Tiết lộ bản kế hoạch xây dựng “nhà nước” của IS
Một số tài liệu vừa được tiết lộ cho thấy Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã vạch kế hoạch để xây dựng một thực thể nhà nước tự chủ với bộ máy điều hành bài bản như các nhà nước trên thế giới, trên địa bàn khu vực chiếm đóng của Iraq và Syria.
Tổ chức hành chính là ưu tiên số 1
Bản kế hoạch cùng với 340 tài liệu nội bộ của IS đã lọt vào tay một doanh nhân làm ăn với IS, người này sau đó đưa chúng lên mạng xã hội Facebook, và đã được một nhà nghiên cứu người Anh tên là Aymenn al-Tamimi tìm thấy và cung cấp cho tờ The Guardian. Ông al-Tamimi đã theo dõi và thu thập các tài liệu này trong thời gian một năm qua.
Bản kế hoạch thành lập nhà nước của IS.
Theo tờ The Guardian, bản kế hoạch của IS cùng các tài liệu khác được soạn thảo trong khoảng thời gian từ tháng 6-2014, tức ngay sau khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố việc thành lập Đế chế Hồi giáo (Caliphate), và hoàn tất vào khoảng tháng 10-2014.
Tác giả của nó được cho là một người tên là Abu Abdullah, người Ai Cập. Bản kế hoạch đã đặt ra một học thuyết về hoạt động điều hành nhà nước, là một loại "cẩm nang" chi tiết về hoạt động công vụ. Mỗi trang của bản kế hoạch đều được trang trí hình một thanh gươm đen, và trang cuối của nó có chữ ký của Abu Abdullah al-Masri - cha của Abu Abdullah, người Ai Cập.
Bản kế hoạch mang tên "Những nguyên tắc quản lý hành chính của Nhà nước Hồi giáo" dài 24 trang đánh máy, được phân làm 10 chương, soạn thảo bằng văn phong hành chính nhà nước.
Bản kế hoạch mở đầu với phần giới thiệu tóm lược lịch sử Đế chế Hồi giáo và những thực thể có trước nó, nhấn mạnh rằng, các nhà quản lý hành chính là ưu tiên sống còn của IS, phải được tách hẳn khỏi các nhóm thành viên khác.
Một cựu y tá từng phục vụ trong vùng bị IS chiếm đóng cho biết, tổ chức hành chính là vấn đề ưu tiên số 1; khi IS đến tiếp quản bệnh viện nơi anh này làm việc, điều đầu tiên chúng thực hiện là thay con dấu và tiêu đề văn bản hành chính để cho mọi người nhận biết ngay "đây là bệnh viện của Nhà nước Hồi giáo".
Tại Chương I, bản kế hoạch hoạch định chi tiết việc tổ chức bộ máy nhà nước trong tương lai, với 16 cơ quan bộ ngành như giáo dục, tài nguyên thiên thiên, công nghiệp, ngoại giao, truyền thông, nội vụ và các trại huấn luyện quân sự. Các cơ quan này được hoạch định về mặt tổ chức và hoạt động không khác gì các cơ quan bộ ngành của các nhà nước thực thụ trên thế giới.
Trong chương đầu tiên này, chiến lược tuyên truyền được tập trung nhấn mạnh, đặt ra nhu cầu thiết lập một bộ máy tuyên truyền tập trung với sự hỗ trợ của các tỉnh và các cơ quan trực thuộc.
Thành phố Raqqa ngày đêm hứng chịu những đợt không kích.
Chương III dành riêng cho việc tổ chức quản lý các trại quân sự, phân định thành 3 kiểu trại: các trại "quân bị thứ nhất"; các trại huấn luyện thường xuyên dành cho các cựu binh, tập trung huấn luyện 3 tuần 1 lần; và các trại quân bị trẻ em.
Các nội dung huấn luyện sẽ bao gồm huấn luyện các kỹ thuật chiến đấu, kỹ thuật sử dụng vũ khí mới nhất, việc vạch kế hoạch chiến đấu và công nghệ quân sự, kể cả việc phân tích các công nghệ quân sự của "kẻ thù" và cách có thể lợi dụng chúng.
Từ Chương IV trở đi, bản kế hoạch vạch chi tiết tổ chức, hoạt động của từng cơ quan chuyên ngành như một bộ của chính phủ thực thụ. Các nội dung về tập trung quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài sản, quản lý các dự án phát triển kinh tế - xã hội, theo đó cho phép tư nhân đầu tư vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, ngoại trừ các lĩnh vực nhạy cảm về dầu mỏ và khí đốt.
IS cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục, xem đây là "viên gạch nền tảng để xây dựng xã hội Hồi giáo". Giáo dục có thể bảo đảm cho tương lai tự chủ của Nhà nước Hồi giáo, với một thế hệ Hồi giáo có kiến thức có thể tự xây dựng và phát triển Nhà nước Hồi giáo mà không cần dựa vào kiến thức khoa học của phương Tây.
Hơn 60% số tiền thu được dùng chi trả cho chiến binh
Các tài liệu được ông al-Tamimi tập hợp kèm theo bản kế hoạch thể hiện những hoạt động trên thực tế của "nhà nước" do IS triển khai.
Các tài liệu bao gồm chứng từ, thông báo, quy định được ông al-Tamimi cung cấp cho tờ The Guardian đã cho thấy, IS đã bắt đầu thực hiện những hoạt động của “một nhà nước” từ đầu năm 2015. Tổ chức này đã cho đăng quảng cáo giới thiệu việc làm trong một cơ quan tương tự như Cục Dịch vụ xã hội.
Huấn luyện chiến binh trẻ em đã được IS hoạch định cụ thể.
Trên lĩnh vực giáo dục, IS đã có những thông báo về việc khai giảng năm học mới, khai trương một nhà trẻ và tuyển dụng giáo viên.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, các "công chức" của IS cũng thông báo các kế hoạch sản xuất vụ mùa hè, và một loạt các quy định xã hội khác, như tài xế phải mang theo đầy đủ đồ nghề sửa xe, chủ cửa hàng không được bày hàng hóa trên vỉa hè nếu chưa được cấp phép, đặc biệt là quy định về vấn đề đạo đức, cách ăn mặc và hành vi xử sự, như việc cấm phụ nữ mặc quần áo bó sát và trang điểm lòe loẹt.
Trong 5 tháng qua, IS đã tăng cường ban hành các văn bản liên quan đến vấn đề an ninh và việc động viên quân đội. Một trong các quy định đó là cấm mạng wifi tư nhân. Có những thông báo gửi đến các chốt kiểm soát yêu cầu kiểm soát chặn việc buôn lậu vàng, đồng và sắt.
Và đầu tháng 10-2015, IS còn ban hành lệnh "ân xá" cho những chiến binh đào ngũ. Lý do là IS hiện đang thiếu quân số. Bên cạnh đó, để đề phòng những "kẻ phản bội" xâm nhập hàng ngũ, cơ quan an ninh công cộng ra lệnh bất cứ ai đã từng có liên hệ với "kẻ thù của nhà nước" phải trình diện ngay lập tức.
Nhằm thiết lập một “hệ thống tư pháp” trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Iraq và Syria, IS đang triển khai một chương trình "thống nhất" hai khu vực lãnh thổ này. Điều này thể hiện rõ ở việc IS đã ban hành chứng minh thư việc làm tiêu chuẩn và phát động chiến dịch "dỡ bỏ biên giới".
Để làm được điều này, IS cho thành lập thêm đơn vị hành chính mới là tỉnh Eupharates, trải từ phần lãnh thổ Iraq vắt ngang qua lãnh thổ Syria, và đang gấp rút ban hành các quy định quản lý giống như các tỉnh khác.
Tuy nhiên, việc hợp nhất hai vùng lãnh thổ Iraq và Syria cũng đang đặt ra cho IS những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, về giáo dục, sự khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục trung học cơ sở ở Iraq và Syria đã gây khó khăn rất nhiều cho việc xây dựng một hệ thống tuyển sinh đại học thống nhất.
Về mặt kinh tế, cái khó nhất của IS là vấn đề tài chính. Hệ thống tiền tệ của IS hiện tại đang bất nhất, vẫn cho lưu hành 3 loại tiền là đồng bảng Syria, đồng dinar của Iraq và đồng USD, vẫn chưa có đồng tiền thống nhất. IS kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa và dịch vụ, nhưng về kinh tế vĩ mô thì không quản lý tập trung mà cho phép tư nhân sở hữu tài sản, mở doanh nghiệp kinh doanh và thực hiện các dự án của nhà nước, như xây cầu đường.
Gây chú ý nhất là các tài liệu cho thấy cách IS tổ chức thu ngân sách bài bản như thế nào. Tiền thuế chiếm 23,7% thu ngân sách, tiền bán dầu và khí đốt chiếm 27,7%. Theo nhà nghiên cứu al-Tamimi, nếu các con số này là chính xác thì mỗi ngày IS thu ngân sách từ tỉnh giàu dầu mỏ nhất là 66.400 USD - không giống lắm với con số 3 triệu USD/ngày mà truyền thông thế giới lan truyền thời gian qua.
Nhưng trên cả tiền bán dầu và tiền thuế là thu ngân sách từ việc tịch thu các thứ hàng hóa lậu. IS phạt giới buôn lậu các loại hàng hóa cấm như thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, và thu nhập từ việc bán đấu giá tài sản chiếm được từ "kẻ thù của nhà nước" (tức các loại cổ vật). Hoạt động này mang về số tiền lên đến 45% thu nhập của IS.
Về chi tiêu, tài liệu cho biết tỉnh này chi đến 63,5% số tiền thu được cho việc trả lương chiến binh và duy trì các cơ sở quân sự. Chỉ có khoảng 17% chi tiêu dành cho dịch vụ công cộng.
IS cũng đẩy mạnh chống tham nhũng
Ý tưởng quan trọng nhất, mang tính sống còn của IS là xây dựng một xã hội không tưởng. Ý tưởng này chia làm 2 phần: một là thúc đẩy xây dựng các mặt tích cực, và hai là loại bỏ các mặt tiêu cực của xã hội. Để đạt mục tiêu loại bỏ tiêu cực, IS đã nảy ra sáng kiến đẩy mạnh chống tham nhũng. IS đã cho phát hành các mẫu đơn tố cáo tham nhũng.
Tuyên truyền hình ảnh của IS.
Thỉnh thoảng trong năm 2014, IS còn mở hẳn các "văn phòng khiếu nại tố cáo" tại thành phố Raqqa, nơi IS tự cho là thủ đô của Đế chế. Các quy định của "Đế chế" IS cũng nghiêm cấm thành viên IS tham gia các hoạt động đầu tư của nhà nước hoặc "lợi dụng địa vị và công việc mình làm trong bộ máy nhà nước để trục lợi cá nhân".
Đây là một điểm rất đáng chú ý, có lẽ do IS đã nghiên cứu kỹ các vấn đề về tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay bè phái, lợi ích nhóm của các nhà nước hiện hành trên thế giới.
Bên cạnh chống tiêu cực, IS cũng quan tâm thúc đẩy các mặt tích cực của cuộc sống dưới sự kiểm soát của IS, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần trong "nhà nước". IS thường xuyên trao thưởng trị giá 100 USD cho những nghiên cứu xuất sắc về tôn giáo, và tháng 5-2015 đã tổ chức miễn vé vào cổng tại các công viên vui chơi giải trí cũng như cho ở miễn phí một khách sạn 5 sao mới ở thành phố Mosul nhân kỷ niệm "chiến thắng" trước quân đội Chính phủ Syria, chiếm được thành cổ Palmyra.
"Cục dịch vụ xã hội" của IS đã cho tăng thuế dịch vụ xã hội nhằm tạo nguồn tài chính “trợ cấp cho những gia đình khó khăn”. Một thống kê không ghi rõ ngày tháng từ tỉnh Aleppo cho thấy có 2.502 gia đình nghèo, khó khăn đăng ký nhận trợ cấp, trung bình mỗi gia đình được nhận 260 USD; không rõ khoản trợ cấp này là hàng tháng hay hàng năm.
Tất nhiên, kế hoạch xây dựng nhà nước của IS đang bị thách thức nghiêm trọng bởi 2 yếu tố: thứ nhất là các chiến dịch ném bom của ít nhất 3 liên quân quốc tế, một do Mỹ dẫn đầu, một do Nga dẫn đầu và mới đây nhất là liên quân do Arập Xêút tập hợp; và thứ hai là những gút mắc, khó khăn từ bên trong. Các chiến dịch ném bom đã đánh sập hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế mới manh nha của IS, đặc biệt là các cơ sở khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Đặc biệt, IS vẫn chưa hoàn toàn thu phục được cộng đồng người Sunni ở các địa phương chiếm đóng, cho dù nó vẫn đang hàng ngày chiến đấu với dòng Shiite.
Khó khăn lớn nhất đối với IS cho đến nay là vấn đề y tế. Trong năm 2015, IS đã ban hành một số cảnh báo kêu gọi các bác sĩ quay trở về phục vụ trong vùng chiếm đóng, nếu không thì tài sản của họ có thể bị tịch thu.
Theo Nguyên Khang (tổng hợp)
An ninh thế giới