Tình hình hạt nhân ở Nhật Bản “nghiêm trọng nhưng tương đối ổn định”
(Dân trí) - Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I là nghiêm trọng, nhưng tương đối ổn định trong ngày hôm qua, khi không có diễn biến tồi tệ lớn từ một ngày trước đó - quan chức cấp cao IAEA nói khi nỗ lực giảm nhiệt các lò phản ứng vẫn tiếp tục.
Trực thăng trút nước xuống các lò phản ứng, tin mới nhất cho biết độ phóng xạ đã giảm.
“Tình hình không tồi tệ đi, đó là tín hiệu tích cực”, ông Graham Andrew, trợ lý của ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA), nói khi ông Amano lên đường đến Nhật Bản để đánh giá mức độ nghiêm trọng ở nhà máy hạt nhân Fukushima. “Tình hình vẫn rất nghiêm trọng nhưng không có dấu hiệu tồi tệ hơn từ ngày 16/3”.
Nhưng trước báo giới tại Vienna, ông Andrew cũng lo ngại: “Có khả năng tình hình có thể diễn biến xấu đi”.
Trực thăng của quân đội Nhật Bản hôm qua tham gia công tác cấp cứu qua việc trút hàng tấn nước xuống các lò phản ứng nhằm tránh việc các thanh nhiên liệu tan chảy phát phóng xạ. Hãng truyền hình NHK truyền đi hình ảnh những chiếc trực thăng trút xuống lò phản ứng số 3 hơn 7 tấn nước. Hoạt động tương tự cũng sẽ diễn ra tại lò phản ứng số 4.
Tình trạng cháy tại lò phản ứng số 4 cuả nhà máy Fukushina I trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư vừa qua gây lo ngại về một thảm hoạ tung phóng xạ từ những thanh nhiên liệu đã sử dụng.
Mức độ phóng xạ cao trên các lò phản ứng khiến các trực thăng không thể dừng tại một vị trí hoặc bay thấp xuống để có thể trút nước cho chính xác. Trong khi đó, những xe tải đặc biệt của quân đội cũng góp sức phun nước vào một lò phản ứng tại nhà máy Fukushima đã bị động đất và sóng thần làm hư hại.
Chính phủ Nhật Bản thừa nhận là không còn nhiều thời gian để ngăn chặn sự lan tràn đáng kể và nguy hiểm của phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vào bầu không khí. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa, người ra lệnh cho các trực thăng xúc tiến công tác, thừa nhận là không còn nhiều thời gian nữa.
Ông Kitazawa nói quân đội tin rằng việc đổ nước từ trên không xuống có thể giúp làm nguội các thanh nhiện liệu. Ông cũng xác nhận rằng các máy bơm nước do Mỹ cung cấp, đang được đưa tới để bắt đầu công tác phun nước.
Người phát ngôn hàng đầu của chính phủ cũng cho biết Thủ tướng Naoto Kan và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội ý trong 30 phút về cuộc khủng hoảng. Ông cho biết Tổng thống Obama đã báo cho nhà lãnh đạo Nhật Bản biết rằng Mỹ sẵn sàng gửi thêm các chuyên gia hạt nhân sang Nhật cũng như trợ giúp thêm cho nỗ lực tái thiết của Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần.
5.600 người thiệt mạng, thiếu điện trên diện rộng
Số người thiệt mạng đã được lực lượng cảnh sát Nhật Bản xác nhận là 5.600, hơn 9.500 người mất tích. Trong khi các đội cứu hộ cố gắng trong tuyệt vọng để tìm xem có ai còn sống trong những đống đổ nát do trận sóng thần tại Nhật Bản để lại, các nạn nhân sống sót qua thảm họa này đang vất vả xoay xở để sinh tồn.
Ước tính có tới gần nửa triệu người đang sống trong các trại tạm trú, hầu hết phải ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo của những phòng tập thể dục tại các trường học. Những người già nhất và nhỏ tuổi nhất là thành phần gặp hiểm nguy nhiều nhất.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) hôm qua cho biết sẽ làm mọi cách để khôi phục điện tại nhà máy Fukushima và phục hồi lại hệ thống làm lạnh. TEPCO đã có kế hoạch phục hồi những đường dây bên ngoài từ Công ty Điện lực Tohoku, sau đó nối hệ thống truyền tải bị hư với những đường dây không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Bộ trưởng thương mại Nhật Bản Banri Kaieda hôm nay lên tiếng cảnh báo về tình trạng có thể phải cắt điện trên diện rộng, không theo lịch, nếu nhu cầu trong ngày tăng cao hơn buổi sáng.
Bộ trưởng Banri Kaieda cho biết sáng nay nhu cầu sử dụng hầu như đã đến hết mức khả năng sản xuất cuả TEPCO. Do thời tiết lạnh hơn bình thường nên nhu cầu thường đạt đỉnh vào tối khuya.
Bộ trưởng thương mại Nhật cũng cho biết chính phủ đang kêu gọi tăng tốc độ sản xuất ở 13 nhà máy lọc dầu ở miền tây lên 95% để vận chuyển xăng và dầu đến vùng bị động đất. Hiện tại, vẫn còn khoảng 850.000 hộ gia đình ở miền bắc không có điện và ít nhất là 1,5 triệu hộ thiếu nước sạch.