Tổng thống Barack Obama: Bậc thầy về chính sách đối ngoại Mỹ
Sáu năm qua, Nhà Trắng đã bỏ ngoài tai các chỉ trích, bí mật triển khai chiến lược "tam lục địa", thông qua các biện pháp kinh tế kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.
"Đảo thế giới" của Trung Quốc hay "tam lục địa" của Mỹ sẽ lên ngôi?
Khi Mỹ còn chìm đắm ở Trung Đông, Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ USD thặng dư từ thương mại với Mỹ cho kế hoạch hội nhập kinh tế với khu vực Á-Âu rộng lớn. Bắc Kinh đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc, đường sắt trên cao và đường ống dẫn dầu-khí đốt tự nhiên… trên bề mặt rộng lớn của Á - Âu - Phi.
Trung Quốc đã đặt ra việc thống nhất nền kinh tế Á - Âu thông qua xây dựng quy mô lớn bằng vốn vay, viện trợ nước ngoài. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á(AIIB) ra đời và thu hút được 57 thành viên, trong đó có một số đồng minh của Washington. Với 4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc đầu tư 630 tỷ USD ra nước ngoài trong thập kỷ qua, chủ yếu ở ba lục địa trên.
Với việc nguồn đầu tư khổng lồ đó sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chuẩn bị để tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hằng năm với châu Phi trong vòng bốn năm qua lên 222 tỷ USD, gấp ba lần của Mỹ (73 tỷ USD). Bắc Kinh cũng đang huy động lực lượng quân sự có khả năng cắt qua vòng cung căn cứ, các hạm đội hải quân, và các liên minh quân sự mà 70 năm qua, Washington đã cho bao quanh khu vực này từ Anh quốc đến Nhật Bản.
“Ngoại giao Dollar” kiểu mới
Trong khi Bắc Kinh đang dần đem các phần của châu Phi, châu Á và châu Âu nhóm lại thành một "đảo thế giới" với Trung Quốc là trung tâm, Obama đề ra một chiến lược địa chính trị táo bạo chia thế giới thành ba khu vực địa lý bằng nhau thông qua việc hướng sự giao thương của họ tới Mỹ.
Theo đó, ông Obama phân chia đảo thế giới về kinh tế giống như sự chia cắt lục địa tại dãy núi Ural thông qua hai hiệp định thương mại mà mục đích là để nắm "vị trí cực trung tâm toàn cầu " cho "gần hai phần ba GDP của thế giới và gần ba phần tư của thương mại thế giới". Đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Một trong những lợi thế mà vị Tổng thống da màu có trong tay là việc Mỹ giữ vị thế của quốc gia tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất hành tinh để tạo ra một phiên bản mới của ngoại giao Dollar nhằm thu hút các đối tác thương mại Á-Âu của Trung Quốc trở lại quỹ đạo của Washington.
Ngoài ra, Obama còn tích cực ve vãn các quốc gia châu Phi bằng việc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh của Nhà Trắng với hơn 50 nhà lãnh đạo của lục địa này vào năm 2014 và thực hiện các chuyến thăm cấp nhà nước tới Đông Phi vào tháng 7/ 2015. Với cái nhìn gai góc thường thấy, Thời báo Hoàn cầu của Bắc Kinh đã xác định khá đúng mục đích thực sự về ngoại giao châu Phi của Obama là "chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và phục hồi đòn bẩy Mỹ trong quá khứ."
Nếu được triển khai hiệu quả, hai hiệp định trên chính là trụ cột chiến lược địa chính trị của Obama. Nó sẽ củng cố địa vị bá quyền của Mỹ trên thế giới kể cả khi Nhà Trắng vấp phải không ít phản đối trong nước.
Sáu năm qua, Nhà Trắng tập trung thúc đẩy TPP, một hiệp ước hứa hẹn sẽ phân chia đảo thế giới ngay tại bờ biển Thái Bình Dương. Vượt qua mọi liên minh kinh tế khác, ngoại trừ Liên minh châu Âu, TPP sẽ gắn chặt Mỹ và 11 quốc gia trên khắp lưu vực Thái Bình Dương (Australia, Brunei, Peru, New Zealand, Singapore, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico và Việt Nam) với tổng GDP là 28 nghìn tỷ USD (40% tổng GDP và một phần ba thương mại toàn cầu). TPP sẽ thu hút các quốc gia có năng suất cao ở xa Trung Quốc đi vào quỹ đạo của Mỹ ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, luồng dữ liệu và các ngành công nghiệp dịch vụ.
Với những bước đi đó, không ngạc nhiên khi Obama phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ chính trong đảng của ông. Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren đã chỉ trích gay gắt về tính tối mật của các cuộc đàm phán hiệp ước này và ảnh hưởng đến những tiêu chuẩn của nước Mỹ về lao động và môi trường. Vì vậy, trong tháng 6/2015, Tổng thống Obama cần phiếu của đảng Cộng hòa để Thượng viện phê duyệt thẩm quyền đàm phán nhanh để Chính phủ có thể nhanh chóng hoàn thành các cuộc thương lượng.
Để kéo lại trục phía Tây đảo thế giới mà Trung Quốc muốn hình thành, Tổng thống Obama cũng đang tích cực theo đuổi TTIP với EU nhằm giúp hai bên hội nhập kinh tế với nhau đầy đủ hơn.
Việc chuyển giao quyền kiểm soát an toàn của người tiêu dùng, môi trường và lao động từ các nước dân chủ tới các tòa án trọng tài chuyên về kinh tế, một liên minh của 170 nhóm dân sự xã hội châu Âu đã lập luận rằng, hiệp định TTIP, giống như TPP, sẽ đòi hỏi chi phí xã hội cao từ các nước tham gia. Nếu so với đàm phán Doha lạc hậu của WTO, trong 12 năm đàm phán vẫn không thể kết thúc thì hiệp ước TTIP, được thúc đẩy bởi Obama, đang tiến triển với tốc độ ánh sáng mặc dù không tránh khỏi sự phức tạp ở EU.
Bảo vệ bá quyền Mỹ
Trung Quốc thách thức vị thế của Mỹ trên nhiều phương diện khi lặng lẽ thống nhất vùng "không gian giữa" rộng lớn của lục địa Á-Âu song song với việc chuẩn bị để vô hiệu hóa" các căn cứ ở nước ngoài" của Mỹ.
Đến khi ông Obama bước vào Phòng Bầu dục năm 2009, các cố vấn thân cận và bản thân ông nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của sự thách thức địa chính trị nghiêm trọng. Phát biểu trước Quốc hội Australia tháng 11/2011, Tổng thống Obama nói: "Chúng ta không nghi ngờ rằng, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, Mỹ là tất cả". Sau hai cuộc chiến dai dẳng tại Iraq và Afghanistan" khiến chúng tôi mất máu và của cải, Mỹ đang chuyển sự chú ý tới tiềm năng to lớn của châu Á - Thái Bình Dương" vì đây là "khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và là nơi có hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu".
Việc triển khai chỉ 2.500 lính Mỹ đến Australia dường như là một "quyết định chiến lược và thận trọng" của Obama để trở thành "Tổng thống Thái Bình Dương" đầu tiên của nước Mỹ, tạo ra rất nhiều lời chỉ trích và chế nhạo. Bốn năm sau, trên CNN, khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra với trục châu Á vào đầu năm 2015, ngay cả bình luận viên dày dạn kinh nghiệm về chính sách đối ngoại Fareed Zakaria cũng ngây ngô trả lời rằng Tổng thống sẽ vẫn còn sa lầy ở Trung Đông và là trung tâm của trục -TPP, dường như sẽ thất bại nhất định ở Quốc hội.
Ấy vậy mà với sự can đảm và may mắn, ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng đã đạt được một thắng lợi ngoại giao đáng nhớ - đạt được Thỏa thuận hạt nhân với Iran để ngăn chặn các cuộc xung đột Trung Đông khác, thắng được sự chấp thuận của lưỡng viện Quốc hội về TPP, và hoàn thành các cuộc đàm phán chính thức cho TTIP. Thành tựu đó của Obama có thể bảo đảm cho một sự gia tăng ảnh hưởng đáng kể của Mỹ vốn suy yếu từ lâu.
Theo Minh Nguyên (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam