1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường

(Dân trí) - Là một trong 100 học viên lớp GP10 đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam, 45 năm qua, nhà báo Triệu Thị Thuỳ luôn giữ ký ức một thời dép quai râu, máy ảnh đeo trước ngực ở chiến trường

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 1

Nhà báo Triệu Thị Thuỳ - nguyên quyền Giám đốc cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng, một trong 100 học viên lớp GP10 đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam.

Mũ tai bèo, dép quai râu, máy ảnh đeo trước ngực tiến về chiến trường

Có mặt tại tổ ấm của vợ chồng nhà báo về hưu, PV Dân trí được "giới thiệu" về cuốn album đen trắng - nơi lưu giữ ký ức một thời thanh xuân gian lao mà nhiệt huyết của nữ phóng viên ảnh chiến trường.

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 2

Nhà báo Triệu Thị Thuỳ cùng chồng là nhà báo Hồ Phước Huề cũng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng cùng xem lại những tấm ảnh lưu giữ một thời thanh xuân gian lao mà đầy nhiệt huyết

Năm 1973, nhà báo Thuỳ cùng đồng đội vào chiến trường Trung Trung bộ. Đã được rèn luyện một thời gian trước khi lên đường vào trận tuyến, cô nữ sinh trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được tuyển chọn làm nhiệm vụ vẫn không mường tượng hết những gian lao trên đường vào Nam.

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 3

Nhà báo Thuỳ - ngoài cùng bên phải là một trong 4 nữ phóng viên chiến trường hiếm hoi của Thông tấn xã Giải phóng vào chiến trường Trung Trung bộ năm 1973

“Lên dốc đã mệt, xuống dốc càng gian nan, đôi dép quai râu cọ vào các ngón chân rớm máu, chiếc ba lô sau lưng như muốn xô người xuống nên hai bàn tay phải bám chắt vào thân, rễ cây. Đi hết dốc đã gặp từng non, lau lách hai bên cao quá đầu người, hàng vạn con vắt như những chiếc tăm cong mình ngoe nguẩy. Mỗi khi cơn giông ập tới, đường lại trở nên lầy lội” - nhà báo Thuỳ kể hành trình gần một tháng băng rừng vào căn cứ của Ban Tuyên huấn khu V ở Nước Là (Trà My, Quảng Nam). 

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 4
Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 5

Nữ phóng viên ảnh chiến trường Triệu Thị Thuỳ những năm tháng ở chiến trường Trung Trung bộ

Vất vả, gian lao, hứng chịu cơn sốt rét rừng, những ngày đói vì lũ rừng chia cắt đường tiếp tế lương thực, nữ phóng viên chiến trường vẫn cảm nhận vẻ đẹp của bình minh, khi những tia nắng dọi qua những tán lá xanh khúc xạ xuống sông, làm mặt nước đẹp lung linh; nhớ lần đầu tiên nhìn thấy hoa mai - biểu tượng mùa xuân miền Nam trong cái Tết đầu tiên ở chiến khu. 

Năm 1974, tình hình đồng bằng rất “nóng”, Thông tấn xã Giải phóng dốc hết lực toả phóng viên đi khắp. Nhà báo Thuỳ được giao liên dẫn vượt đường Một vào Quảng Ngãi. Đưa tin về phong trào “Ba mũi giáp công” (đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận) tại Tịnh Bình Nam, nữ phóng viên ảnh đề nghị được ghi hình một trận đánh vào đồn địch. Phát súng đầu tiên bắn trúng đại liên địch, chụp được tấm ảnh quả đạn B.41 lao vút sang đồn địch, nhà báo Thuỳ bị thương khi địch cấp tập bắn trả. 

Vết thương đạn sượt qua ngực và 4 viên đạn đến bây giờ vẫn còn nằm trong ống chân nữ phóng viên chiến trường năm ấy. Thế nhưng, vết thương nhói lòng sau bấy nhiêu năm là nỗi tiếc thương những du kích trẻ đã ngã xuống. 

“Nằm điều trị thương tích ở bệnh viện dã chiến, tôi mới hay tin già nửa đội du kích tôi gặp trước hôm xin đi tác nghiệp ở chiến trận đã hy sinh. Trong đó có Hoa, cô gái mới 15-16 tuổi, vẫn tíu tít đòi tôi bày hát bài “miền Nam nhớ Bác”... Tôi tiếc đã không chụp ảnh đội du kích - những anh hùng vẫn sống cùng tôi ở chiến trường” - nhà báo Thuỳ nói, nước mắt rưng rưng.

Hạnh phúc đại thắng mùa xuân 1975 từ từng dòng tin chiến sự

Tháng 3/ 1975, các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng lại tề tựu về chiến khu ở Hiệp Đức, Quảng Nam. Nhà báo Thuỳ cùng 3 nữ phóng viên ở lại, các phóng viên nam lên đường tham gia chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Tin chiến sự toàn những tin vui, tin thắng trận nức lòng người, nhất là các tin từ Tây Nguyên, ngay trận quân ta mở màn tấn công vào Buôn Mê Thuột ngày 10/3/1975.

Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 6
Ký ức một thời tiến về miền Nam của nữ phóng viên chiến trường - 7

Nhà báo Triệu Thị Thuỳ cùng các phóng viên lớp GP10 đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam

“Ngày 29/3/1975, nhận tin bộ đội ta đã chiếm được Đà Nẵng, chúng tôi reo hò, ôm nhau mà nước mắt chảy tràn. Hạnh phúc biết bao khi chỉ một tháng sau, 30/4/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng” - dòng hồi ký của nhà báo Thuỳ ghi lại cảm xúc mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Ngày 29/3/1975, tiến về Đà Nẵng, tiếp quản thành phố trong cờ hoa náo nức niềm vui chào đón bộ đội ta tiến quân về, nhà báo Thuỳ cùng các đồng đội đã tin rằng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sẽ đến, khi chứng kiến sự tan rã nhanh của quân Nguỵ trên đường công tác vào nam cùng đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhà báo Triệu Thị Thuỳ còn nhớ, năm 1972, khi được chọn vào lớp đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam, có người hỏi, đi miền Nam bao giờ trở về? Ngày ấy, phóng viên vào chiến trường đều xác định câu trả lời là đến ngày độc lập, thống nhất đất nước. Nhà báo Thuỳ đã nói là 3 năm nữa, và đúng là 3 năm thật, từ 1972 đến đại thắng mùa xuân 1975. Song sau 1975 đến nay, nên vợ chồng cùng nhà báo Hồ Phước Huế - đồng đội cùng chiến khu, nhà báo Thuỳ ở lại Đà Nẵng.

45 năm chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước là hạnh phúc của nữ phóng viên chiến trường cùng bao đồng đội một thời thanh xuân không quản gian lao, hy sinh tiến về miền Nam. 

Nhà báo Thuỳ chia sẻ: “Ngày 29/3/1975, từ rừng núi về đến Đà Nẵng, nhìn thấy đô thị rực rỡ ánh đèn, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy đời dân nghèo bên kia sông với lớp lớp nhà chồ. Bây giờ, đôi bờ sông Hàn đều là đô thị khang trang. Đó là một trong những đổi thay rõ nhất mà chúng tôi chứng kiến ngay từ thành phố Đà Nẵng trong 45 năm qua - kể từ đại thắng mùa xuân 1975 mà chúng tôi được là chứng nhân lịch sử” 

Khánh Hiền