1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thương vụ Mistral giữa Pháp và Nga: Paris tự đẩy mình vào thế khó

(Dân trí) - Từ một dự án được xem là bước khởi đầu tốt đẹp cho hợp tác Nga - Pháp trong ngành công nghiệp đóng tàu, hơp đồng đóng tàu chiến lớp Mistral bỗng chốc trở thành cơn đau đầu với Tổng thống Pháp Francois Hollande khi ông bị đẩy vào thế kẹt giữa Nga và phương Tây.

Một tàu chiến Mistral của Pháp.
Một tàu chiến Mistral của Pháp.
 
Khi hợp đồng này được các nhà lãnh đạo hai nước phê chuẩn năm 2010, nó được coi là dấu mốc cho sự khôi phục hợp tác ngành công nghiệp đóng tàu Nga- Pháp sau gần 100 năm bị gián đoạn.

Báo chí Nga khi đó cho biết lần cuối cùng Hải quân của Đế chế Nga tiếp nhận một tàu chiến lớn của Pháp là vào năm 1908 với tuần dương hạm mang tên "Đô đốc Makarov". Sở dĩ như vậy là vì kể từ sau Cách mạng tháng 10, Liên Xô phải đi mua các bản thiết kế về tự đóng tàu chiến trang bị cho Hải quân. Phải đến những năm 70-80 của thế kỷ trước, ngành đóng tàu quân sự Liên Xô với thực sự khẳng định được vị thế.

Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô năm 1991 đã kéo theo sự suy giảm đáng kể tiềm năng của ngành công nghiệp đóng tàu. Rồi những biến động chính trị và khó khăn kinh tế sau đó khiến nước Nga không những không đủ khả năng tiếp tục các dự án đóng tàu đầy tham vọng còn dang dở, mà còn phải thu hẹp tầm hoạt động của Hải quân. Rất nhiều tàu hải dương đang trong quá trình thi công đã bị buộc phải dừng lại hoặc chuyển đổi công năng.

Khi kinh tế Nga đã phần nào lấy lại sức mạnh, cuộc đối đầu Đông - Tây có dấu hiệu căng thẳng trở lại và đặc biệt là thế kỷ 21 được xác định là kỷ nguyên của các cường quốc biển, nước Nga đặt quyết tâm nhanh chóng khôi phục sức mạnh Hải quân. Tuy nhiên vào thời điểm đó, hầu hết các tàu chiến của Nga, đặc biệt là các tuần dương hạm, đều đã rệu rã vì được sản xuất từ thời Liên Xô và trải qua nhiều lần nâng cấp. Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất là "Đô đốc Kuznetsov" còn có thể tạm đáp ứng yêu cầu đặt ra với Hải quân.

Trong khi đó, để tự đóng tàu sân bay, ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Nga phải cần một thời gian rất dài, không dưới hàng chục năm. Vì thế, hợp đồng mua 2 tàu chiến lớp Mistral của Pháp với tổng trị giá 1,6 tỷ USD là một lựa chọn phù hợp của Mátxcơva vào thời điểm đó. Hợp đồng này giúp Hải quân Nga khắc phục được 3 hạn chế cơ bản: thiếu phương tiện hoạt động dài ngày trên các đại dương ở xa căn cứ, thiếu khả năng hỗ trợ bằng không quân và thiếu tàu chỉ huy trung tâm đồng bộ. Tất nhiên, ngay từ lúc "trứng nước", hợp đồng đã vấp phải không ít phản ứng gay gắt từ Mỹ, Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga.

Sau 4 năm thực hiện hợp đồng, tưởng chừng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ nhưng một rào cản lớn đã xuất hiện ngay trước thời điểm bên bán phải bàn giao cho bên mua chiếc tàu chiến đầu tiên (chậm nhất vào ngày 30/11/2014). Lý do phía Pháp đưa ra là Nga không đáp ứng các điều kiện để được nhận tàu và điều kiện đó, thật nghịch lý, là Nga phải đảm bảo chấm dứt tình trạng xung đột ở miền Đông Ukraine.

Dù Tổng thống Pháp Hollande không giải thích rõ ràng vì sao lại đưa ra điều kiện bổ sung này cho Nga, song theo các nguồn tin ngoại giao, bên gây áp lực mạnh nhất đối với Pháp là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thậm chí, có nguồn tin còn nói rõ nhà lãnh đạo Mỹ đã kêu gọi các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất quỹ mua lại 2 tàu Mistral của Pháp, để giúp Paris có tiền nộp phạt phá vỡ hợp đồng với Mátxcơva. Nhưng đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có thành viên NATO nào xung phong đứng ra làm "mạnh thường quân".

Trong bối cảnh đó, có thể thấy Tổng thống Pháp Hollande đang chịu áp lực từ "3 mặt trận" khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến số phận của tàu chiến Mistral.

Đầu tiên là Nga, một bên trong hợp đồng với Pháp. Đối với Nga, hợp đồng này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực Hải quân đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Vì thế, ngay từ khi hai bên đặt bút ký, phía Nga đã tạm ứng một khoản tiền lớn cho công ty đóng tàu của Pháp. Lập trường kiên định của Nga là sẽ kiện ra tòa nếu Pháp không bàn giao tàu chiến Mistral theo hợp đồng đã ký. Theo điều khoản trong hợp đồng, Paris sẽ phải nộp khoản tiền phạt không dưới 3 tỷ USD nếu đơn phương phá vỡ hợp đồng. Chưa kể, danh tiếng của ngành đóng tàu Pháp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc phá ngang hợp đồng.

Tiếp theo là Mỹ và các nước đồng minh mới gia nhập NATO ở Đông Âu. Các nước này phản đối mạnh mẽ hợp đồng cung cấp tàu chiến hiện đại cho Nga và kêu gọi Paris phải kiên quyết hủy bỏ hợp đồng. Những nước này cho rằng Nga cần phải bị trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và gây ra tình trạng bất ổn ở miền Đông Ukraine. Để khích lệ Paris, Washington đã kêu gọi các nước thành viên NATO thế chân Nga trong hợp đồng này nhưng vẫn chưa nhận được lời hưởng ứng.

Thứ ba là áp lực từ các chính đảng, ngành đóng tàu và người dân trong nước. Đây là một hợp đồng quan trọng với Nga xét dưới góc độ quân sự, nhưng đồng thời cũng là một hợp đồng lớn với Pháp xét từ góc độ kinh tế. Việc phá bỏ hợp đồng này không chỉ khiến Paris phải gồng mình nộp phạt 3 tỷ USD và làm mất hàng nghìn việc làm, mà còn khiến uy tín của Pháp với tư cách là nhà cung cấp vũ khí sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí sôi động vốn lâu nay vẫn thuộc về các tập đoàn và công ty của Mỹ.

Trước những áp lực trên, ông Hollande không có lựa chọn tốt nhất mà chỉ có lựa chọn ít gây thiệt hại nhất. Hiện tại, Pháp đang tìm kế "hoãn binh" nhằm tìm hướng giải quyết thích hợp khi mà thời hạn chót do Nga đưa ra (không quá 100 ngày kể từ ngày 14/11) vẫn chưa đến. Một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng Mỹ sẽ ép NATO "bơm" tiền cho Pháp nộp phạt hợp đồng. Còn số phận của hai tàu chiến lớp Mistral sẽ được các bên thảo luận tìm kiếm người mua mới.

 Đức Vũ