Tổng thống Putin hóa giải hiểm họa kép từ Syria và Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Putin cho biết, tất cả những gì đang diễn ra ở Ukraine đối với nước Nga có ý nghĩa quyết định vận mệnh và tương lai và là vấn đề tồn tại hay không tồn tại.
Tổng thống Vladimir Putin: Sự lựa chọn lịch sử của nước Nga (kỳ 5)
Kết quả cuộc bầu cử 2024 có thể dự báo trước được bởi Vladimir Putin không chỉ là tổng thống mà còn là lãnh tụ của nhân dân Nga. Sau nhiệm kỳ này, nếu đủ sức khỏe cũng như các điều kiện khác, ông hoàn toàn có thể ra tranh cử vào năm 2030 để lãnh đạo đất nước đến năm 2036.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vì sao ông được người Nga tín nhiệm cao đến thế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng.
Sau cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Tucker Carlson vào ngày 6/2/2024, Tổng thống Putin cho biết ông muốn thông qua cuộc phỏng vấn này chuyển tới dư luận Phương Tây thông điệp rằng tất cả những gì đang diễn ra ở Ukraine đối với họ chỉ có ý nghĩa chiến thuật, còn đối với nước Nga có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh và tương lai và là vấn đề tồn tại hay không tồn tại.
Mối hiểm họa từ Ukraine
Tổng thống Putin đã nói rõ những điều mà giới nghiên cứu chính trị quốc tế và chiến lược địa chính trị đã từng đi đến kết luận: Cộng hòa Ukraine không chỉ là quốc gia chỉ mới được hình thành lần đầu tiên sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mà còn là một trong những "mảnh vỡ" của Đế quốc Nga sau cuộc cách mạng đó, đồng thời là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh địa chính trị kéo dài hàng thế kỷ giữa Phương Tây do Mỹ đứng đầu với Nga.
Những gì đang diễn ra trong và ngoài Ukraine hôm nay không chỉ quyết định tương lai của chính quốc gia này mà còn là tương lai của nước Nga, thậm chí còn là của thế giới, bởi Ukraine là trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm hạ gục nước Nga giữa lúc trật tự thế giới đơn cực do Washington chi phối đang bị lung lay.
Theo Tổng thống Putin, cái gọi là "luật lệ" ở đây là những gì Mỹ đứng đầu Phương Tây muốn áp đặt cho phần còn lại của thế giới.
Theo học thuyết địa chính trị của Halford Mackinder công bố vào năm 1904, Ukraine chiếm vị thế vô cùng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ được hoạch định vào đầu thế kỷ XX.
Trong chuyên khảo có tựa đề "Bàn cờ lớn", Zbigniew Brzezinski - nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter - tiết lộ rằng, mục tiêu chiến lược của Mỹ sau Chiến tranh lạnh là tiếp tục làm tan rã nước Nga và để đạt được mục tiêu đó Washington cần tới Kiev.
Ông Zbigniew Brzezinski nhận định: "Nếu không có Ukraine, Nga sẽ không bao giờ có thể trở thành cường quốc có chủ quyền, một cực độc lập trong trật tự thế giới đa cực.
Điều này có nghĩa tương lai của trật tự thế giới đơn cực phụ thuộc vào khả năng Mỹ đứng đầu Phương Tây có thể tách Ukraine ra khỏi Nga hay không. Nói cách khác, nếu Nga liên kết với Ukraine, bằng cách này hay cách khác, trật tự thế giới đơn cực sẽ sụp đổ và bản đồ địa chính trị một lần nữa sẽ thay đổi theo cách không thể đảo ngược".
Do đó, để duy trì trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh, Mỹ nhất thiết phải "gần gũi" Ukraine.
Hiểm họa từ Syria
Theo giới chuyên gia, lẽ ra, Washington chưa có kế hoạch thực hiện cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014 mà là chờ tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia này sẽ được tổ chức vào năm 2015 khi Tổng thống Yanukovich hết nhiệm kỳ.
Đến khi đó họ sẽ thực hiện cuộc "cách mạng cam" để loại bỏ ông Yanukovich và đưa một nhân vật thân Mỹ lên cầm quyền ở Kiev. Tuy nhiên, Washington quyết định "chạy trước sự kiện" do cuộc khủng hoảng Ukraine có liên quan mật thiết với một cuộc chiến khác giữa Mỹ và Nga ở Syria.
Từ năm 2011, theo học thuyết "lãnh đạo từ phía sau" của Tổng thống Barack Obama, Washington được cho là đã châm ngòi cho các biến động chính trị mang tên "Mùa Xuân Arab" để giành quyền kiểm soát khu vực địa chính trị Trung Đông có vị thế rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu của họ và đẩy Nga ra khỏi khu vực này.
Tổng thống Obama đánh giá các biến động chính trị - xã hội mang tên "Mùa xuân Arập" có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ tương tự như sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, mở đầu sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Sau khi Mỹ và NATO tiến hành cuộc chiến tranh ở Libya và loại bỏ Tổng thống Muammar Gaddafi trong tháng 10/2011, Thượng nghị sỹ Mỹ John Mcain từng tuyên bố rằng kịch bản Libya sẽ lặp lại ở Syria, Iran, các nước trong không gian hậu Xô Viết và Nga.
Sau khi trở lại Điện Kremlin vào năm 2012, Tổng thống Putin quyết định giúp đỡ Syria - đồng minh của Nga ở Trung Đông - hóa giải hiểm họa từ "Mùa Xuân Arab". Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi đó đứng trước mối nguy lớn và Tổng thống Putin quyết định đưa lực lượng tới bảo vệ. Như vậy, trên thực tế, cuộc chiến ở Syria trở thành cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.
Hóa giải mối hiểm họa đối với Nga cho đến trước năm 2022
Theo giới phân tích, nếu Nga thất bại ở Syria, các lực lượng khủng bố sẽ thâm nhập vào không gian hậu Xô Viết để gây bất ổn cho Nga, thậm chí tạo ra phản ứng domino có thể khiến Nga tan rã như dự báo của Thượng nghị sỹ John Mccain.
Diễn biến cực kỳ phức tạp ở Syria được Tổng thống Bashar al-Assad diễn giải rằng ở quốc gia này hoàn toàn không phải là nội chiến mà là "cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ". Báo Pháp Le Figaro cũng nhận định, ở Syria đang diễn ra cuộc chiến tranh thế giới giữa khủng bố và chống khủng bố.
Trong đó có sự tham gia của lực lượng đến từ gần 90 nước, nhiều hơn cả số quốc gia tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vì thế, vai trò của Nga trong cuộc chiến đánh bại khủng bố ở Syria có ý nghĩa quan trọng tương tự như vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đánh giá về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, cựu Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nhận định: "Chính quyền của Tổng thống Obama đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng "Mùa Xuân Arab" có thể loại bỏ được chính thể các quốc gia Trung Đông và thiết lập nền dân chủ".
Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Đây là quyết định có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, bước đầu làm phá sản kế hoạch chiến lược của Mỹ ở Ukraine.
Tiếp đến, Nga cùng với Pháp và Đức đồng bảo trợ cho chính quyền Kiev cùng chính quyền hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ký kết Thỏa thuận Minsk để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua là giải pháp chính trị duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, tạo điều kiện cho Tổng thống Putin "đóng băng" cuộc khủng hoảng này để rảnh tay hóa giải mối nguy ở Syria.
Ngày 30/9/2015, Tổng thống Putin phát động chiến dịch chống khủng bố ở Syria.
Sau 2 năm tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria, lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga đã thực hiện hơn 30.000 chuyến bay, hoàn thành hơn 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt 96.000 mục tiêu khủng bố, trong đó có 832 sở chỉ huy; phá hủy 6.769 kho vũ khí và đạn dược, 184 cơ sở khai thác dầu và 132 đoàn xe chở dầu của các tổ chức khủng bố.
Trên cơ sở đó, ngày 06/12/2017, Tổng thống Putin tuyên bố, về cơ bản, các tổ chức khủng bố quốc tế ở Syria đã bị đánh bại. Đồng thời, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Syria trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.