1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Toan tính trên bàn cờ chính trị trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh sự trùng hợp về thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và chuyến thăm tới Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tuần này, bao gồm cả toan tính của các bên.

Đoàn xe hùng hậu tháp tùng ông Kim Jong-un tại Trung Quốc

Toan tính trên bàn cờ chính trị trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un - Ảnh 2.

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: SCMP)

Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã đề xuất "củ cà rốt" với Tổng thống Donald Trump để ngăn cuộc chiến thương mại đang khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm chạp. Tuy nhiên vào ngày 8/1, nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đưa ra một "cây gậy" với ông chủ Nhà Trắng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 8/1 đã đi tàu hỏa tới thủ đô Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng thời điểm đó, các cuộc hội đàm giữa các nhà đàm phán thương mại từ Mỹ và Trung Quốc đã bước sang ngày làm việc thứ hai tại Bắc Kinh.

Tại cuộc họp báo ngày 8/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo Trung - Triều và cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ không liên quan đến nhau.

"Trung Quốc có nhiều sự kiện ngoại giao và lịch trình ngoại giao của chúng tôi dày đặc. Nếu có xảy ra trùng lập, đó là chuyện đương nhiên", ông Lục nói.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc khẳng định hai sự kiện này tách biệt, song chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có thể sẽ gây khó dễ cho chính quyền Trump trong việc đạt được các mục tiêu khác, bao gồm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nếu Bắc Kinh và Washington không thể đạt được một thỏa thuận về thương mại.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ban đầu dự kiến sẽ kết thúc trong ngày hôm qua, nhưng rốt cuộc đã kéo dài sang cả ngày hôm nay 9/1. Phái đoàn hai nước kỳ vọng có thể đạt được một thỏa thuận trước ngày 2/3 khi đợt áp thuế mới cao hơn của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực và khiến cuộc chiến thương mại leo thang.

Chuyến thăm của ông Kim Jong-un là dấu hiệu rõ nhất cho thấy Trung Quốc vẫn đang tìm cách tác động tới Mỹ nhằm giải quyết nhanh chóng bất đồng giữa hai nước. Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại đáng kể. Các chỉ số tin cậy về doanh nghiệp và tiêu dùng đều giảm. Doanh số xe ô tô xuống dốc. Doanh số điện thoại thông minh thấp tới mức hãng công nghệ Apple tuần trước cảnh báo doanh thu của hãng thấp hơn kỳ vọng do kết quả đình trệ từ Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan.

Chiến tranh thương mại tất nhiên không phải là lý do duy nhất dẫn tới sự thụt lùi của nền kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên cuộc chiến này khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

New York Times dẫn các nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết phe "diều hâu" về thương mại trong chính quyền Trump cho đến nay vẫn coi các đề xuất của Trung Quốc là chưa thỏa đáng. Họ hối thúc Trung Quốc bổ sung thêm các chi tiết cụ thể hơn vào những cam kết được cho là mơ hồ của Bắc Kinh như cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế sự trợ cấp của chính phủ Trung Quốc và dừng gây sức ép cho các công ty Mỹ trong việc phải chuyển giao các công nghệ quan trọng cho Bắc Kinh.

Toan tính của các bên

Toan tính trên bàn cờ chính trị trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un - Ảnh 3.

Đoàn xe hộ tống xe ô tô chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bắc Kinh hôm 8/1. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp mặt để thảo luận cách thức chấm dứt cuộc chiến thương mại, sự xuất hiện của Triều Tiên có thể mang lại cho Trung Quốc một đòn bẩy mà nước này đang rất cần. Chiến lược chủ đạo của Tổng thống Trump về Triều Tiên, trong đó tập trung vào việc sử dụng các lệnh trừng phạt để gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng, phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc vì hơn 90% hoạt động ngoại thương của Triều Tiên có liên quan tới Trung Quốc và nhiều lần được Bắc Kinh hỗ trợ tài chính.

"Ông Kim Jong-un muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông cũng có các phương án khác về ngoại giao và kinh tế ngoài những gì mà Washington và Seoul có thể đưa ra", Harry J. Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên và giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington, nhận định.

Ông Kazianis cũng lưu ý rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có bài diễn văn đón năm mới, trong đó ông Kim cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đi theo "con đường mới" để bảo vệ các lợi ích quốc gia nếu Washington không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

"Điều này có thể khiến Mỹ lo lắng vì Trung Quốc có thể dễ dàng biến chiến lược "gây sức ép tối đa" (với Triều Tiên) của ông Trump đổ bể, vì hầu hết dòng chảy thương mại nước ngoài của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc", chuyên gia Kazianis cho biết thêm.

Tuy vậy, toan tính của Trung Quốc không phải là phương án đảm bảo thành công 100%. Trước đây, giới chức Trung Quốc từng từ chối việc gắn các tranh chấp thương mại với các vấn đề an ninh quốc gia. Mặc dù sự gắn kết này có thể sẽ trao cho Bắc Kinh một quân bài mặc cả với Washington, song điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ khiêu khích phe diều hâu an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, từ đó dẫn tới việc ông Trump sẽ đưa ra chính sách mạnh tay hơn với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/1 tuyên bố giới chức Trung Quốc đã nói rõ rằng Triều Tiên và thương mại là hai vấn đề riêng rẽ.

Trong khi đó, chiến lược của ông Kim Jong-un khi trông cậy vào Trung Quốc có thể sẽ vô tác dụng vì Tổng thống Trump từng tuyên bố giành chiến thắng trong vấn đề Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng Mỹ không vội trong việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc nói rằng nước này vẫn cam kết thực thi hàng loạt biện pháp do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra với Triều Tiên. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Bắc Kinh bắt đầu kêu gọi nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để tạo động lực cho nước này đẩy nhanh việc phi hạt nhân hóa. Vào tháng 11/2018, ủy ban quốc hội Mỹ cảnh báo Trung Quốc dường như đã giảm nhẹ việc thực thi trừng phạt Triều Tiên.

Về mặt chính thức, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn cam kết nỗ lực đạt được mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" như trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump tại Singapore năm ngoái. Tuy nhiên, chính quyền Triều Tiên khẳng định phi hạt nhân hóa phải bao gồm việc xóa bỏ toàn bộ mối đe dọa hạt nhân của Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận, bao gồm các vũ khí chiến lược hạt nhân của Washington cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Ông Kim Jong-un cũng tuyên bố Triều Tiên đã hành động đủ để giành được lòng tin ban đầu của Mỹ bằng cách dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh. Do vậy, ông Kim từ chối thực hiện thêm các bước đi tiếp theo trong tiến trình phi hạt nhân hóa cho tới khi Mỹ "đáp lễ" bằng việc nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng.

Kể từ sau bài diễn văn năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, giới phân tích vẫn hoài nghi ý định thực sự của ông Kim về "con đường mới" nếu Mỹ không từ bỏ lệnh trừng phạt. Một số ý kiến cho rằng đây là lời đe dọa của ông Kim Jong-un về việc nối lại các vụ thử tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Triều Tiên đã tạm dừng từ cuối năm 2017.

Trong khi đó, một số ý kiến khác nhận định Triều Tiên đang tìm cách chơi trò chơi cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, lợi dụng cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Viết trên 38 North, trang mạng chuyên phân tích về Triều Tiên, chuyên gia Rudiger Frank tại Đại học Vienna, nhận định thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi tới Tổng thống Trump là: "Ông không phải là phương án duy nhất của chúng tôi trong việc phát triển kinh tế và an ninh. Nếu ông từ chối hợp tác, chúng tôi sẽ phớt lờ ông và quay sang Trung Quốc".

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm