1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình báo phương Tây vẫn âm thầm liên hệ với Chính phủ Syria

Bất chấp cuộc nội chiến giữa Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với các nhóm phiến quân đối lập do Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ, các cơ quan tình báo của họ vẫn âm thầm liên hệ với cơ quan tình báo và các quan chức Chính phủ Syria.

Mục đích chung vẫn là chia sẻ thông tin về các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Chính phủ Syria, đặc biệt là các phần tử thân IS.

Dẫn nguồn tin đáng tin cậy, tờ Bild của Đức hôm 18-12-2015 tiết lộ, Cơ quan Tình báo đối ngoại BND của nước này, đã thường xuyên cử điệp viên bay sang Damascus để "tham vấn" với các đồng nghiệp Syria về một số vấn đề liên quan đến an ninh cho các máy bay chiến đấu của Đức tại Syria, về yêu cầu thiết lập một kênh thông tin để phòng khi máy bay Đức bị bắn rơi hay bị tai nạn ở vùng do IS kiểm soát.

Tình báo phương Tây vẫn âm thầm liên hệ với Chính phủ Syria - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad khẳng định tình báo phương Tây đã tiếp xúc, trao đổi thông tin với cơ quan tình báo và an ninh Syria.

Việc BND cử người sang Syria được hiểu là hành động chuẩn bị hỗ trợ cho hoạt động không kích chống IS của nước Đức. Bởi lẽ, trước khi các điệp viên Đức bay sang Syria, khoảng đầu tháng 12-2015, Quốc hội Đức đã đồng ý thông qua kế hoạch của Thủ tướng Angela Merkel cho quân đội tham gia hỗ trợ Mỹ và các đồng minh trong chiến dịch không kích IS ở Syria.

Theo kế hoạch, Đức sẽ cử một phi đội máy bay thám thính Tornado sang Syria để giúp Pháp bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle, tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu và điều khoảng 1.200 quân nhân sang hỗ trợ kỹ thuật. Tờ Bild cho biết, BND muốn mở một trạm hoạt động thường trực tại Damascus càng sớm càng tốt để các điệp viên có bước chuẩn bị các điều kiện hoạt động, với sự giám sát của Chính phủ Syria.

Hiện tại, Đức có một cơ sở tại Damascus là đại sứ quán cũ đã ngưng hoạt động kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria. Và các điệp viên Đức dự kiến sẽ tạm thời dùng cơ sở này làm nơi đặt trạm đầu tiên. Theo Bild, có lẽ hoạt động tại cơ sở tình báo này sẽ bắt đầu từ đầu năm 2016.

Không chỉ có tình báo Đức mà thời gian qua, đặc biệt là từ cuối năm 2013 đến nay, cơ quan tình báo các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, Anh, Pháp, đã bí mật nối lại các liên hệ với Cơ quan Tình báo Syria và Chính phủ Syria. Mục đích chung nhất của hành động này không gì khác hơn là nhằm trao đổi thông tin về các phần tử phiến quân Hồi giáo cực đoan mà Tổng thống Syria Assad xem là khủng bố.

Tình báo phương Tây vẫn âm thầm liên hệ với Chính phủ Syria - 2

Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp DGSE được cho là đã tiếp xúc thảo luận với tình báo Syria về chống khủng bố.

Trong một chương trình tin tức buổi tối đầu năm 2014, kênh Newsnight của Đài BBC (Anh) đã dẫn nguồn tin đáng tin cậy khẳng định các quan chức tình báo của phương Tây đã đến Damascus để thảo luận với các đồng nghiệp Syria về các vấn đề an ninh.

Trong một tuyên bố với báo chí hôm 15-1-2014, Chính phủ Syria cũng đã khẳng định, cho dù đang gây áp lực với Tổng thống Assad về tương lai chính trị của Syria, nhưng các cơ quan tình báo phương Tây vẫn quan tâm đến Syria vì vấn đề các phần tử phiến quân Hồi giáo cực đoan.

BBC dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad khẳng định: các cuộc tiếp xúc giữa tình báo Syria với phương Tây là nhằm mục đích chia sẻ thông tin, tìm kiếm phương án phối hợp để diệt trừ các phần tử cực đoan. Ông Mekdad không nêu chi tiết cụ thể là những cơ quan nào, nhưng ông cho biết nhiều cơ quan đã cử người đến Damascus.

Tuy nhiên, các nguồn tin báo chí đã tiết lộ đích danh một số cơ quan. Ngoài Mỹ với các cuộc gặp bí mật, liên tục kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria, thì Cơ quan Tình báo Pháp (DGSE) được nêu đích danh đã cử điệp viên sang Damascus. Tờ báo Pháp Le Figaro đưa tin: Từ cuối năm 2013 DGSE đã đến Damascus để thảo luận hợp tác chống khủng bố. Phía Syria phản hồi "đồng ý", nếu Pháp mở lại đại sứ quán.

Có vẻ như giới chức lãnh đạo của hầu hết các quốc gia phương Tây, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Pháp về mặt chính thức đều không thừa nhận sự liên hệ đó, tuyên bố rằng họ không hay biết gì về việc các cơ quan tình báo có liên hệ bí mật hay âm thầm hợp tác với cơ quan mật vụ Syria.

Một lý do để phương Tây không công khai thừa nhận sự liên hệ giữa các cơ quan tình báo của họ với Damascus là bởi việc đó sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực từ các đối tác trong khu vực mà họ đã tập hợp để chống ông Assad. Nhưng họ cũng không thẳng thừng bác bỏ thông tin hay từ chối việc liên hệ này.

Sự quan tâm của tình báo phương Tây đối với Damascus bắt đầu từ giai đoạn trước khi IS thật sự bùng phát thành một "cơn lốc đen" khủng bố từ Iraq tràn sang xâm chiếm vùng lãnh thổ Syria rộng lớn ở miền Đông và Đông Bắc. Giai đoạn đó, đã có những cuộc chiến nội bộ của các nhóm phiến quân, giữa thành phần phiến quân ôn hòa với các nhóm Hồi giáo cực đoan, như Mặt trận Nusra, và giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan với thành phần thân IS.

Cuộc chiến hỗn loạn đó dần đi đến kết quả mà sau này ai cũng biết: IS giành ưu thế, chiếm quyền kiểm soát một vùng rộng lớn từ Đông sang Bắc Syria, đặc biệt là ở khu vực tỉnh Raqqa, nơi IS đang lấy làm "thủ đô" tạm thời của cái gọi là "Đế chế Hồi giáo" (Caliphate).

Khi bắt đầu chiến dịch không kích chống IS quy mô lớn trên lãnh thổ Iraq và Syria vào mùa thu năm 2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu gặp phải một khó khăn rất lớn là thiếu nguồn thông tin tình báo trên mặt đất để phục vụ công tác chỉ điểm khiến cho hiệu quả của các đợt không kích không cao.

Phương án đưa bộ binh vào Iraq và Syria để đánh IS cũng không khả thi, vì nhiều lý do chính trị lẫn ngoại giao. Cho nên, chỉ còn phương án hợp tác tình báo là chọn lựa tốt nhất.

Theo Nguyên Khang (tổng hợp)

An ninh thế giới