1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Đức bất ngờ từ chức vì bình luận gây tranh cãi

(Dân trí) - Tổng thống Đức Horst Koehler cho biết ông sẽ từ chức ngay lập tức sau khi bị chỉ trích kịch liệt vì đưa ra bình luận về việc triển khai quân đội Đức ở nước ngoài.

 
Tổng thống Đức bất ngờ từ chức vì bình luận gây tranh cãi - 1
Tổng thống Đức Horst Koehler trong tuyên bố từ chức vào ngày hôm nay, 31/5. Ông Koehler từng là giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
 

Tổng thống Đức Koehler, người nắm giữ vị trí chủ yếu mang tính nghi thức, đã liên hệ sứ mệnh quân sự của nước này ở nước ngoài như sứ mệnh tại Afghanistan với việc bảo vệ các lợi ích kinh tế trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh sau chuyến thăm ngắn tới Afghanistan vào đầu tháng này.

 

Tổng thống  67 tuổi cho biết, đối với một đất nước có thiên hướng xuất khẩu như Đức, đôi khi cần phải triển khai quân đội “để bảo vệ các lợi ích của chúng ta… ví dụ như các con đường tự do thương mại”.

 

Bình luận của ông đã khiến nhiều chính trị gia Đức kịch liệt chỉ trích.

 

Giới phân tích cho rằng bình luận của ông Koehler về sự mệnh quân sự của Đức đã dẫn đến chỉ trích đối với chính sách ngoại giao pháo hạm (chính sách dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực) của Đức và khiến chính phủ của Thủ tướng Merkel phải bối rối. Chính phủ của bà Merkel gần đây vốn đã gánh chịu nhiều áp lực phải rút quân khỏi Afghanistan. Berlin muốn bắt đầu rút quân trở về nước vào năm 2011, một mục tiêu được Mỹ chia sẻ, nhưng lại chưa đưa ra được ngày rõ ràng đối với việc rút quân này.

 

Trong tuyên bố từ chức vào ngày hôm nay, ông Koehler cho hay: “Tôi từ chức là tổng thống liên bang và việc từ chức này có hiệu lực ngay tức thời”, và ông nói “rất vinh dự khi được làm Tổng thống Đức”. Ông cũng cho biết đã thông báo quyết định của ông tới Thủ tướng Đức Merkel.

 

Với vợ đứng bên, ông Koehler lấy làm tiếc vì những bình luận của ông lại có thể dẫn đến sự hiểu lầm về một câu hỏi khó của đất nước. Ông cũng khẳng định bình luận của ông không có ý ám chỉ đến sứ mệnh của Đức tại Afghanistan, nơi Đức có 4.500 quân đang được triển khai cùng lực lượng của NATO trong cuộc chiến chống quân Taliban.

 

Theo hiến pháp Đức, sau khi ông Koehler từ chức, Jens Boehrnsen, chủ tịch thượng viện Đức (Bundesrat) trở thành tổng thống lâm thời. Ông Jens Boehrnsen là người của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập.

 

Quyết định gây sốc của ông Koehler được đưa ra vào một trong những thời điểm tồi tệ nhất ở Đức. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, chủ yếu là do cách đối phó đối với cuộc khủng hoảng đồng euro.

 

Từng là giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Koehler đã được bầu làm tổng thống Đức vào năm 2004 và tái bầu vào năm 2009 trong nhiệm kỳ 2 kéo dài 5 năm.
 

Thủ tướng Merkel đã ca ngợi ông Koehler là tổng thống “giành được trái tim của người dân” và lấy làm tiếc trước quyết định từ chức của ông.

 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những bình luận của ông Koehler là “ngờ nghệch”. “Nghĩa vụ của tổng thống không phải là can thiệt vào công việc chính trị hàng ngày”, Wichard Woyke, nhà khoa học chính trị tại Đại học Muenster nhận xét. “Nhưng với những bình luận của ông được đưa ra trên chiến bay trở về từ Afghanistan, chắc chắn ông ấy đã tạo ra sự liên hệ. Vì vậy, ông ấy cũng không nên quá ngạc nhiên như vậy trước những lời chỉ trích kịch liệt của mọi người”.

 

Phan Anh

Theo BBC, AP