1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Mỹ bất ngờ “nhờ” quốc hội quyết định vụ Syria

(Dân trí) - Trong một động thái có phần bất ngờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định đưa vấn đề tấn công Syria lên quốc hội phê chuẩn. Với việc các nghị sỹ đang đi nghỉ và chỉ trở về vào ngày 9/9, một cuộc tấn công sớm sẽ khó xảy ra.

Theo hãng tin AFP quyết định này của ông Obama cũng đã phá vỡ tiền lệ tồn tại hàng thập kỷ qua của các Tổng thống Mỹ.

Ông Obama đã quyết định sẽ đưa vấn đề Syria ra quốc hội
Ông Obama đã quyết định sẽ đưa vấn đề Syria ra quốc hội

Ông Obama khẳng định mình vẫn bảo lưu quyền quyết định tấn công bất kể quyết định của quốc hội ra sao, và một quan chức Nhà Trắng cho biết sự trì hoãn này sẽ giúp ông có thêm thời gian để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

Trong hôm nay, Liên đoàn A rập sẽ họp mặt tại Cairo và dự kiến sẽ ra tuyên bố lên án chính quyền của ông Assad. Tuần tới ông Obama sẽ tới Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, và cuộc khủng hoảng Sirya dự kiến cũng là chủ đề bao trùm.

Nhưng cuộc chiến khó khăn nhất, và có lẽ là nguy hiểm nhất với sự tín nhiệm của ông Obama, có lẽ là chính tại quốc hội, nơi sự ủng hộ cho các cuộc tấn công khó lòng được đảm bảo.

Trên thực tế, các nhà quan sát cảnh báo rằng ông Obama có thể sẽ phải đối diện với số phận tương tự như thủ tướng Anh David Cameron, người hôm thứ Sáu vừa qua đã thất bại trong việc xin quốc hội phê chuẩn hành động quân sự.

“Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã thông báo với tôi rằng chúng ta sẵn sàng tấn công bất cứ khi nào chúng ta muốn”, ông Obama tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. “Hơn nữa, vị chủ tịch đã thông báo với tôi rằng khả năng thực thi nhiệm vụ này không phụ thuộc vào thời gian. Nó có thể diễn ra ngay ngày mai hoặc tuần tới hoặc một tháng nữa”.

Hiện ít nhất 5 tàu chiến Mỹ được trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk đã có mặt tại phía Đông Địa Trung Hải, sẵn sàng thực hiện các đợt tấn công chính xác vào các mục tiêu của chính quyền Syria.

Biểu tình phản đối tấn công Syria lan rộng

Trong khi chính quyền Mỹ còn đang do dự trước khả năng can thiệp vào Syria, các cuộc biểu tình phản đối hành động này đang tiếp tục lan ra nhiều thành phố.

Biểu tình phản đối tấn công Syria bên ngoài Nhà Trắng
Biểu tình phản đối tấn công Syria bên ngoài Nhà Trắng

Ngay tại Washington, chỉ ít phút trước khi ông Obama ra thông báo sẽ đưa vấn đề lên quốc hội xin ý kiến, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng hô vang các khẩu hiệu phản chiến, kênh USA Today cho biết. Tiếng hô vang của họ đã vọng vào tận khu Vườn hồng, nơi ông chủ Nhà Trắng phát biểu.

Lực lượng cảnh sát cưỡi ngựa đã phải can thiệp để tránh xảy ra xô xát khi một nhóm khoảng 50 người ủng hộ việc tấn công Syria cũng tới đây.

“Tình hình tại Syria rất phức tạp và việc thả bom vào xuống đó sẽ không giải quyết được vấn đề gì”, Lacy MacAuley, một người biểu tình mang biểu ngữ “Hãy tránh xa Syria” cho biết. “Nó sẽ không khiến chính quyền Assad dừng lại, nó cũng không khiến Quân giải phóng Syria dừng lại”.

“Chúng ta hiện đã có quá nhiều chiến tranh rồi”, sinh viên Andrew Jones, 24 tuổi khẳng định. “Đây không phải công việc của chúng ta. Họ có đất nước của riêng họ, họ là một quốc gia có chủ quyền và không cần chúng ta. Hơn nữa cả hai phe đều kinh khủng, chúng ta không cần thiết phải tới đó”.

Cũng trong ngày hôm qua, các cuộc biểu tình phản đối tấn công cũng diễn ra tại các thành phố New York, Boston và Houston.

Tại nhiều thành phố khác khắp thế giới, biểu tình phản chiến cũng được ghi nhận. Tại London, hơn 1000 người mang theo cờ Syria và biểu ngữ “Hãy tránh xa Syria” đã tuần hành tới phố Downing, nơi có văn phòng thủ tướng Anh và hướng về quảng trường Trafalgar.

Khoảng 700 người biểu tình cũng đã tuần hành phản đối can thiệp tại Frankfurt, Đức, cảnh sát địa phương cho biết.

Nhiều cuộc biểu tình khác cũng diễn ra tại các quốc gia Trung Đông, trong đó có một cuộc biểu tình do phe cánh tả đối lập tại Jordan tổ chức ở thủ đô Amman. Nhà hoạt động Kawthar Arrar đã miêu tả bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào là “hành vi khiêu chiến với toàn bộ thế giới A rập”. Nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quan Mỹ, hô khẩu hiệu và đốt cờ của Mỹ và Israel.

Biểu tình cũng được ghi nhận tại Pháp, đồng mình phương Tây mạnh mẽ nhất của Mỹ đến thời điểm này. Ngoài ra, người biểu tình tại Australia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuống đường phản đối ý định của Washington.

Thanh Tùng
Tổng hợp