Thượng đỉnh Mỹ - Triều: “Tuyên bố chung Trump - Kim không mơ hồ”
(Dân trí) - Mặc dù bị nhiều người nhận xét là “mơ hồ”, song tuyên bố chung do Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký hôm 12/6 đã mở đường cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau hàng chục năm đối đầu căng thẳng.
Ngoài cướp đi sinh mạng của 2 triệu dân thường vào đầu những năm 1950, bi kịch lớn của cuộc chiến tranh Triều Tiên là giải quyết được rất ít vấn đề còn tồn đọng trên bán đảo Triều Tiên. Tình trạng đối đầu căng thẳng giữa các bên vẫn không thuyên giảm, trong khi văn kiện duy nhất mà các bên đạt được chỉ là một thỏa thuận đình chiến mong manh, thay vì một hiệp ước hòa bình để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh này. Tuy vậy, mọi chuyện đã thay đổi cho tới đầu tuần này.
Vào ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau ký tuyên bố chung 4 điểm, mở ra một con đường mới cho bán đảo Triều Tiên. Nếu được thực thi theo đúng cam kết, tuyên bố này sẽ dần khép lại một chương u ám trong lịch sử châu Á hiện đại và đưa bán đảo Triều Tiên đi theo quỹ đạo đầy triển vọng.
Những nguyên tắc toàn diện và bao quát được đưa ra trong tuyên bố chung Trump - Kim đã hình thành bước đầu tiên trên con đường hòa giải sau hàng chục năm căng thẳng và đối đầu kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia tách về chính trị vào giữa thập niên 1940.
Những điểm chính trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều được cho là cân xứng giữa hai bên và chưa từng có tiền lệ. Để đổi lấy cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên trên cơ sở thực thi từng bước, Triều Tiên sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh như nước này từng mong muốn lâu nay. Tiếp đó, khi cam kết của cả hai bên đều được thực thi hiệu quả và cấu trúc hòa bình được thiết lập, Bình Nhưỡng sẽ được nới lỏng các lệnh trừng phạt và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong một cuộc gặp trực tiếp, đã cam kết với một tổng thống Mỹ đương nhiệm về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, cam kết của chính quyền Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho Triều Tiên bằng một công cụ ràng buộc về pháp lý cũng là thành tựu đáng ghi nhận. Trước đó, tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc đàm phán 6 bên hồi tháng 9/2005 chỉ khẳng định rằng Mỹ “không nuôi ý định tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên” và cũng chỉ dừng lại ở đó.
Một trong những kết quả tích cực sớm được nhìn thấy sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là việc Tổng thống Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán. Tuy nhiên đây cũng không phải là điều quá đặc biệt. Năm 1992, chính quyền Bush đã dừng cuộc tập trận Team Spirit, từ đó đưa Triều Tiên tới việc ký kết thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Những lần dừng tập trận sau đó vào các năm 1994, 1995 và 1996 cũng cho phép khởi động và thực thi bước đầu Thỏa thuận khung Mỹ - Triều.
Để đổi lấy cam kết trên của Mỹ, Triều Tiên cam kết phục hồi việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên, dừng các vụ thử và nghiên cứu tên lửa đạn đạo cũng như vũ khí hạt nhân, xóa sổ một cơ sở ở Tongchang-ri - nơi Bình Nhưỡng từng tiến hành các vụ thử động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Quyết định đóng cửa cơ sở này được đưa ra sau khi Triều Tiên cho phá hủy bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri của nước này hồi tháng 5.
Tuyên bố mở đường
Những người chỉ trích tuyên bố chung Trump - Kim có thể vẫn chưa hiểu tường tận khi cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này giúp nâng cao hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng chưa đưa ra định nghĩa cho khái niệm “phi hạt nhân hóa” hoặc một lộ trình chi tiết để đạt được mục tiêu “phi hạt nhân hóa”. Tuy nhiên, việc tuyên bố chung không đề cập chi tiết tới một cơ chế để đánh giá công khai các điều khoản liên quan tới vấn đề xác minh cam kết của từng bên cũng không phải là rào cản quá khó khăn.
Ngược lại, những nguyên tắc mang tính bao quát của tuyên bố chung sẽ tạo điều kiện cho các nhà đàm phán của Mỹ và Triều Tiên để họ có thêm không gian chính trị, từ đó có thể xây dựng các cơ chế phi hạt nhân hóa theo hướng linh hoạt dựa trên những điểm chính được nêu trong tuyên bố chung. Nói cách khác, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo chỉ mang ý nghĩa mở đường cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, tránh đề cập tới những mốc thời gian hay yêu cầu cụ thể. Những người giúp Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục mở rộng tuyên bố chung này sau hội nghị thượng đỉnh là các nhà ngoại giao và các nhà đàm phán của từng nước. Trước đó, cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cách đây một thập niên từng đổ vỡ vì các bên xây dựng một lộ trình triển khai quá chi tiết đi kèm với nguyên tắc “cam kết đổi cam kết, hành động đổi hành động”.
Chặng đường để đạt được mục tiêu vô hiệu hóa năng lực hạt nhân chiến lược của Triều Tiên được dự đoán sẽ không quá dài. Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói, một nhóm liên cơ quan của Mỹ gồm hơn 100 chuyên gia đã nhóm họp thường xuyên trong suốt 3 tháng qua để bàn thảo các vấn đề về kỹ thuật và hậu cần liên quan tới kế hoạch vô hiệu hóa chương trình vũ khí của Triều Tiên. Trước mắt, các chuyên gia này sẽ phối hợp với IAEA để bắt đầu các hoạt động của họ trên lãnh thổ Triều Tiên. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Singapore trước khi về nước, Tổng thống Trump từng đề cập tới cuộc thương lượng khó khăn với Triều Tiên để cho phép các chuyên gia kỹ thuật được tiếp cận với các cơ sở vũ khí của Bình Nhưỡng.
Tầm nhìn từ tuyên bố chung Trump - Kim đã xây dựng nền tảng rõ ràng cho hành động của các bên trong tương lai. Thành công của tuyên bố chung linh hoạt này nằm ở chỗ nó cho thấy một thực tế rằng, Triều Tiên sẽ chỉ nhận được các lợi ích cụ thể, bao gồm việc nới lỏng trừng phạt, hội nhập quốc tế, rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc và chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, nếu năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng chấm dứt.
Thành Đạt
Theo SCMP