EU kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng
(Dân trí) - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/6 nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt Nga đến cuối tháng một năm sau, trong bối cảnh xung đột tại đông Ukraine không có tiến triển tích cực hơn.
Gazprombank, ngân hàng lớn thứ 3 tại Nga, bị hạn chế khả năng tiếp cận với dòng tiền từ châu Âu do lệnh trừng phạt. (Ảnh:EPA)
Đại diện các nước EU hôm qua 17/6 thống nhất duy trì lệnh trừng phạt với Nga thêm 6 tháng nữa, BBC đưa tin. Cũng theo hãng tin này, Ngoại trưởng các nước EU họp tại Luxembourg vào ngày 22/6 tới dự kiến sẽ phê chuẩn việc gia hạn lệnh trừng phạt mà không cần thảo luận.
Lệnh trừng phạt áp dụng với các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga được EU đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Lệnh trừng phạt (lẽ ra sẽ hết hạn vào ngày 31/7 tới) là phản ứng của EU, với lý do Nga có các hành vi hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, khiến giao tranh tại Ukraina kéo dài.
Căng thẳng giữa phương Tây với Nga gia tăng suốt hơn một năm nay do bất đồng xoay quanh cuộc khủng hoảng tại đông Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Nga không thể quay lại nhóm G8.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã tiếp tục loại Nga khỏi cuộc họp thượng đỉnh hồi đầu tháng này, dù nhiều chính trị gia và doanh nghiệp cho rằng hội nghị sẽ “không hiệu quả” nếu thiếu Mátxcơva.
Trong các chuyến công du gần đây, Tổng thống Nga Putin thường đề cập tới thiện chí muốn hòa giải với phương Tây vì xung đột không mang lại lợi ích cho bên nào. Tuy nhiên, ông chủ điện Kremli vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề Ukraine trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo EU.
Việc các nước EU cùng Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga là một trong những yếu tố khiến kinh tế Nga bị ảnh hưởng khá mạnh.
Đáp trả lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, Mátxcơva ngày 29/5 ban hành lệnh cấm nhiều chính trị gia châu Âu nhập cảnh vào Nga.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng ngày thông báo: bản danh sách nêu trên bao gồm 89 nhân vật, trong đó có nghị sĩ người Bỉ Mark Demesmaeker và hai nghị sĩ người Hà Lan.
BBC nhận định: quyết định đáp trả của điện Kremli đã tạo ra những tác động tiêu cực tới giới chức châu Âu, vốn luôn cáo buộc Nga dính líu vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thoa Phạm
Theo BBC