Toan tính của Triều Tiên khi liên tục khiến Mỹ “nóng mặt”
(Dân trí) - Hàng loạt động thái thử vũ khí của Triều Tiên trong những tuần gần đây đã khiến mối quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng, thậm chí có thể đẩy hai nước vào một cuộc khủng hoảng mới.
Khi hạn chót “cuối năm” do Triều Tiên đặt ra cho sự nhượng bộ của Mỹ ngày càng tới gần, Bình Nhưỡng hôm 8/12 thông báo đã tiến hành một “vụ thử rất quan trọng” tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae gần biên giới với Trung Quốc. Động thái này đã làm gia tăng sức ép nhanh chóng, sau nhiều tháng thực hiện những hành vi khiêu khích được cho là tính toán kỹ lưỡng của Triều Tiên.
Trước đây, Tổng thống Donald Trump thường tỏ ra coi nhẹ các hành động thử vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, vào ngày hôm qua, tức chỉ vài tuần trước hạn chót 31/12, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn.
“Ông Kim Jong-un quá thông minh và có quá nhiều thứ để mất, thực sự là mất tất cả nếu ông ấy hành động một cách thù địch”, Tổng thống Trump cảnh báo.
Giới phân tích nhận định Triều Tiên ngày 8/12 đã thử một loại động cơ dành cho tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn chưa đưa ra mô tả chi tiết cũng như công bố các bức ảnh về vụ thử này như những lần trước đây. Do vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu đây có phải là một vụ thử thành công hay không.
“Triều Tiên hiện tránh vi phạm cam kết về các vụ thử tên lửa tầm xa, tuy nhiên nước này vẫn tìm cách cải thiện lực đẩy và độ chính xác của tên lửa để đạt được năng lực răn đe hạt nhân khả thi”, Leif-Eric Easley, phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định.
“Chính quyền Triều Tiên biết rằng các máy bay trinh sát và vệ tinh của Mỹ vẫn đang theo dõi. Vì vậy bằng hoạt động thử nghiệm tại Sohae, Bình Nhưỡng đang tìm cách làm dấy lên nỗi lo ngại của cộng đồng quốc tế rằng, nước này có thể sẽ tăng cường sự khiêu khích và rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân vào năm sau”, chuyên gia Easley nhận định.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên hiện vẫn sử dụng nhiên liệu lỏng. Bình Nhưỡng đang tìm cách chuyển từ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng sang tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, vốn dễ vận chuyển hơn. Các tên lửa nhiên liệu rắn cũng được phóng nhanh hơn và dễ che giấu hơn, từ đó khiến quân đội Mỹ khó phát hiện và đánh chặn hơn.
Toan tính của Triều Tiên
Nếu Triều Tiên thực sự tiến hành một vụ thử động cơ tên lửa, giới phân tích phỏng đoán đây chính là lời cảnh báo rằng, ông Kim Jong-un đang cân nhắc quay trở lại các vụ thử tên lửa tầm xa.
Năm 2017, hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng với Mỹ. Khi đó, Bình Nhưỡng được cho là đã thử nghiệm tên lửa có tầm bắn vươn tới bờ biển phía tây của Mỹ, thậm chí đi vào sâu hơn trong lãnh thổ Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm ngoái thông báo tạm dừng tất cả các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Quyết định này của ông Kim Jong-un đã được Tổng thống Trump nhiều lần tự nhận là một trong những thành tựu lớn trong chính sách ngoại giao “thăng trầm” của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhưng nếu Triều Tiên nối lại các vụ thử ở thời điểm hiện tại, điều này đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của điều mà Tổng thống Trump từng hy vọng là thành tựu nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông nhiệm kỳ đầu tiên.
“Vụ thử rất quan trọng” được Triều Tiên loan báo hôm qua diễn ra sau một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn và tuyên bố của các quan chức cấp cao Triều Tiên rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hết kiên nhẫn với chính sách ngoại giao mà không giúp ông giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Một trong số các tuyên bố cứng rắn được đưa ra gần đây là lời cảnh báo của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên rằng, “sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về món quà Giáng sinh nào mà nước này muốn nhận”.
Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa đề cập cụ thể về chuyện gì sẽ xảy ra sau hạn chót 31/12, ngoại trừ việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra cảnh báo về “một con đường mới” nếu Mỹ kiên quyết giữ các lệnh trừng phạt và tìm cách đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng khó chấp nhận. Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Triều Tiên ngụ ý rằng, cách tiếp cận mới của ông Kim Jong-un có thể bao gồm việc nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và các vụ thử hạt nhân.
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy trong những tháng vừa qua đó là, chính sách ngoại giao mang tính đột phá giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã dừng lại. Chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên công bố về vụ thử “rất quan trọng”, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị đưa ra khỏi bàn đàm phán với Mỹ, trong khi phi hạt nhân hóa là chủ đề thảo luận then chốt trong suốt 3 cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Ngày 7/12, phản hồi tuyên bố của Triều Tiên rằng vấn đề phi hạt nhân hóa bị đưa ra khỏi bàn đàm phán, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dường như để ngỏ ý rằng mối quan hệ này sẽ giúp hai bên vượt qua mọi vấn đề khúc mắc.
Tổng thống Trump cho biết ông không tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn “can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau. Ông chủ Nhà Trắng dường như muốn cảnh báo rằng, việc Triều Tiên quay trở lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa có thể tạo ra sự đối đầu trong lúc ông đang chạy đua tái tranh cử.
Tới sáng 8/12, Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn khi khẳng định ông Kim Jong-un “không muốn đánh mất mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Mỹ hay can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11". Ngoài ra, ông Trump cũng nhắc lại cam kết được ông Kim Jong-un đưa ra về phi hạt nhân hóa, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2018. Mỹ chưa bao giờ công khai trao đổi về việc nước này sẵn sàng nhượng bộ điều gì, nhưng luôn đòi hỏi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước.
Ở thời điểm hiện tại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã mệt mỏi với các cuộc đàm phán. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, ông Kim Jong-un dự kiến sẽ khai mạc cuộc họp của ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong tháng này để “thảo luận và quyết định về các vấn đề quan trọng” trong bối cảnh “tình hình trong nước và nước ngoài đang thay đổi”. Giới phân tích cho rằng vấn đề quan trọng được Triều Tiên đưa ra bàn bạc có thể liên quan tới các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Thành Đạt
Theo New York Times