Tình hình Ukraine: Lại biểu tình Maidan và số phận Poroshenko
Sáng 30/10 giờ địa phương, khoảng 200 thành viên của nhóm biểu tình AutoMaidan với 100 xe ôtô đỗ trước dinh thự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để yêu cầu bãi chức Tổng chưởng lý Viktor Shokin.
Các thành viên AutoMaidan cáo buộc ông Shokin phá hoại các cuộc điều tra đối với các quan chức đương nhiệm cũng như vụ việc hơn 100 người biểu tình bị sát hại trong cuộc bạo động Maidan.
Hình nộm có gương mặt của cả 2 ông Poroshenko và Shokin mà Automaidan gọi là “Poroshokin".
Ông Shokin cũng đối mặt với những cáo buộc cản trở đề xuất cải cách của Phó Tổng chưởng lý Davit Sakvarelidze nhằm tuyển những công tố viên mới qua một quy trình cạnh tranh và minh bạch. Ngoài ra ông này cũng bị buộc tội che giấu nhiều tài sản có giá trị.
Vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng khi Đại sứ Mỹ tại Ukraine là ông Geoffrey Pyatt và Đại sứ EU Jan Tombinski đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của Văn phòng Tổng chưởng lý Ukraine.
Trước dinh thự của Tổng thống Poroshenko, đoàn biểu tình của nhóm Maidan đi xe ôtô có cắm cờ Ukraine đã tụ tập, làm hình nộm có gương mặt của cả 2 ông Poroshenko và Shokin mà họ gọi là “Poroshokin”.
Họ mang theo những biểu ngữ “Poroshenko bảo vệ chính quyền tha hóa, chính quyền tha hóa bảo vệ Poroshenko” hoặc “Hãy bãi chức Shokin, nếu không người Ukraine sẽ bãi chức ông”. Những người Maidan kêu gọi văn phòng của Tổng thống Ukraine thuyết phục ông ra mặt và nói chuyện với họ, tuy nhiên chưa có phản hồi nào.
Nhóm AutoMaidan đã vấp phải sự phản đối của khoảng 25 người ủng hộ ông Poroshenko. Những người này cầm biển hiệu "phản đối một cuộc biểu tình Maidan mới", thậm chí còn nằm ra đường để chặn lại dòng xe của nhóm AutoMaidan.
Ông Semen Semenchenko, một nghị sĩ Quốc hội Ukraine thuộc Đảng Tự cứu đã lên án hành động của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Poroshenko. “Sự ổn định mà họ mong muốn được xây dựng bởi những thành phần tha hóa biến chất”, ông nói.
Một thành viên khác của Đảng này, ông Yegor Sobolev nói rằng “lịch sử đang lặp lại”: “Tổng chưởng lý Ukraine phải từ chức ngay lập tức, bởi ông ta đã thất bại trên mọi phương diện. Sau cách mạng Maidan, chúng ta đã bổ nhiệm ba Tổng chưởng lý và tất cả đều làm một việc, đó là che đậy cho những kẻ tha hóa biến chất đang phá hoại đất nước”.
Cuộc biểu tình của nhóm AutoMaidan xuất hiện giữa khi Ukraine đang thực hiện bầu cử địa phương. Đây được coi là một "liều thuốc thử" đối với chính quyền của ông Poroshenko khi mà có thể phe của ông sẽ bị thua đậm trong cuộc bầu cử lần này.
Cuộc bầu cử địa phương Ukraine diễn ra ở những khu vực do chính quyền Kiev kiểm soát (miền Đông Ukraine sẽ bầu cử sau), giữa lúc uy tín của chính quyền ông Poroshenko sụt giảm chưa từng thấy.
Việc bỏ phiếu đã bị hủy vào phút chót tại thành phố biển Mariupol, nơi căng thẳng đang tăng lên do sức ảnh hưởng của ông Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine và nắm giữ nền công nghiệp của thành phố cảng Mariupol và là người ủng hộ lực lượng ly khai.
Ủy ban bầu cử địa phương ở Mariupol đã từ chối chấp nhận phiếu bầu, vì nó được in bởi công ty của ông Rinat Akhmetov. Sau đó, ông Poroshenko đã ra lệnh cho Quốc hội và Ủy ban bầu cử trung ương sớm tổ chức lại cuộc bầu cử địa phương tại Mariupol.
Hàng trăm chiếc xe ô tô của nhóm Maidan tụ tập trước dinh thự Poroshenko.
Ông Poroshenko lại lộ bằng chứng tham nhũng
Theo RIA Novosti ngày 30/1, ông Andriy Portnov, một cố vấn trong chính quyền cựu Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych đã công bố trên trang web cá nhân một loạt tài liệu của tòa án, trong đó nói rằng công ty Bogdan của Tổng thống Poroshenko đã vay Ngân hàng Nhà nước Ukraine Ukreximbank 340,6 triệu hryvnia (khoảng 14,8 triệu USD), nhưng không hoàn lại.
Ukreximbank đã đệ đơn kiện lên tòa án, nhưng chính quyền Tổng thống Poroshenko đã can thiệp vào quyết định của cơ quan này, cho phép Bogdan tiếp tục hoãn thanh toán nợ đến năm 2024.
Portnov cáo buộc nhà lãnh đạo này là một "đầu sỏ chính trị chỉ chăm chăm cải thiện tình hình tài chính của mình và các quan chức trong chính quyền" trong thời gian cầm quyền thay vì làm những điều có lợi cho đất nước và phần đông dân chúng.
Trong một diễn biến liên quan, Ukraine đang có những động thái quyết liệt rời bỏ sự ảnh hưởng từ Nga. Hôm 29/10, Cục Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) cho hay đã đề nghị giới chức hàng không Ukraine tiến hành đàm phán nối lại đường bay giữa hai nước mà đã bị ngưng từ hôm 25/10 song phía Kiev đã nhanh chóng từ chối.
Một phát ngôn viên của Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine xác nhận Kiev đã nhận được bức thư từ Rosaviatsia nhưng trả lời rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể được khởi động nếu “Nga trả những khoản tiền phạt hiện tại và chấm dứt các chuyến bay tới những khu vực bị giới hạn, chủ yếu ở đây là bán đảo Crimea”.
Theo Vũ Huy
Đất Việt