1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima

(Dân trí) - Cách đây đúng 70 năm, ngày 6/8/1945, thành phố Hiroshima của Nhật Bản đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới hứng chịu sự tàn phá kinh hoàng của bom nguyên tử. Từ một thành phố cảng sôi động với gần 100,000 dân, Hiroshima bốc chốc biến thành “thành phố chết” với những di chứng đeo bám đến tận ngày nay.

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima - 1

Video: Hiroshima tưởng niệm 70 năm thảm họa đánh bom nguyên tử

 

Từ địa danh đẹp nao lòng

Hiroshima cách thủ đô Tokyo khoảng 900 km về phía Tây và là thành phố lớn nhất trong khu vực Chugoku và Shikoku với khoảng 920.000 dân.

Trước khi xảy ra thảm họa, Hiroshima được coi là một trong những thành phố thơ mộng nhằm vắt qua những ngọn núi phủ đầy cây xanh bên cạnh biển Seto.

Khi ấy, cả thành phố là sự hòa trộn đầy ấn tượng của màu xanh núi rừng, những tiếng róc rách của 6 dòng sông nên thơ và 100 chiếc cầu như những dải lụa vắt qua con sông.

Cũng vì có tới 6 con sông chảy xuyên suốt trong thành phố nên Hiroshima còn có một cái tên khá thú vị  là “thành phố nước”.

Không chỉ sở hữu những phong cảnh sơn thủy hữu tình, Hiroshima còn là thành phố của những tinh hoa ẩm thực với rất nhiều món ăn có hương vị gần gũi với người Việt như bánh xèo Okonomi-yaki, mì Ramen, hàu….

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima - 2

Nước mắt vẫn không ngừng rơi dù 70 năm đã qua đi (Ảnh: AP)

Và khi đến với Hiroshima, người ta không thể bỏ qua Lâu đài Hiroshima, được Tướng quân Terumoto Mouri xây dựng vào nửa sau thế kỷ 16. Lâu đài nằm ở trung tâm thành phố và là một địa điểm tham quan lý tưởng. Khách tham quan có thể đi dạo quanh thành phố và đến thăm lâu đài bằng xe điện, một trong những phương tiện di chuyển chính vào thời điểm đó.

Ngoài ra, nơi đây còn là một thành phố cảng công nghiệp vô cùng sôi động với những chuyến tàu vào ra tấp nập, tạo diện mạo mới và cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, mọi khung cảnh thơ mộng và thanh bình của thành phố Hiroshima đã dần bị mất đi kể từ khi chính phủ Nhật Bản quyết định biến nơi đây trở thành một trong các cứ điểm quân sự trong Thế chiến II. Quyết định này được đưa ra dựa trên lịch sử trước đây thành phố này từng là điểm xuất phát cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894 và chiến tranh Nga-Nhật từ 1904-1905.

Đến thành phố chết chóc

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima - 3

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại lễ tưởng niệm ngày 6/8 (Ảnh: AP)

Thời khắc đen tối nhất đã ập lên đầu người dân Hiroshima vào ngày 6/8/1945 định mệnh, khi Không lực Hoa Kỳ quyết định ném quả bom nguyên tử mang biệt danh “Nhóc con” (Litte Boy) nặng 5 tấn xuống thành phố xinh đẹp này.

Sở dĩ Không lực Hoa Kỳ chọn ngày 6/8/1945 để tiến hành vụ ném bom là vì những ngày trước đó, mây dầy trên bầu trời Hiroshima khiến hạn chế tầm nhìn của phi công từ trên không.

Để tiến hành vụ đánh bom, Không lực Hoa Kỳ đã dùng chiến thuật lừa Không quân Nhật Bản khi chỉ cử 3 máy bay tiếp cận vùng lãnh thổ phía Nam Nhật Bản (Không quân Nhật Bản không đánh chặn các đội hình máy bay nhỏ).

Sau khi Không quân Nhật Bản bỏ lệnh sẵn sàng đánh chặn, 3 chiếc máy bay Mỹ dòng B-29 mang tên là “Enola Gay”, “The Great Artiste” và “Necessary Evil” đã tiến sâu vào thành phố Hiroshima.

Cuộc tấn công được thực hiện đúng như kế hoạch. Vào lúc 8h15’ theo giờ địa phương,  chiếc “Enola Gay” thả quả bom Little Boy mang theo 60 kg uranium 235. Trong khi đó, chiếc “Necessary Evil” có nhiệm vụ ghi lại toàn bộ cảnh tượng của vụ thả bom nguyên tử đi vào lịch sử nhân loại này.

Ở dưới mặt đất, ngay sau khi tiếng nổ chát chúa vang lên ở độ cao khoảng 600m, cả thành phố Hiroshima bị bao trùm trong cột khói trắng hình nấm khổng lồ lớn dần. Ít nhất 90.000 người đã bị cướp đi mạng sống khi chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra, trong số này có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng minh.

Theo các số liệu thu được sau đó, khu vực bị tàn phá có bán kính lên tới 1,6 km; khoảng 4,4 km2 bị cháy rụi; 90% nhà cửa bị hủy diệt hoặc hư hại.

Hiroshima là thành phố đầu tiên trên thế giới phải hứng chịu sự tàn phá kinh hoàng của bom nguyên tử, nhưng không phải là nơi duy nhất vì chỉ 3 ngày sau, Mỹ đã quyết định ném quả bom thứ hai mang tên “Gã mập” (Fat Man) xuống thành phố Nagashaki.

Sức tàn phá mang tính hủy diệt của bom nguyên tử không chỉ biến Hiroshima và Nagashaki thành hai thành phố chết chóc tại thời điểm đó, mà còn để lại những di chứng nặng nề cho người dân và chính phủ Nhật Bản đến tận hôm nay.

Sự hồi sinh từ khát vọng hòa bình

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima - 4

Người dân tham gia lễ tưởng niệm tại Hiroshima ngày 6/8 (Ảnh: AP)

Thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagashaki đã dẫn tới việc Nhật Bàn chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 15//8/1945, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II.

Và 7 năm sau đó, cứ đến ngày 6/8 hàng năm, chính quyền thành phố Hiroshima lại tổ chức Lễ tưởng niệm thảm họa bom nguyên tử tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Buổi lễ năm nay thu hút hàng trăm quan khách đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, hàng nghìn nhà hoạt động vì hòa bình và quan trọng nhất là sự có mặt của đông đảo các nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử cùng thân nhân của những người đã khuất.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến đặt vòng hoa trước Bia tưởng niệm và thỉnh chuông hòa bình tại Đài Tưởng niệm Hòa bình. Tiếng chuông là lời nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc và cái giá mà người dân vô tội phải trả trong cuộc chiến sử dụng vũ khí giết người hàng loạt.

Nhưng khát vọng hòa bình của Nhật Bản không chỉ được ngân vang trong mỗi ngày tưởng niệm hàng năm, mà đã được chính quyền Tokyo, chính quyền Hiroshima và người dân địa phương bền bỉ xây dựng từ hàng chục năm nay.

Từ đống tro tàn đổ nát, chết chóc và bệnh tật, Hiroshima đã khoác lên mình một “lớp áo” mới không ngừng phát triển trong niềm khao khát mãnh liệt về hòa bình.

Hiroshima giờ đã trở thành trung tâm hành chính lớn trong khu vực Chugoku và Shikoku; là trung tâm kinh tế phát triển năng động trên nhiều lĩnh vực và những khu phố sầm uất nhộn nhịp buôn bán suốt ngày đêm.

Không những vậy, Hiroshima còn trở thành một điểm du lịch lịch sử nổi tiếng thế giới với đền thần đạo Itsukushima nằm trên đảo Miyajima, lâu đài Hiroshima được tái xây dựng sau vụ ném bom, cùng rất nhiêu tượng điêu khắc và đài tưởng niệm khác. Đặc biệt, không thể không kể đến Bảo tàng bom nguyên tử (nơi trưng bày các bức ảnh, phim tư liệu và hiện vật sống động về sự tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử) và Mái vòm bom nguyên tử (một trong những công trình cũ còn sót lại trong vụ ném bom).

Sự hồi sinh kỳ diệu tại Hiroshima và ý nghĩa lịch sử của những công trình du lịch tại đây là lời nhắc nhở đối với người dân Nhật Bản và thế giới về sự tàn khốc của bom nguyên tử, những hậu quả nặng nề của chiến tranh và cao hơn cả là khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng trong mỗi người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đức Vũ

Tiếng chuông vọng từ Hiroshima - 5