1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ vụ việc "mất mặt" từng thôi thúc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội

Minh Phương

(Dân trí) - Hai tên lửa của Trung Quốc đã "biến mất" không dấu vết trong một cuộc thử nghiệm năm 1996 và đó có thể là lý do thôi thúc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nhằm cạnh tranh với Mỹ.

Tiết lộ vụ việc mất mặt từng thôi thúc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội - 1
Vụ phóng tên lửa thất bại năm 1996 có thể đã thôi thúc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội (Ảnh: Navy).

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có căng thẳng kéo dài nhiều thập niên qua liên quan đến vấn đề Đài Loan, khiến Trung Quốc ra sức hiện đại hóa quân đội với việc lập một hạm đội tiên tiến và phát triển một hệ thống định vị toàn cầu qua vệ tinh. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Tuy Trung Quốc từ lâu đã coi Mỹ là đối thủ lớn, nhưng vụ phóng thử tên lửa thất bại ở eo biển Đài Loan năm 1996 đã thôi thúc Bắc Kinh hiện đại hóa hải quân.
Vào năm đó, Mỹ điều một hạm đội hải quân đến eo biển Đài Loan khi Trung Quốc tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa ở vùng biển gần căn cứ quân sự Keelung của Đài Loan. Trong quá trình thử nghiệm, hai tên lửa của Trung Quốc biến mất khỏi hệ thống theo dõi của quân đội nước này mà không để lại dấu vết. Thời điểm đó có những đồn đoán cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc thất bại do quân đội Mỹ đã can thiệp làm gián đoạn Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của họ.

Theo các nguồn tin quân sự, sự việc "mất mặt" này đã trở thành động lực để Bắc Kinh phát triển hệ thống định vị vệ tinh riêng có tên gọi Bắc Đẩu. Hệ thống này được hoàn thành với việc phóng tàu thăm dò cuối cùng vào tháng 6 năm ngoái. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, hiện tại quân đội Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống này để dẫn đường tên lửa mà không lo ngại bị đối phương làm gián đoạn.

Ngoài phát triển hệ thống định vị vệ tinh, Trung Quốc còn hiện đại hóa quân đội trong lĩnh vực phát triển tên lửa siêu thanh, tàu chiến, thiết bị không người lái và chương trình không gian. Hải quân Trung Quốc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, với 350 tàu mặt nước và tàu ngầm. Trung Quốc đã đưa vào biên chế 2 tàu sân bay, gồm tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Sơn Đông.

"Trung Quốc không những muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ, mà còn tận dụng một số lợi thế đi sau để tập trung vào việc phát triển vũ khí thế hệ tiếp theo. Bắc Kinh nhận thấy sự cần thiết phải tập trung phát triển công nghệ vũ khí mới. Mục tiêu cuối cùng của quân đội Trung Quốc không chỉ là hiểu các chiến lược và chiến thuật tác chiến của Mỹ mà còn nhằm tránh để đối thủ nắm được thông tin tình báo về các kế hoạch của Trung Quốc", Lu Li-Shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nhận định.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan tiếp tục leo thang kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Hôm 7/4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan sau khi máy bay trinh sát của Mỹ cũng tiến hành chuyến bay trinh sát hai giờ đồng hồ ở khu vực này. Hồi tháng 3, tàu khu trục USS John Finn, thành phần trong nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ triển khai ở Thái Bình Dương, cũng thực hiện hải trình tương tự.

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây lo ngại ở Đài Loan, trong đó có việc liên tục điều động các phi đội áp sát Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này gần đây.