DNews

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc tấn công mạnh nhất trong hàng chục năm của Hamas nhằm vào Israel gần đây đã hé lộ phần nào sức mạnh của lực lượng này khi xung đột leo thang ở "chảo lửa" Trung Đông.

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas

Ngày 7/10, lực lượng Hamas đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào Israel trong những năm gần đây. Hàng nghìn rocket của Hamas đã được bắn từ Dải Gaza, trong khi các nhóm tấn công cơ động đã tiến hành một cuộc đột phá trên bộ để tiến vào khu vực do Israel kiểm soát.

Những sự kiện này cho thấy Hamas có tiềm lực quân sự tương đối lớn và có thể gây sức ép với Lực lượng Phòng vệ Israel. Điều này đáng chú ý khi nhánh quân sự của Hamas được xây dựng trong điều kiện bị hạn chế nghiêm ngặt và thường xuyên bị đe dọa.

Cơ cấu tổ chức của Hamas

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas - 1

Các thành viên của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, nhánh quân sự của lực lượng Hamas, năm 2017 (Ảnh: AFP).

Phong trào Hamas ("Harakat al-Muqawama al-Islamiya" - "Phong trào kháng chiến Hồi giáo") được thành lập vào cuối năm 1987. Hamas tuyên bố mục tiêu của tổ chức này là hủy diệt Israel và thành lập một nhà nước Ả Rập trên toàn bộ lãnh thổ của vùng Palestine ủy trị trước đây. Khác với các tổ chức và phong trào khác của Palestine, Hamas theo đuổi lập trường cứng rắn trong đấu tranh chính trị cũng như quân sự.

Ban đầu, Hamas không phân chia rõ ràng thành các nhánh quân sự, chính trị và tư tưởng. Một nhánh quân sự rõ rệt của Hamas chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1990. Lực lượng này được gọi là Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Kể từ đó, lữ đoàn này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khác nhau nhằm vào Israel.

Trong bối cảnh bị Israel phong tỏa về kinh tế, người dân ở các vùng lãnh thổ Palestine và các tổ chức khác nhau của Palestine phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ và nguồn cung ứng từ bên ngoài.

Một số quốc gia đã cung cấp cho phong trào Hamas và Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam không chỉ viện trợ nhân đạo mà còn cả vũ khí và đạn dược. Một số viện trợ được gửi dưới dạng sản phẩm hoàn thiện, trong khi một số khác được vận chuyển theo từng bộ phận. Ngoài ra, các kênh đã được thiết lập để vận chuyển nguyên liệu thô và vật tư cho hoạt động sản xuất nội địa của người Palestine.

Bất chấp mọi hạn chế và khó khăn, nhánh quân sự của Hamas vẫn duy trì số lượng đơn vị tương đối lớn và cũng đang nỗ lực cải tiến trang thiết bị nội địa. Những sự kiện gần đây đã cho thấy, Hamas đã tích lũy được tiềm lực quân sự đáng kể và thực hiện đòn giáng mạnh vào Israel. Đồng thời, những trận chiến này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của quân đội và cơ quan tình báo Israel.

Các đơn vị chiến đấu của Hamas

Vì nhiều lý do, nhánh quân sự của Hamas cho đến nay vẫn giữ bí mật và không tiết lộ nhiều thông tin về lực lượng. Tuy nhiên, một số dữ liệu đã bị rò rỉ ngoài sự kiểm soát Hamas và Palestine. Ngoài ra, các cơ quan tình báo nước ngoài cũng cung cấp thông tin về Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam.

Theo thống kê của Military Balance, các lữ đoàn chiến đấu của Hamas gồm khoảng 15.000-20.000 người. Các nghiên cứu khác ước tính con số này khoảng 30.000-40.000 người.

Ngoài lực lượng thường trực, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam còn có lực lượng dự bị, với số lượng lên tới hàng chục nghìn người. Đồng thời, việc thu hút tân binh tham gia lực lượng thường không gặp nhiều khó khăn.

Tình báo nước ngoài cho biết, cơ cấu tổ chức của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam không vượt quá cấp đại đội và tiểu đoàn. Tổng cộng, họ có 27-30 tiểu đoàn và khoảng 100 đại đội. Cũng có thông tin cho rằng, họ còn có các đơn vị hỗ trợ chuyên biệt về kỹ thuật, hậu cần…

Cho đến gần đây, các nguồn tin tiết lộ rằng các lữ đoàn chiến đấu của Hamas về cơ bản chỉ bao gồm lực lượng mặt đất và có năng lực hạn chế.

Tuy nhiên, các sự kiện gần đây cho thấy, Hamas còn thành lập và triển khai các đơn vị thuộc các lực lượng khác như các đơn vị tấn công trên không cơ động hay thủy quân lục chiến. Palestine chưa bao giờ có một lực lượng không quân chính thức, nhưng giờ đây một số hoạt động đã được tiến hành bằng máy bay không người lái (UAV).

Khí tài quân sự của Hamas

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas - 2

Bệ phóng của hệ thống phòng không Mutabar-1 (Ảnh: Hamas/Topwar).

Theo Topwar, mặc dù có thêm một số đơn vị, nhưng phần lớn lực lượng chiến đấu của Hamas là bộ binh. Lực lượng này được trang bị nhiều loại vũ khí nhỏ khác nhau, phổ biến nhất là các hệ thống vũ khí thời Liên Xô, nhưng cũng có những khí tài khác. Súng chống tăng cầm tay cũng được lực lượng Hamas sử dụng rộng rãi và được xem như một loại vũ khí đa năng.

Hamas cũng sử dụng một số hệ thống tên lửa chống tăng. Đây chủ yếu là các sản phẩm của Iran hoặc các sản phẩm từ các quốc gia khác đã được đưa đến Palestine bằng cách nào đó. Ngoài ra, các hệ thống phòng không quân sự cũng được triển khai, dựa trên hệ thống MANPADS với giá cả phải chăng, chủ yếu là loại của Liên Xô.

Các hệ thống Mutabar-1 với tên lửa phòng không không điều khiển đã được Hamas sử dụng.

Do sự cản trở của Israel và do thiếu nguồn lực cũng như năng lực tác chiến, nên Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam không có xe bọc thép. Các xe bọc thép mà lực lượng Hamas thu giữ được thường bị phá hủy tại chỗ hoặc trưng bày cho người dân Palestine xem để nâng cao tinh thần.

Do thiếu xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh, nên việc vận chuyển quân và hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh được thực hiện bằng xe ô tô thương mại. Tại các xưởng địa phương, những phương tiện gắn súng máy đã được lắp ráp. Các loại vũ khí khác cũng có thể được sử dụng trên cùng một phương tiện. Xe máy được sử dụng làm phương tiện vận tải hạng nhẹ.

Các đơn vị công binh của lữ đoàn đã sử dụng cả ô tô và xe máy để tiến công. Họ vượt qua hàng rào ở vùng giáp ranh Israel - Gaza, sử dụng các thiết bị có sẵn để hoàn thành nhiệm vụ mà không cần trải qua khóa huấn luyện nào.

Trong các cuộc tấn công gần đây, lực lượng Hamas đã sử dụng một phương tiện hoàn toàn mới để tăng tính cơ động.

Các chiến binh Hamas đã tiếp cận một số mục tiêu của Israel bằng cách sử dụng dù lượn. Máy bay thương mại một và hai chỗ ngồi cũng được sử dụng. Các phương tiện này được sử dụng để xuyên thủng phòng không Israel. Xuồng máy cũng được sử dụng làm tàu đổ bộ.

Video trên mạng xã hội cho thấy chiến binh Hamas đã sử dụng dù lượn có động cơ để xâm nhập hiệu quả vào khu vực do Israel kiểm soát.

Mặt cắt phản xạ radar của dù lượn có động cơ rất nhỏ, tốc độ chậm, bay thấp nên khó bị radar phát hiện. Israel thường sử dụng hệ thống quang hồng ngoại để phát hiện và cảnh báo các mục tiêu ở độ cao thấp nhưng lần này, những chiếc dù lượn có động cơ của chiến binh Hamas đã xâm nhập thành công, một phần lớn nguyên nhân là do khả năng sẵn sàng chiến đấu lỏng lẻo của Israel.

Đối với các hoạt động trinh sát và tấn công trên không, nhánh quân sự của Hamas đã sử dụng các máy bay không người lái loại nhỏ. Loại UAV này được lấy từ thị trường thương mại hoặc được sản xuất từ các bộ phận có sẵn.

Video ghi lại cảnh UAV của Hamas thả đạn xuống xe tăng Israel và một đồn biên phòng của Israel đã được lan truyền rộng rãi. Trong cả hai trường hợp, các UAV của Hamas đã tiếp cận mục tiêu mà không gặp trở ngại, trước khi khai hỏa và rời đi.

Lực lượng Hamas được cho là cũng sử dụng UAV cảm tử trong các cuộc tấn công. Các loại máy bay không người lái có đầu đạn được cho là được chế tạo và sản xuất với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Defense Blog, các thành viên Hamas đã rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và đang sử dụng UAV để tấn công xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel, một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới.

Ngoài việc tấn công xe tăng của Israel, UAV cỡ nhỏ còn được sử dụng để tấn công binh lính Israel. Các video trên mạng xã hội cho thấy, những chiếc UAV nhỏ bay lượn phía trên binh lính Israel và thả lựu đạn vào họ, nhưng phía Israel có rất ít phản ứng.

Vũ khí tấn công chính của Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, vốn gây thiệt hại đáng kể cho Israel trong nhiều năm qua, là pháo phản lực. Hamas sử dụng nhiều loại tên lửa không dẫn đường khác nhau. Các xưởng dưới lòng đất của Hamas đã sản xuất một số loại tên lửa như vậy với các cỡ nòng khác nhau và các đặc tính khác nhau.

Số lượng và chất lượng của các loại tên lửa tự sản xuất cũng được cải thiện dần theo thời gian. Ngoài ra, các bệ phóng tên lửa cũng được phát triển. Cuộc tấn công gần đây của Hamas đã sử dụng các bệ phóng này.

Hamas xây dựng lực lượng bằng cách nào?

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas - 3

Một người đàn ông Palestine treo người xuống một đường hầm ở biên giới Gaza-Ai Cập, phía nam Dải Gaza (Ảnh: AFP).

Cuối tuần trước, Hamas đã phát động cuộc tấn công từ vùng Gaza, một dải đất ven biển Địa Trung Hải rộng 360km2, giáp hai bên là Israel và một bên là Ai Cập. Đây là khu vực kinh tế ít phát triển, đông dân cư và ít tài nguyên.

Dải Gaza gần như bị chia tách hoàn toàn với phần còn lại của thế giới trong gần 17 năm, khi Hamas nắm quyền kiểm soát, khiến Israel và Ai Cập phải áp đặt một cuộc bao vây nghiêm ngặt đối với vùng lãnh thổ này. Israel cũng phong tỏa trên không và trên biển cũng như triển khai hoạt động giám sát ở Gaza.

Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Hamas tích lũy được số lượng vũ khí khổng lồ, cho phép nhóm này thực hiện các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, trong khi vẫn tiếp tục phóng rocket?

Theo CNN, các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ Hamas trong quá trình xây dựng lực lượng.

Vai trò của Iran?

"Hamas có được vũ khí thông qua buôn bán hoặc sản xuất ở địa phương và nhận được một số hỗ trợ quân sự từ Iran", báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết.

Mặc dù chính phủ Israel và Mỹ vẫn chưa phát hiện bất kỳ vai trò trực tiếp nào của Iran trong các cuộc tấn công của Hamas vào cuối tuần trước, nhưng các chuyên gia cho rằng Iran từ lâu đã trở thành nước hỗ trợ quân sự chính cho Hamas, đưa vũ khí vào vùng đất này thông qua các đường hầm xuyên biên giới bí mật hoặc các tàu thuyền lách khỏi vùng phong tỏa ở Địa Trung Hải.

"Hạ tầng đường hầm của Hamas vẫn rất lớn, trong khi hạ tầng của Israel và Ai Cập thường xuyên xuống cấp", Bilal Saab, thành viên cấp cao và giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Trung Đông (MEI) ở Washington, cho biết.

"Hamas đã nhận được vũ khí từ Iran được đưa vào Dải Gaza qua đường hầm. Các vũ khí này thường bao gồm các hệ thống tầm xa", Daniel Byman, chuyên gia của Dự án về các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định.

"Iran cũng vận chuyển cho Hamas các tên lửa đạn đạo tiên tiến bằng đường biển, cùng các bộ phận để chế tạo ở Gaza", Charles Lister, nhà nghiên cứu ở MEI, cho biết.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng Iran cũng có thể là bên cố vấn cho Hamas.

"Iran cũng giúp Hamas tự sản xuất vũ khí nội địa, cho phép Hamas tạo ra kho vũ khí của riêng họ", chuyên gia Byman nhận định.

Một quan chức cấp cao của Hamas ở Li Băng đã cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động sản xuất vũ khí của Hamas trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức tiếng Ả Rập RTArabic của Russia Today hôm 8/10.

"Chúng tôi có các nhà máy địa phương sản xuất mọi thứ, bao gồm tên lửa có tầm bắn 250km, 160km, 80km và 10km. Chúng tôi có nhà máy sản xuất súng cối và đạn pháo. Chúng tôi có các nhà máy sản xuất Kalashnikov (súng trường) và đạn cho các loại súng này. Chúng tôi đang sản xuất đạn với sự cho phép của người Nga. Chúng tôi đang xây dựng cơ sở ở Gaza", Ali Baraka, quan chức Hamas, cho biết.

Iran đã phủ nhận có liên quan đến cuộc tấn công gần đây của Hamas vào Israel. Người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết nước này ủng hộ các hành động của Hamas nhưng không chỉ đạo họ.

Cải tiến vũ khí

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas - 4

Rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel (Ảnh: Reuters).

Đối với những trang thiết bị lớn hơn, chuyên gia Lister của MEI cho biết Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, một nhánh của quân đội Iran chịu trách nhiệm trực tiếp với lãnh đạo tối cao của đất nước, đã huấn luyện vũ khí cho các kỹ sư của Hamas trong gần hai thập niên.

"Nhiều năm tiếp cận các hệ thống tiên tiến hơn đã mang lại cho các kỹ sư của Hamas kiến thức cần thiết để nâng cao đáng kể năng lực sản xuất trong nước", chuyên gia Lister tiết lộ.

Ngoài ra, theo ông Lister, Iran cũng luôn cập nhật chương trình huấn luyện cho các nhà sản xuất vũ khí của Hamas.

"Các kỹ sư tên lửa và rocket của Hamas là một phần của mạng lưới khu vực của Iran, vì vậy việc huấn luyện và trao đổi thường xuyên ở Iran là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm chuyên nghiệp hóa các lực lượng của họ trên toàn khu vực", chuyên gia Lister nói.

Tuy nhiên, Hamas cũng tìm cách để bổ sung nguồn vật liệu cho những loại vũ khí tự chế tạo.

Gaza không có ngành công nghiệp nặng để có thể hỗ trợ sản xuất vũ khí như những nơi khác trên thế giới. Theo báo cáo của CIA, các ngành công nghiệp chính ở Gaza là dệt may, chế biến thực phẩm và đồ nội thất.

Tuy nhiên, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính ở Gaza là sắt vụn, loại sắt có thể cung cấp nguyên liệu để chế tạo vũ khí ngay trong mạng lưới đường hầm bên dưới khu vực này. Trong nhiều trường hợp, kim loại này được tìm thấy trong các cuộc giao tranh khốc liệt ở Gaza, theo chuyên gia Ahmed Fouad Alkhatib.

"Khi cơ sở hạ tầng ở Gaza bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel, những gì còn sót lại, gồm các tấm kim loại và ống kim loại, cốt thép, dây điện, đã được đưa vào các xưởng sản xuất vũ khí của Hamas, được chế tạo thành các ống tên lửa hoặc các thiết bị nổ khác", chuyên gia Alkhatib cho biết.

Ngoài ra, theo ông Alkhatib, việc tái chế đạn dược chưa nổ của Israel để làm vật liệu nổ cũng như các bộ phận khác đã bổ sung vào kho vũ khí của Hamas.

"Hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel đã gián tiếp cung cấp cho Hamas những nguyên liệu bị giám sát chặt chẽ hoặc bị cấm hoàn toàn ở Gaza", chuyên gia Alkhatib cho biết thêm.

Trong cuộc tấn công vào cuối tuần trước, vũ khí chủ yếu của Hamas vẫn là rocket, nhưng chúng không còn là những quả đạn đơn giản, vốn được gọi là "ống thép bay" trước đây, mà ít nhất được trang bị nhiều bệ phóng tương tự như hệ thống tiêu chuẩn.

Trong video mới nhất do Hamas công bố, một số lượng lớn hệ thống phóng rocket hạng nhẹ đã xuất hiện, mặc dù nhìn bề ngoài, chúng không thể so sánh với các bệ phóng pháo phản lực được sử dụng trong xung đột Nga - Ukraine, nhưng lần này, độ tin cậy và tính ổn định của chúng vượt xa những gì mà các rocket đơn giản trước đây có thể sánh được.

Ngoài ra, còn có một số cải tiến đối với các loại vũ khí khác. Ví dụ, Hamas sử dụng súng phóng lựu RPG-7 cải tiến để tấn công xe tăng của Israel bằng đạn với đầu đạn nổ kép có thể đối phó hiệu quả hơn với giáp phản ứng nổ. Độ sâu xuyên giáp của nó cũng có thể đảm bảo rằng có thể xuyên thủng nhiều lớp, nhất là bên hông và phía sau xe.

Được hỗ trợ bởi vũ khí được cải tiến và huấn luyện chiến thuật thuần thục hơn, lực lượng vũ trang Hamas đã đạt được những kết quả bất ngờ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Tiềm lực quân sự đáng gờm của Hamas - 5

Xe tăng Merkava hiện đại của Israel bị Hamas phá hủy (Ảnh: AP).

Tất nhiên, tất cả những điều trên không diễn ra trong một sớm một chiều.

Theo Aaron Pilkington, nhà phân tích của Không quân Mỹ về các vấn đề Trung Đông và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Denver, để bắn hàng nghìn rocket trong khoảng thời gian ngắn như trong trận tập kích vào cuối tuần trước, Hamas chắc chắn đã xây dựng kho vũ khí của riêng lực lượng này, bao gồm cả vũ khí nhập về và tự sản xuất, trong một thời gian dài.

Baraka, quan chức Hamas ở Li Băng, thừa nhận nhóm chiến binh này đã mất hai năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Israel cuối tuần trước.

"Các đồng minh của Hamas đã hỗ trợ chúng tôi bằng vũ khí và tài chính. Đầu tiên và quan trọng nhất, chính Iran đã cung cấp cho chúng tôi tài chính và vũ khí", ông Baraka tiết lộ.

Các nhà phân tích cũng nhận định, quy mô và phạm vi các cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã khiến các cơ quan tình báo của Israel và các nước khác mất cảnh giác.

"Việc bắn một loạt tên lửa thực sự không quá phức tạp. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là làm thế nào họ có thể xây dựng kho dự trữ, di chuyển, bố trí và bắn hàng nghìn quả rocket trong khi qua mặt tình báo Israel, Ai Cập, Ả Rập Xê Út. Thật khó để hiểu làm thế nào các chiến binh Palestine có thể làm được điều này nếu không có hướng dẫn", chuyên gia Pilkington cho biết.

Theo Topwar, CNN, BI, Defense Blog

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas