên phe ly khai nhưng cuộc khủng hoảng sẽ không thể chấm dứt nếu chỉ có nỗ lực từ một phía”, ông Putin nêu rõ.

“Chúng tôi cũng không thể gây áp lực với Kiev. Đây đáng lẽ là điều phương Tây cần làm. Hãy cùng nhau giải quyết vấn đề”, người đứng đầu nước Nga kêu gọi.

Tuyên bố mới của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mátxcơva với Mỹ và các nước châu Âu vẫn căng thẳng do không tìm được tiếng nói chung về khủng hoảng Ukraine.

Nga không muốn trở thành siêu cường...

Cũng trong phát biểu ngày 19/6 trước các doanh nhân tại St. Petersburg, ông Putin khẳng định Mátxcơva không hành động hiếu chiến và cũng không mong muốn trở thành cường quốc hay đạt được vị thế siêu cường.

RT dẫn lời Tổng thống Nga nói rằng ông không đồng ý với bình luận của cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon rằng Nga đang ngày càng hiếu chiến.

“Chúng tôi không hiếu chiến. Chúng tôi chỉ hành động để bảo vệ lợi ích của mình một cách kiên quyết và bền bỉ hơn”, ông Putin nhấn mạnh.

Ông chủ đầy quyền lực của điện Kremlin cũng bày tỏ Nga chỉ mong muốn nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi không áp đặt các tiêu chuẩn, hình mẫu cư xử hay mô hình phát triển của nước Nga lên bất kỳ quốc gia nào”, ông Putin tuyên bố, “Chúng tôi chỉ muốn mối quan hệ công bằng với tất cả các chủ thể trong quan hệ quốc tế -  với Mỹ, châu Âu, hay các đối tác châu Á.”

Ông Putin cho rằng sau khi trật tự thế giới hai cực tan rã, Liên Xô "biến mất" khỏi bản đồ chính trị, một số nước Phương Tây, cụ thể là Mỹ, bắt đầu tìm kiếm những khoảng không gian địa chính trị mới để gây dựng ảnh hưởng, theo Sputnik.

... Và sẽ tiếp tục hợp tác với phương Tây

Tại Diễn đàn SPIEF 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng hợp tác của Mátxcơva với Phương Tây sẽ vẫn tiếp tục, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) công bố sẽ kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng, theo BBC.

Sputnik dẫn lại lời ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với Phương Tây, dù hiện nay quan hệ của Nga với các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và các nước Mỹ Latin đang có những tiến triển.

Tổng thống Nga cũng khẳng định nước này đang xử lý tốt cuộc khủng hoảng kinh tế vốn bị cho là đã suy giảm nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu cùng với đà giảm giá dầu thế giới.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/6 nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt Nga đến cuối tháng một năm sau, trong bối cảnh xung đột tại đông Ukraine không có tiến triển tích cực hơn.

Lệnh trừng phạt áp dụng với các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga được EU đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Lệnh trừng phạt (lẽ ra sẽ hết hạn vào ngày 31/7 tới)  là phản ứng của EU, với lý do Nga có các hành vi hỗ trợ lực lượng ly  khai ở miền đông Ukraine, khiến giao tranh tại Ukraina kéo dài.

Căng thẳng giữa phương Tây với Nga gia tăng suốt hơn một năm qua do bất đồng xoay quanh cuộc khủng hoảng tại đông Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Nga không thể quay lại nhóm G8. 

Trong các chuyến công du gần đây, Tổng thống Nga Putin thường đề cập tới thiện chí muốn hòa giải với phương Tây vì xung đột không mang lại lợi ích cho bên nào. Tuy nhiên, ông chủ điện Kremlin vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề Ukraine trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo EU.
 
Trúc Bạch
Theo RT, Sputnik, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm