1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tòa án Tây Ban Nha tiếp tục theo đuổi vụ bắt ông Hồ Cẩm Đào

(Dân trí) - Sau khi phát lệnh truy nã, yêu cầu Interpol bắt giữ, một tòa án tại Tây Ban Nha mới đây đã đưa ra 48 câu hỏi cho cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, mở cho ông cơ hội phản ứng lại những cáo buộc diệt chủng, đàn áp người Tây Tạng.

Ông Hồ Cẩm Đào (trái) bị thẩm phán Ismael Moreno ra lệnh truy nã
Ông Hồ Cẩm Đào (trái) bị thẩm phán Ismael Moreno ra lệnh truy nã

Những cáo buộc trên có liên quan đến thời kỳ vị cựu chủ tịch Trung Quốc còn là bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng, giai đoạn 1988 - 1992, vốn là thời kỳ bạo lực dữ dội nhất kể từ khi lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng Dalai Lama rời Trung Quốc đi sống lưu vong cách đây 30 năm.

Trong khi các nhà quan sát cho rằng việc bắt giữ và xét xử ông Hồ Cẩm Đào, 71 tuổi, là rất ít khả năng diễn ra, vụ việc đình đám này vẫn khiến vị cựu lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với những câu hỏi không mấy dễ chịu.

“Ông có nhận thức được rằng, do hậu quả của hoạt động đàn áp của quân đội và cảnh sát, được thực hiện theo luật được áp dụng đối với chiến dịch này, 450 người Tây Tạng đã bị giết, 7000 người bị thương, 350 người mất tích và hơn 3000 người bị bắt?” thẩm phán Ismael Moreno đặt câu hỏi đối với chính trị gia đã về hưu của Trung Quốc, hãng thông tấn Agencia EFE của Tây Ban Nha đăng tải.

Đây là một trong số 48 câu hỏi vị thẩm phán trên yêu cầu ông Hồ Cẩm Đào trả lời.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Tòa án quốc gia Tây Ban Nha đã trao cho Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol lệnh bắt giữ ông Hồ Cẩm Đào và 4 lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc, với cáo buộc “diệt chủng, tra tấn và tội ác chống lại loài người”.

Các lệnh truy nã cũng được ban hành đối với các cựu lãnh đạo Trung Quốc gồm: chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, thủ tướng Lí Bằng, lãnh đạo cơ quan an ninh Qiao Shi, bí thư đảng ủy Tây Tạng Chen Kuiyuan - người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, và Peng Peiyun cựu chủ nhiệm Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình quốc gia.

Đến nay Interpol vẫn chưa điền tên những người trên vào danh sách những cá nhân bị truy nã quốc tế.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã lên án các lệnh bắt giữ này như một sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha “nhìn thấu nỗ lực chia rẽ Trung Quốc của nhóm Dalai”.

Theo một đạo luật sửa đổi của Tây Ban Nha năm 2009, Tòa án quốc gia có quyền xét xử những người bị nghi phạm tội ác chống lại loài người nếu các công dân nước này từng là nạn nhân.

Tòa án trên cũng chất vấn ông Hồ Cẩm Đào về việc liệu có hay không việc ông cho phép lực lượng an ninh tra tấn đến chết hàng trăm người bị bắt giam tại nhà tù Lhasa số 1. Các câu hỏi khác bao gồm những vấn đề không trực tiếp liên quan đến cuộc trấn áp năm 1989.

Các cáo buộc ban đầu được đưa ra bởi hai nhóm ủng hộ người Tây Tạng năm 2006, chống lại chủ tịch Giang Trạch Dân và thủ tướng Lí Bằng. Nhà sư Tây Tạng Thubten Wangchen, một công dân Tây Ban Nha là một trong số đồng nguyên đơn.

Thanh Tùng
Theo SCMP