1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Toàn cảnh hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị tấn công tên lửa Syria một lần nữa gây chú ý về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia Trung Đông này.

Tháng trước, Tổng thống Trump phát tín hiệu với giới lãnh đạo quân sự rằng ông muốn Mỹ rời khỏi Syria "rất sớm".

Tuy nhiên, mệnh lệnh "tấn công chính xác" các mục tiêu liên quan đến khả năng vũ khí hóa học của Syria cùng với sự hiện diện của một số tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn sót lại ở Syria đã cho thấy viễn cảnh Mỹ hiện diện quân sự lâu dài tại quốc gia này.

Quân số không ngừng tăng lên

Mỹ hiện diện quân sự ở Syria từ đầu năm 2016 để huấn luyện và cố vấn các lực lượng người Kurd và Ả Rập, được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chiến đấu chống lại IS ở các khu vực phía Bắc và Đông của Syria.

Đến đầu năm 2017, số lượng binh sĩ Mỹ ở Syria đã tăng từ 500 lên 2.000 người. Và các binh sĩ của Mỹ đã hỗ trợ SDF đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong chiến dịch chống IS.


Quân đội Mỹ đã hiện hiện ở Syria kể từ đầu năm 2016. Ảnh: ABC News

Quân đội Mỹ đã hiện hiện ở Syria kể từ đầu năm 2016. Ảnh: ABC News

Vào tháng 5-2017, hơn 50.000 thành viên SDF dưới sự hậu thuẫn lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chiến dịch tái chiếm TP Raqqa - vốn bị IS kiểm soát từ năm 2014.

Sau một trận đánh phá hủy phần lớn Raqqa, SDF tuyên bố thắng lợi vào ngày 20-10-2017. Kể từ đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính 100.000 người dân Raqqa đã quay lại thành phố này.

Sau khi Raqqa bị tái chiếm, IS trốn chạy đến khu vực Thung lũng sông Euphrates gần biên giới Iraq. Theo ước tính mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tái chiếm khoảng 90% lãnh thổ Syria từ tay IS.

Chiến trường phức tạp

Vào mùa hè 2017, Mỹ từng không kích các tay súng do Iran hậu thuẫn và bắn hạ máy bay không người lái của lực lượng ủng hộ chính phủ Syria tiến vào nơi đóng quân của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở phía Nam Syria.

Ở một diễn biến căng thẳng hơn, Mỹ đã bắn hạ một máy bay Syria sau khi nó ném bom gần các tay súng SDF. Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn máy bay có người lái của Syria kể từ năm 1999.

Vào đầu tháng 2-2017, một lực lượng bao gồm lính đánh thuê của Nga nổ súng vào các binh sĩ Mỹ ở phía Đông của sông Euphrates, buộc Mỹ đáp trả và bắn hạ "hàng trăm lính đánh thuê Nga".


Sau khi Tổng thống Trump ra lệnh công kích Syria, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục hiện diện tại quốc gia này. Ảnh: ABC News

Sau khi Tổng thống Trump ra lệnh công kích Syria, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục hiện diện tại quốc gia này. Ảnh: ABC News

Không có thời gian rút quân cụ thể

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Trump đóng băng gói viện trợ 200 triệu USD gửi đến Syria. Ông Trump cũng từng kêu gọi binh sĩ Mỹ sớm rút khỏi Syria - một động thái gây bất ngờ đối với đội ngũ an ninh quốc gia của ông cũng như giới chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, vào tuần trước, Trung tướng Kenneth McKenzie - lãnh đạo Ban tham mưu liên quân của Lầu Năm Góc - chia sẻ rằng Tổng thống Trump "không cho chúng tôi một mốc thời gian cụ thể" để rút quân. Ông McKenzie còn cho biết thêm rằng Washington sẽ điều chỉnh sự hiện diện quân đội Mỹ ở Syria sau khi IS bị đánh bại.


Trung tướng Kenneth McKenzie cho biết không có mốc thời gian rút quân cụ thể. Ảnh: AP

Trung tướng Kenneth McKenzie cho biết không có mốc thời gian rút quân cụ thể. Ảnh: AP

"Do đó…thật ra, chưa có gì thay đổi cả" - ông McKenzie nói.

Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước cũng khẳng định với ABC News rằng "không có thời gian cụ thể" cho việc rút quân khỏi Syria.

"Chiến dịch chống IS là ưu tiên của chúng tôi ở Syria. Chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch này cho đến khi IS thất bại" - quan chức giấu tên chia sẻ.

Theo Cao Lực

Người lao động