1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Chavez tái đắc cử: Chiến thắng của niềm tin vào cách mạng Bolivar

(Dân trí) – Dù bị ung thư, quyền lực có phần hao mòn theo năm tháng nhưng ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả Nam Mỹ Hugo Chavez vẫn dễ dàng tái cứ nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 sau 13 năm cầm quyền.

Tổng thống Chavez tái đắc cử: Chiến thắng của niềm tin vào cách mạng Bolivar

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với cử tri hút lòng nhiều cử tri. Ông nói cần có thêm thời gian để thúc đẩy XHCN ở Venezuela.


Với việc giành được 54,42% số phiếu ủng hộ trên tổng số gần 15.400 cử tri đi bầu (chiếm  80,84% trên tổng số gần 19 triệu cử tri, tỷ lệ đi bầu cao nhất từ trước tới nay), Tổng thống cánh tả Hugo Chavez của Venezuela đã chứng tỏ được sức mạnh thu hút lòng dân của mình, cho dù ai cũng biết ông đang phải vật lộn với căn bệnh ung thư từng ngày.

Chiến thắng đó càng có phần ý nghĩa khi ông đã xuất sắc vượt qua đối thủ trẻ tuổi Henrique Capriles của phe đối lập trong cuộc bầu cử được cho là gay cấn nhất 14 năm qua. Theo thông báo chính thức của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) Tibisay Lucena, ứng cử viên theo đường lối cánh hữu Capriles giành được 44,97% số phiếu bầu, mức cao nhất của một ứng cử viên đối lập trong các kỳ tranh cử với ông Chavez từ trước tới nay.

Tất nhiên, chiến thắng của ông Chavez không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, nhưng xét trong bối cảnh thực tế hiện nay, chiến thắng này mang ý nghĩa thực tiễn và tinh thần rất lớn.  Nó cho thấy đa số người dân Venezuela vẫn ủng hộ ông, ủng hộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ông đã ấp ủ và theo đuổi trong suốt 13 năm qua, và quan trọng nhất là ủng hộ tinh thần vượt lên bệnh tật của vị lãnh tụ phong trào cánh tả Nam Mỹ.

Biểu tượng “CNXH thế kỷ 21” ở Nam Mỹ

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ông Chavez khẳng định cuộc bầu cử lần này có tầm quan trọng đặc biệt vì quyết định vận mệnh của đất nước trong 100 năm tới.

Vận mệnh ấy chính là việc ông sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước đi theo con đường “CHXN thế kỷ 21”, làm sâu sắc hơn cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa này thông qua việc tiếp tục tăng cường đầu tư cho các chương trình xã hội với cam kết trong vòng 6 năm tới sẽ xóa sạch tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp, tăng thu nhập, lương hưu và trợ cấp xã hội cho người dân.

Theo tuần san Le Nouvel Observateur của Pháp, sở dĩ ông Chavez có thể làm được điều này là vì ông đã xây dựng được một nền tảng XHCN vững chắc ở Venezuela nói riêng, Nam Mỹ nói chung nhờ việc thành lập nhóm công tác Sứ mệnh Bolivar (Missión Bolivar). Mục đích của việc thành lập nhóm công tác này là nhằm hỗ trợ người dân chống lại dịch bệnh, nạn mù chữ, tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo khổ và những tệ nạn xã hội khác. Chính sách đã thành công đến mức ứng viên đối lập Capriles cũng phải cam kết nếu đắc cử, ông sẽ duy trì hoạt động của các nhóm công tác này.

Dưới sự dẫn dắt của ông Chavez, Sứ mệnh Boliviar đã đưa quốc gia Nam Mỹ từ một đất nước đi theo chủ nghĩa tự do mới, chìm sâu trong đói nghèo và bất bình đẳng xã hội sâu sắc thành một nước có các chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí hoàn toàn miễn phí cho người nghèo, theo đúng tinh thần XHCN.

Cụ thể, trong thời gian từ khi bắt đầu cầm quyền năm 1999 đến năm 2010, chính phủ của ông Chavez đã dùng nguồn lợi từ xuất khẩu dầu mỏ để đầu tư 330 tỷ USD cho các chương trình xã hội, giảm tỷ lệ nghèo đói từ 70% xuống còn 23,9% và tỷ lệ bần cùng từ 40% xuống còn 5,9%. Ngoài ra số người được hưởng trợ cấp xã hội  tăng từ 387.000 người lên 1,92 triệu người cùng với một hệ thống y tế và giáo dục công cộng ngày càng mở rộng tới khắp các tỉnh, thành trong cả nước. 

Một nhân tố khác giúp ông Chavez nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của đa số dân chúng là nhờ ông đã biết “đẩy” sản lượng dầu mỏ lên mức đứng nhất nhì thế giới với 3 triệu thùng mỗi ngày. Hiện Venezuela là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới và là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với trữ lượng dầu mỏ vào khoảng 297,5 tỷ thùng.

Trên phương diện đối ngoại, ông Chavez luôn khẳng định được vai trò cánh chim đầu đàn trong khuynh hướng xây dựng “CNXH thế kỷ 21” ở Nam Mỹ.

Các nguyên thủ trong khu vực, từ Evo Morales của Bolivia, Rafael Correa của Equador hay Cristina Kirchner của Argentina đều là những người ủng hộ tuyệt đối Hugo Chavez. Họ “mắc nợ” ông trong việc thành lập Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và gần đây là Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC). Là một liên minh mới trong khu vực, nơi không có sự tham gia của Mỹ và Canada, CELAC được coi là cơ chế hội nhập mới thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vốn thường bị ông Chavez chỉ trích là chịu sự thao túng của Mỹ.

Nhưng vượt trên tất cả, theo nhiều người dân Venezuela và cả giới phân tích chính trị, cái đáng quý nhất ở ông Chavez là dù liên tiếp gặt hái thành công trên cương vị người đứng đầu đất nước, song ông không bao giờ xa rời dân chúng.

“Ông Chavez nói chuyện như người thuộc tầng lớp bình dân. Ông nói chuyện với họ như với người thân. Ông là người cho họ có tiếng nói”, một chuyên gia chính trị nhận xét.

Có lẽ, chính tác phong vừa quyết liệt, cứng rắn, vừa giản dị, gần gũi (đôi khi pha chút hóm hỉnh), kết hợp với một bộ óc thông minh và một trái tim nhân hậu là những yếu tố hình thành nên một Chavez của ngày hôm nay.

Và những hoài bão phía trước

Trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng ngay trong đêm 7/10, Tổng thống Chavez tuyên bố nhân dân Venezuela đã đạt được mục tiêu lịch sử cao cả là đã bỏ phiếu cho sự tiếp nối khuynh hướng “XHCN thế kỷ 21” và rằng một chu kỳ mới của cuộc cách mạng Bolivar đã chính thức bắt đầu.

Cuộc cách mạng đó sẽ đưa quốc gia Nam Mỹ này tới những công cuộc cải cách kinh tế và chính trị sâu sắc nhằm thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của thời cuộc và đáp ứng một cách tốt nhất mọi nhu cầu của người dân trên cơ sở vẫn đảm bảo duy trì “ngọn cờ ý thức hệ” hiện nay.

Tất nhiên để đạt được điều đó, thách thức đối với Tổng thống Chavez trong thời gian tới sẽ là không nhỏ. Chính trị gia 58 tuổi này phải làm thế nào đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ như hiện nay, đồng thời cải thiện một bước thực trạng suy yếu của ngành công nghiệp và thiếu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, chính phủ cách mạng Bolivar cũng phải đấu tranh quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng, giải quyết triệt để tình trạng tội phạm đang gây nhức nhối trong đời sống xã hội và tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình hội nhâp, liên kết giữa các nước trong khu vực, bảo vệ  chủ quyền và quyền tự quyết vận mệnh trước sự áp đặt của các nước lớn.

Với những mục tiêu trên, chắc chắn những năm tới là thời điểm mang tính quyết định đối với vận mệnh đất nước và tương lai của thế hệ trẻ Venezuela. Một chu kỳ mới của cách mạng Bolivar đã bắt đầu và mọi người đều mong chờ vào thành công của Tổng thống Chavez, một con người luôn biết vượt lên số phận trong mọi hoàn cảnh.

Việt Giang