1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Nga yêu cầu khẩn cấp nội địa hóa kho quân sự

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin hôm qua đã chỉ thị phải nhanh chóng nội địa hóa kho vũ khí quân sự của nước này, trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực gia nhập NATO và Mỹ tìm cách đưa hệ thống NMD tới sát đường biên giới với Nga.

Nga đặt mục tiêu nội địa hóa và hiện đại hóa ít nhất 70% các trang thiết bị quân sự của mình.
Nga đặt mục tiêu nội địa hóa và hiện đại hóa ít nhất 70% các trang thiết bị quân sự của mình.

Trong tuyên bố ngày 27/11, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ Quốc Phòng triển khai ngay lập tức việc thay thế các linh kiện do nước ngoài sản xuất bằng các sản phẩm nội địa.

“Cần khởi động ngay việc thay thế những linh kiện vũ khí và khí tài quân sự nhập khẩu”, ông nói trong phiên họp chính phủ về phát triển các lực lượng quốc phòng ở thành phố Sochi.

Trước đây, Nga nhập số lượng không nhỏ linh kiện vũ khí từ quốc gia láng giềng Ukraine, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Vì thế, theo nhà lãnh đạo Nga, các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài phải được thay thế bằng những sản phẩm chất lượng cao do Nga chế tạo.

“Sản phẩm của Nga phải ưu việt hơn sản phẩm của nước ngoài về mặt chất lượng và giá thành, trong đó ưu tiên công nghệ lưỡng dụng”, ông nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cũng cho biết đến năm 2020, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang Nga sẽ được hiện đại hóa ít nhất 70% và được thực hiện đầy đủ kể cả trong những điều kiện phát triển không thuận lợi.

Chính phủ Nga đã duyệt khoản chi 20.000 tỷ Rúp (khoảng 414 tỷ USD) cho chương trình tái vũ trang quy mô lớn từ nay đến năm 2020.

Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh quốc gia láng giềng Ukraine đang tìm cách tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga để gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), động thái bị Mátxcơva xem như một nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định châu Âu cũng như toàn cầu.

“Việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ hủy hoại nền an ninh của châu Âu. Những ai hiện đang tìm cách lôi kéo Kiev vào NATO sẽ phải gánh trách nhiệm địa chính trị to lớn”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov cảnh báo.

Ông Meshkov cho rằng nước nào cũng có quyền đưa ra sự lựa chọn riêng của mình, nhưng điều quan trọng là phải đặt các lợi ích an ninh châu Âu và toàn cầu lên trên hết.

Không chỉ lo ngại ý đồ ngả sang phương Tây của quốc gia láng giềng Ukraine, giới chức Nga cũng đang phải đối phó với kế hoạch của Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tới gần hơn đường biên giới với Nga.

“Washington viện dẫn lý do về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để nhằm lôi kéo các nước trong khu vực tham gia kế hoạch triển khai NMD”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov phát biểu tại Đối thoại lãnh đạo quốc phòng các nước Nam và Đông Nam Á, diễn ra ở Sri Lanka từ 27-29/11.

Ông Antonov cho rằng tiềm lực quân sự của Mỹ “vượt xa mức cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa tên lửa hiện tại và tương lai" và trên thực tế, "hệ thống NMD của Mỹ chỉ nhằm phá hoại an ninh khu vực và quốc tế, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược xoay trục an ninh sang châu Á – Thái Bình Dương năm 2010, Mỹ đã điều động tới đây nhiều hàng không mẫu hạm nguyên tử, máy bay ném bom chiến lược và tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh thân cận nhằm thực thi chính sách của mình.

Vũ Anh
Tổng hợp