1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Toàn cầu hóa qua câu chuyện một chiếc áo thun

Toàn cầu hóa là gì? Để hiểu điều này, nhà nghiên cứu Pietra Rivoli của Trường đại học Georgetown, Mỹ đã tìm hiểu vòng đời của chiếc áo thun “made in China” mà bà mặc.

Đã hơn 200 năm nay bang Texas giữ vị trí thống trị trong ngành sản xuất bông vải thế giới. Ưu thế này có được là nhờ quá trình cơ giới hóa nhanh, sử dụng phân bón (cho dù hậu quả có là... ô nhiễm), tổ chức tiếp thị tốt, và nhờ một cơ chế gắn liền ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu với các tập đoàn sản xuất, các trường đại học - một hình thức trợ cấp gián tiếp.

Chưa hết, còn phải kể đến hàng tỉ đôla tiền trợ cấp cho ngành sản xuất bông to lớn ở Texas. Nói chung, họ chẳng bao giờ phải bận tâm trước những thay đổi giá cả trên thế giới, những biến động của khí hậu và kể cả khi phải trả nợ. Trước khi được cơ giới hóa, để sản xuất bông vải người ta sử dụng nô lệ, sau này là lao động thời vụ đến từ Mexico. Ngày nay, đây vẫn là một mô hình sản xuất còn mang nặng tính truyền thống...

Nhưng việc biến bông thành chiếc áo thun thì còn xa mới được cơ khí hóa cho dù một nửa giá trị gia tăng tạo ra là nhờ vào nguồn nhân công của những nơi có nhân công dồi dào chẳng hạn như Trung Quốc. Những cô gái trẻ cắt và may trong điều kiện công việc hợp lý hóa một cách thái quá, được trả lương rất thấp và bị bó buộc bởi những qui định của chính phủ làm cho họ trở nên dễ bảo một cách vô giới hạn.

Nhà nghiên cứu Rivoli tự hỏi: liệu người ta có thể từ chối việc Trung Quốc theo con đường mà các nước phương Tây đã đi? Chủ nghĩa tư bản Âu - Mỹ ở thế kỷ 19 đã là rất hà khắc, nhưng công nhân đã đấu tranh và đạt được một số quyền. Tuy nhiên ở Trung Quốc hiện nay, các nữ công nhân, khi được hỏi, lại “hoan hỉ” nói rằng chính công ăn việc làm này đã giúp họ thoát khỏi trói buộc của cuộc sống nông thôn và gia đình, giúp họ kiếm được tiền. Vì vậy, Rivoli khuyên các nhà đấu tranh chống toàn cầu hóa không nên lên án hệ thống này, nhưng cần đấu tranh để đòi hỏi việc công nhận các quyền của người lao động.

Một khi đã hoàn tất, chiếc áo thun sẽ quay đầu trở về Mỹ. Nhưng đến đây vẫn chưa thể gọi đó là cạnh tranh tự do và sòng phẳng, công bằng. Rivoli nhắc đến “lịch sử” chủ nghĩa bảo hộ hàng dệt may của Mỹ, đến những tự - hạn chế xuất khẩu “tình nguyện” của Nhật sau Thế chiến thứ hai, đến hiệp định đa sợi chỉ mới vừa hết hạn cuối năm 2005, và chỉ ra rằng Mỹ và châu Âu đã cố gắng hạn chế những va chạm đến lợi ích của mình bằng việc triển khai cơ chế quota nhập khẩu.

Nhưng sau khi chiếc áo được mua, được mặc cho đến... khi trở thành cũ, nó vẫn chưa kết thúc vòng đời của mình. Nó được đem cho các tổ chức cứu tế hay các tổ chức từ thiện, song sẽ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua lại. Những chiếc “tã” nhất, khoảng 30% tổng số, sẽ dùng làm vải lau trong các nhà máy (nhất là những áo thun màu trắng). Những cái “sành điệu” thì có thể bán tại các shop thời trang cho người hâm mộ. Những cái có hình chuột Mickey và các nhân vật khác biểu tượng cho văn hóa Mỹ sẽ sang Nhật, nơi mà người ta luôn tôn sùng.

Nhưng việc kinh doanh thật sự là đem chúng tới các chợ quần áo cũ tại châu Phi và cả ở châu Á. Áo thun cũ chiếm tỉ lệ quan trọng trong xuất khẩu của Mỹ sang Tanzania, Benin, Togo, Campuchia... Áo nam khá hiếm, chỉ một nửa áo của các quí ông có thể bán lại vì họ mua ít và dùng lâu hơn, trong khi 90% áo thun phụ nữ bỏ đi vẫn còn tương đối tốt.

Pietra Rivoli đi đến kết luận: lịch sử, xã hội, chính trị mới là những nhân tố chính của thương mại thế giới, và bà ngạc nhiên vì các nhà kinh tế đã quá tranh luận về vấn đề này.

Theo Thu Diệu

Tuổi trẻ/Alternatives économiques