Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ khi gửi đạn chùm cho Ukraine
(Dân trí) - Chính phủ Mỹ phải gửi đạn chùm theo kêu gọi của Ukraine khi Kiev gặp khó khăn trên chiến trường nhưng Washington phải đối mặt loạt chỉ trích về hiểm họa loại vũ khí nguy hiểm này sau xung đột.

Phần còn lại của tên lửa mang đầu đạn chùm trên một cánh đồng ở vùng nông thôn Kherson, Ukraine (Ảnh: Washington Post).
Theo Washington Post, trong tuần qua, Ukraine đã bắn đạn chùm do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu của Nga. Đây được xem là động thái leo thang nguy hiểm vì loại vũ khí này bị cấm ở 123 quốc gia bao gồm phần lớn các thành viên NATO, tuy nhiên Mỹ, Nga và Ukraine không ký kết công ước năm 2008 do Liên hợp quốc hậu thuẫn, cấm sử dụng, sản xuất, tàng trữ hoặc chuyển giao bom đạn chùm.
Việc Ukraine sử dụng loại vũ khí này trong bối cảnh họ đang đối mặt thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc xung đột với Nga. Chiến dịch phản công của Kiev đang diễn ra chậm chạp do tuyến phòng thủ quá vững chắc của đối phương.
Trong khi đó, Moscow hồi tuần trước đã hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm mở đường cho hàng hóa nông nghiệp của Ukraine xuất khẩu, vốn được xem là sáng kiến ngoại giao quan trọng duy nhất thành công kể từ khi bùng nổ xung đột.
Moscow cũng đã tăng cường tấn công vào các thành phố của Ukraine, bao gồm cả Odessa, trọng tâm trung chuyển ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen. Trong khi đó, các lữ đoàn của Ukraine, được hỗ trợ bởi các phương tiện bọc thép của phương Tây, không thể áp sát chiến hào Nga do vấp phải bãi mìn dày đặc cùng hỏa lực pháo binh, tên lửa tầm xa.
"Các cứ điểm của Nga ở phía đông và phía nam dày đặc mìn chống tăng và sát thương ở những khu vực có chiều sâu phòng ngự từ 3-10km. Lực lượng phòng thủ Nga đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu từ khoảng 1 tháng trước", các nguồn tin cho biết.

Mỹ và một số đồng minh cho rằng cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra chậm chạp (Ảnh: Reuters).
Một quan chức Ukraine cho biết, đạn chùm được sử dụng như một biện pháp để chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga khi sát thương bộ binh ẩn nấp trong hầm hào.
Đạn chùm khi phát nổ sẽ rải hàng trăm, hàng nghìn đạn con trên khu vực rộng lớn, đôi khi có kích thước bằng sân bóng đá. Lợi thế của chúng là việc có thể rơi xuống mọi ngóc ngách trong hầm hào, công sự, gây thương vong cho bộ binh đối phương ẩn nấp trong đó. Thời Chiến tranh Lạnh, loại vũ khí được các nước lấp đầy các kho vũ khí để chống lại đội hình xe tăng và bộ binh quy mô lớn.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cân nhắc có nên gửi đạn chùm cho Ukraine hay không trước khi ra quyết định vào đầu tháng này, giữa lúc Ukraine đối mặt tình trạng thiếu nghiêm trọng các loại đạn pháo cỡ lớn thông thường, còn kho dự trữ của Mỹ cũng cạn kiệt nhưng lại rất dồi dào đạn chùm.
Tổng thống Biden đã phải viện dẫn các cơ sở an ninh quốc gia đặc biệt nhằm lách luật để gửi số lượng lớn đạn chùm cho Ukraine bởi Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm chuyển giao các loại đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ trên 1%.
Thực tế là các lô đạn chùm mà Mỹ đang chuyển cho Ukraine có tỷ lệ đạn con không nổ khoảng 2,35%, thậm chí một số chuyên gia lo ngại tỷ lệ này có thể cao hơn nhiều.
Các quan chức Mỹ đã cố gắng nhấn mạnh rằng họ cũng sẽ hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực rà phá bom mìn và dọn sạch các khu vực bị nhiễm bom đạn chùm hậu xung đột.
"Họ sẽ ghi lại những nơi sử dụng chúng, ưu tiên các nỗ lực rà phá bom mìn, và chúng tôi sẽ giúp họ làm điều đó ở những nơi họ đã sử dụng chúng", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gần đây cho biết, đồng thời ông nói thêm rằng, Ukraine đã cam kết không sử dụng chúng ở các trung tâm dân cư.
Tuy nhiên, quyết định của Mỹ đã vấp chỉ trích gay gắt từ nhiều đồng minh và chính phủ châu Âu, các nhóm nhân quyền cũng như một số thành viên đảng Dân chủ.
Vào tháng 6, liên minh 38 tổ chức, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Mỹ, đã gửi thư tới Nhà Trắng kêu gọi Tổng thống Biden không chuyển giao đạn chùm cho Ukraine.
"Các loại bom, đạn chùm là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất đối với dân thường vì chúng được thiết kế để phân tán trên một khu vực rộng lớn, nhiều quả đạn con không phát nổ ngay lập tức. Chúng sẽ trở thành hiểm họa trên mặt đất, đe dọa gây thương vong cho người dân, đặc biệt là trẻ em, sau nhiều năm xung đột kết thúc", nội dung bức thư của liên minh nêu rõ.
Ukraine vốn đã trở thành quốc gia bị cài mìn nhiều nhất thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, 173.529 km2 lãnh thổ Ukraine đã bị ô nhiễm bom mìn, đòi hỏi 500 nhóm rà phá làm việc liên tục trong 757 năm để xử lý chúng, với kinh phí hàng tỷ USD. Loạt đạn chùm mới do Mỹ viện trợ sẽ chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng.
"Đạn chùm có thể mang lại cho Kiev lợi thế chiến trường tạm thời. Nhưng khi xung đột qua đi, mối đe dọa chết người từ loại vũ khí này sẽ còn tồn tại trên lãnh thổ Ukraine trong nhiều năm tới", nhà phân tích Michael Bociurkiw ở Odessa cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển giao những vũ khí này làm suy yếu cam kết rõ ràng của Mỹ đối với trật tự quốc tế "dựa trên quy tắc".
"Các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế trên thế giới ngày càng tìm cách vạch ra ranh giới đỏ nhằm chống lại việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc gây rủi ro nghiêm trọng kéo dài với những người không tham chiến. Đạn chùm rõ ràng thuộc diện thứ hai", bài bình luận của New York Times nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chính Ukraine đã yêu cầu cung cấp những loại đạn dược này trong bối cảnh thiếu đạn pháo nghiêm trọng. Các nước phương Tây cũng đang vật lộn với việc sản xuất đạn pháo và các loại vũ khí khác cần thiết để bổ sung cho quân đội Ukraine.
Đạn chùm có thể giúp Kiev giữ vững phòng tuyến trong thời điểm hiện tại, nhưng nó có nguy cơ khiến chiến sự leo thang lên mức độ nguy hiểm mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh việc nước này sở hữu đủ đạn chùm để phản đòn nhằm vào Kiev. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này chưa sử dụng đạn chùm trong xung đột ở Ukraine.