1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn: Thứ kết nối, điều chia đôi

Gặp gỡ trong bối cảnh khu vực đang biến chuyển phức tạp, lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc rõ ràng có nhiều chuyện để bàn hơn bao giờ hết.

Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn: Thứ kết nối, điều chia đôi - 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Thượng đỉnh tại Thành Đô, Trung Quốc hôm 24/12. (Nguồn: China Daily)

Từ ngày 23-25/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp gỡ tại Thành Đô (Trung Quốc) trong khuôn khổ Thượng đỉnh thường niên giữa ba bên. Cuộc “hội ngộ” này diễn ra trong bối cảnh Đông Bắc Á chứng kiến nhiều biến chuyển lớn: Tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bế tắc, cọ xát thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã tác động tiêu cực tới quan hệ song phương nói riêng và hợp tác khu vực nói chung. Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 tháng, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in gặp gỡ và đối thoại chính thức.

Trong khung cảnh đó, thượng đỉnh thường niên lần này được kỳ vọng có thể mang đến tiến triển cho vấn đề Triều Tiên và quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Xét trên một khía cạnh nào đó, Hội nghị đã ít nhiều thỏa mãn niềm mong ngóng này.

Thứ kết nối

Trong vấn đề Triều Tiên, các bên đã khẳng định quyết tâm ủng hộ đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là “lợi ích chung” của ba nước, đồng thời cam kết sẽ giữ liên lạc thường xuyên, chặt chẽ hơn trong hồ sơ này.

Tuy nhiên, việc Hàn Quốc tuyên bố hủy Hiệp định Chia sẻ Thông tin quân sự chung (GSOMIA) lại đang đi ngược lại những gì ông Moon tuyên bố. Trong lúc Mỹ nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, GSOMIA đóng vai trò quan trọng với Washington và đã ít nhiều giúp ích cho Tổng thống Donald Trump xây dựng quan hệ với Chủ tịch Kim Jong-un. Việc Hàn Quốc ngừng gia hạn GSOMIA, phần vì căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản, phần vì mong Mỹ nhượng bộ trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự, khiến hồ sơ Triều Tiên càng thêm khó.

Thêm vào đó, Trung Quốc chưa có nhiều nỗ lực thực chất nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 24/12, trả lời phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng “xây dựng lộ trình khả thi” để thiết lập hòa bình và “triển khai tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo”. Theo ông, căng thẳng gần đây giữa hai nước là do các bên đã thất bại trong thực hiện cam kết tháng 6/2018 và “mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên đã không được quan tâm đúng mức và giải quyết”. 

Đây là lập luận đã được Bắc Kinh lặp lại nhiều lần, khi dồn trách nhiệm về phía Washington, dù chính Trung Quốc tiếp tục duy trì các hoạt động giao thương tại khu vực biên giới chung với Triều Tiên, bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc. 

Ngày 17/12, chính Trung Quốc và Nga đã trình dự thảo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi dỡ bỏ một phần trừng phạt đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo. Mỹ đã lập tức phản đối, cho rằng nó sẽ cổ vũ Triều Tiên tiếp tục vi phạm cam kết tháng 6/2018 về phi hạt nhân hóa và ngưng thử tên lửa đạn đạo.

Xét cho cùng, việc Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn nhấn mạnh vào hợp tác trong vấn đề Triều Tiên là nhằm kết nối các nước tham dự với nhau thông qua mục tiêu chung và nhất trí về quan điểm, song chưa có giải pháp cụ thể nào đáng kể. 

Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn: Thứ kết nối, điều chia đôi - 2

Trong khuôn khổ Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp gỡ tại một khách sạn ở Thành Đô, Trung Quốc hôm 24/12. (Nguồn: AFP)

Điều chia đôi

Dụng ý của nước chủ nhà là dễ hiểu, khi Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn lần này được tổ chức tại Trung Quốc và Bắc Kinh mong muốn có thể nâng cao vị thế ngoại giao của mình thông qua việc hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt giữa Tokyo và Seoul. Trên thực tế, dùng những vấn đề chung để hạn chế chia rẽ riêng là cách tiếp cận phổ biến và tương đối hữu hiệu trong bao giao quốc tế. 

Tuy nhiên, tại Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn lần này, phương thức trên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt vì hai lý do.

Thứ nhất, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã “đứt đoạn” quá lâu. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in bên lề Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á mở rộng (ASEAN+3) ngày 4/11 và tại Thượng đỉnh ngày 24/12 đã mang đến biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất, bao gồm việc Nhật Bản nới lỏng hạn chế xuất khẩu chất phản quang, nguyên liệu sản xuất chip, sang Hàn Quốc, là “chưa đủ”, theo Tổng thống Moon Jae-in. Nó có thể hạ nhiệt căng thẳng trước mắt, song không phải là giải pháp cơ bản, bởi gốc rễ xung khắc trong quan hệ đến từ lịch sử. Chừng nào các vấn đề tranh cãi như phụ nữ mua vui, chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima chưa được giải quyết triệt để, triển vọng cải thiện quan hệ song phương sẽ tiếp tục bấp bênh.

Thứ hai, vấn đề trong quan hệ song phương không phải lĩnh vực mà Trung Quốc có thể đóng góp nhiều. Mỹ là đồng minh thân thiết của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, song những gì Washington đã làm để cải thiện quan hệ Tokyo - Seoul, vốn đóng vai trò then chốt với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nói chung và nghị trình của Tổng thống Donald Trump nói riêng, là không nhiều. 

Xung khắc trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc xuất phát từ vấn đề lịch sử và chỉ có thể được giải quyết với ý chí chính trị từ đôi bên. Trung Quốc, với tầm ảnh hưởng hạn chế hơn so với Mỹ trong quan hệ với hai nước trên, chỉ có thể vun đắp cho tiến trình hòa giải, chứ khó đề xuất hay triển khai một nghị trình “phá băng” quan hệ cụ thể. 

Như vậy, với tuyên bố của các vị lãnh đạo tham gia, Thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đã ít nhiều thành công khi nhất trí về quan điểm trong vấn đề Triều Tiên và quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước chưa đề xuất hay đưa ra được biện pháp cụ thể nào nhằm hiện thực hóa cam kết. Hợp tác khu vực vì thế vẫn “nói thì dễ, làm mới khó” mà thôi.

Theo Phan Quân

Thế giới & Việt Nam