1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tính toán chiến lược của Nhật Bản khi rầm rộ phô diễn uy lực quân sự

(Dân trí) - Sự xuất hiện với tần suất ngày càng cao, cũng như liên tiếp phô diễn những khí tài quân sự “khủng” của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được giới quan sát nhận định là tính toán chiến lược của Tokyo nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.

Xe thiết giáp Nhật trong cuộc tập trận ngày 14/10 (Ảnh: Reuters)
Xe thiết giáp Nhật trong cuộc tập trận ngày 14/10 (Ảnh: Reuters)

Khi các vũ khí và lực lượng quân nhân tập hợp tại căn cứ quân sự Asaka, tây bắc Tokyo vào ngày 14/10 tham gia cuộc tập trận hoành tráng, các chuyên gia nhận định rằng đây là động thái nhằm phô diễn năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới toàn thế giới.

Ngoài giới thiệu về sự tham gia 4.000 binh sĩ, hàng chục phương tiện thiết giáp, máy bay chiến đấu, trong đó bao gồm các máy bay tàng hình F-35, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn ca ngợi quan hệ quốc phòng vững chắc với các đối tác từ châu Âu.

“Các bạn đang thực hiện nhiệm vụ cảnh báo và giám sát, phối kết hợp với các nước đồng minh như Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand”, ông Abe phát biểu trước các quân nhân Nhật Bản.

Giới quan sát cho rằng việc Tokyo công khai rầm rộ cuộc tập trận, cũng như gia tăng hiện diện trên khắp khu vực thời gian qua là nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.

“Tham vọng thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc có thể gây nên những thiệt hại đáng kể cho Nhật Bản. Vì vậy, Tokyo phải phát triển năng lực quân sự nhằm bảo toàn lợi ích của chính họ, và giúp đỡ các quốc gia khác cân bằng về mặt chính trị và quân sự chống lại sức mạnh của Bắc Kinh”, chuyên gia Timothy Heath từ tổ chức RAND Corp (Mỹ), nhận định.

Trong 2 tháng qua, Nhật Bản đã điều 3 tàu hải quân, trong đó có tàu sân bay trực thăng JS Kaga nặng 27.000 tấn, tham gia tập trận và thực hiện các chuyến thăm cảng ở các khu vực, bao gồm cả Ấn Độ Dương.

Một trong những cuộc tập trận đáng chú ý là việc Nhật Bản cử tàu ngầm tới tập trận trên Biển Đông, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Tokyo công bố họ cử tàu ngầm tới diễn tập tại khu vực đang xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, các tàu chiến Nhật Bản còn tới thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, và Philippines cũng như tập trận với tàu hộ vệ Anh tại Ấn Độ Dương.

Đầu tháng qua, Nhật Bản lần đầu tiên mang phương tiện bọc thép ra nước ngoài kể từ sau Thế chiến 2, nhằm tham gia tập trận chung với Mỹ và Philippines tại Biển Đông.

Chuyên gia Corey Wallace của trường đại học Freie (Đức) cho rằng SDF đã hướng xa hơn ngoài khu vực Đông Bắc Á và phát đi thông điệp rằng Bắc Kinh không thể đẩy Nhật Bản ra ngoài bất cứ khu vực nào.

Tàu hộ vệ MHS Argyll của Anh dẫn đầu tàu khu trục Inazuma và tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản tham gia cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương hôm 26/9. (Ảnh: Reuters)
Tàu hộ vệ MHS Argyll của Anh dẫn đầu tàu khu trục Inazuma và tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản tham gia cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương hôm 26/9. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Mỹ có khoảng 50.000 quân nhân đã đồn trú trên đất Nhật Bản. Mỹ bắt đầu đưa quân tới đây từ sau Thế chiến 2. Nhật Bản từ sau cuộc chiến này đã giới hạn quân đội chỉ có chức năng phòng vệ. Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản quy định các “lực lượng trên không, mặt đất, trên biển hay các lực lượng ẩn chứa nguy cơ chiến tranh tiềm tàng sẽ không được phép duy trì”.

Tuy nhiên, quy định trên dường như đang kiềm chế Nhật Bản hành động trước những mối đe dọa tới an ninh quốc gia nước này. Trước những thách thức trên, ông Abe đã đặt ra mục tiêu sửa Hiếp pháp năm 2020 nhằm thiết lập lực lượng vũ trang của Nhật Bản.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 đã nhấn mạnh mối quan ngại về Trung Quốc. “Việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng quân đội giải phóng nhân dân, nâng cao khả năng tác chiến, cũng như đẩy căng thẳng leo thang ở khu vực nằm gần Nhật Bản đang khiến Tokyo quan ngại về vấn đề an ninh tại khu vực”, văn bản viết.

Peter Layton, chuyên gia tại viện Griffith Asia (Australia) nhận định rằng Tokyo đang sở hữu “quyền lực mềm toàn cầu” khi họ đưa quân tới tập trận với Anh, Australia, Ấn Độ. Chuyên gia này cho rằng các quốc gia xích lại gần nhau do họ đều có một mối quan tâm chung là Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn ABC News (Australia) tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Tokyo và Canberra đang cân nhắc thực hiện hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông, động thái có thể góp phần kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại đây.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng việc Nhật Bản phô diễn sức mạnh quân sự và các khí tài hiện đại còn nhằm mục đích quảng cáo cho vũ khí và họ có thể thực hiện các thương vụ bán vũ khí với các quốc gia trong khu vực.

Đức Hoàng

Tổng hợp