Tình cảnh tuyệt vọng của những người "không ai nhận" ở Hồ Bắc
(Dân trí) - Những ngày này, Chloe Chang, một phụ nữ Đài Loan bị mắc kẹt ở tâm dịch viêm phổi do virus corona tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), thường tỉnh dậy liên tục giữa đêm. Đôi khi cô bật khóc trong tuyệt vọng.
Chang và gia đình đang bị mắc kẹt trong tòa nhà chung cư của người bà tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, nơi một người đàn ông qua đời gần đây vì nhiễm virus corona. Các cán bộ trong trang phục bảo hộ canh gác các con phố xung quanh và khu dân cư có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát. Tình trạng thiếu thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu xảy ra khắp Nghi Xương, nơi 4 triệu dân đã bị phong tỏa trong nhiều tuần.
“Không nhà nào có thể ra ngoài vào thời điểm này”, Chang, một họa sĩ 26 tuổi, nói. Chang cho hay cô lo ngại rằng dù chỉ đi mua đồ tạp hóa cũng làm gia tăng nguy cơ cô bị nhiễm virus.
“Con tôi đã ăn 9 bữa mì chay trong 3 ngày qua”, Chang nói về con trai 2 tuổi.
Chang và gia đình nghĩ rằng họ đã có thể rời khỏi Nghi Xương hồi đầu tháng này, nhưng chiếc xe buýt chở họ tới sân bay bất ngờ hủy hành trình.
Tất cả những gì cô có thể làm lúc này là chờ đợi và hi vọng.
“Chính quyền Đài Loan sẽ tới để giải cứu chúng ta”, anh Calvin Fan, người đến từ Bắc Kinh, khẳng định với vợ. Nhưng chuyến bay mà họ rất mong đợi để sơ tán họ khỏi Nghi Xương cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực.
“Không bên nào muốn chúng tôi”, Chang nói. “Chúng tôi đã bỏ cuộc. Giờ chúng tôi là những người tị nạn”.
Trung Quốc đại lục và phía Đài Loan đổ lỗi cho nhau về lý do cô và các công dân Đài Loan khác không thể rời Hồ Bắc, tỉnh hiện đang bị phong tỏa vì sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus corona, vốn khiến gần 1.900 người tử vọng và hơn 70.000 người nhiễm bệnh.
Chang và hàng trăm người Đài Loan khác tại Hồ Bắc từng hi vọng họ có thể trở về nhà thông qua chuyến bay thuê. Nhưng hồi tháng trước, sau khi chuyến bay đầu tiên chở những người sơ tán hạ cánh tại Đài Loan với một hành khách bị nghi nhiễm virus trên khoang, chính quyền hòn đảo đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội.
Một số người nói rằng hòn đảo không thể kiểm soát được dịch bệnh nếu có thêm nhiều người bị nhiễm virus trở về. Những người khác nói Đài Loan không thể sơ tán vợ hoặc chồng là người đại lục của các công dân Đài Loan.
Căng thẳng kéo dài nhiều thập niên giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đã tới ngưỡng gay go trong đợt dịch này, và những người như Chang và chồng của cô - cả hai đều tới đại lục hồi tháng trước để đón Năm mới cùng gia đình - đã bị mắc kẹt trong một tình thế tuyệt vọng.
Chang cho biết cô được giới chức Trung Quốc nói rằng cô không thể về Đài Loan trên một chuyến bay thứ 2, dự kiến diễn ra vào ngày 5/2. Vào ngày đó, gia đình cô đã lên một chiếc xe buýt để tới sân bay Vũ Hán.
Nhưng khi xe buýt chuẩn bị lăn bánh, một quan chức Trung Quốc lên xe và tuyên bố rằng chuyến bay không thể diễn ra. “Đài Loan không cho các bạn trở về”, người này nói.
“Tôi thực sự tuyệt vọng”, Chang nhớ lại.
Phía Đài Loan lại đưa ra một giải thích khác. Theo các quan chức hòn đảo, các thông tin trên truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng chuyến bay dự kiến cất cánh là không đúng - hai bên chưa từng thảo luận về điều đó.
Cả Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đều tiếp tục đổ lỗi cho nhau, trong khi Chang và những người cô chờ đợi mòn mỏi ở Hồ Bắc.
“Giới chức Đài Loan nhiều lần trì hoãn chuyến bay”, hãng tin Xinhua đưa tin hồi tuần trước. “Hãy để những người Đài Loan trở về nhà nhanh nhất có thể và ngừng đưa ra những cái cớ hay lý do để ngăn họ trở về”.
Trong khi đó, Chen Shih-Chung, người đứng đầu cơ quan y tế và phúc lợi Đài Loan, hôm 14/2 nói rằng “Trung Quốc vẫn sử dụng mọi cái cớ để trì hoãn việc sơ tán, từ chối các kế hoạch và đề xuất của chúng tôi”.
Lo ngại về virus corona đã khiến giới chức Đài Loan gia tăng các biện pháp đề phòng trong những ngày gần đây.
Hôm 12/2, Đài Loan thông báo rằng những con cái có quốc tịch đại lục nhưng có một bố hoặc mẹ là người Đài Loan sẽ không được phép vào hòn đảo trong thời gian này nếu họ đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong hoặc Macao.
Bị “giam lỏng” trong nhà của người bà quá lâu, Chang đã tìm tới nghệ thuật như một biện pháp giải tỏa sự bất lực và giận dữ mà cô đang trải qua.
Trong một bức tranh châm biếm mà cô vẽ gần đây, Chang miêu tả chính quyền của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã cố tình trì hoãn việc sơ tán. Và cô miêu tả những người Đài Loan tại Hồ Bắc là "những con tốt".
An Bình
Theo New York Times