1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thượng đỉnh G20 bế mạc với những kêu gọi và dấu hỏi Hy Lạp

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất và đang lên của thế giới đã ca ngợi kế hoạch toàn diện của khu vực đồng euro khôi phục lại ổn định tài chính, trong khi thất bại trong việc đóng góp vào một quỹ hỗ trợ khẩn cấp.

 
Thượng đỉnh G20 bế mạc với những kêu gọi và dấu hỏi Hy Lạp - 1
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes.

Trong ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp), các lãnh đạo trên thế giới đã tập trung vào việc ổn định hóa nền kinh tế toàn cầu, sau 1 ngày chủ yếu bàn về những xích mích chính trị nội bộ của Hy Lạp đe dọa đẩy khu vực sử dụng đồng Euro vào một thảm họa kinh tế.

Trong thông cáo chung đưa ra sau hai ngày họp, các lãnh đạo G20 hứa đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giải quyết nạn thất nghiệp đang gia tăng.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết phát huy xã hội hợp quần và biến chính sách toàn cầu hóa sang hướng phục vụ cho nhu cầu của mọi người.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nói những nền kinh tế chính yếu của châu Âu như Pháp và Đức quyết tâm bảo vệ sự thống nhất của châu Âu và đồng tiền euro chung.

Tổng thống Pháp nhắc lại Hy Lạp sẽ bị loại ra khỏi khu vực đồng euro nếu không chấp nhận thỏa thuận cứu nguy, trong đó có những biện pháp tiết kiệm mạnh mẽ. Tổng thống Sarkozy cũng nói EU sẽ cố gắng áp đặt một sắc thuế trên những việc giao dịch tài chính vào năm tới để giúp các nước nghèo.

Về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama nói lãnh đạo thế giới đã đạt được những tiến bộ quan trọng để ổn định kinh tế toàn cầu, tuy nhiên cần phải thực hiện những công việc khó khăn nữa để giải quyết vấn đề công nợ của châu Âu.

Ông Obama ca ngợi Trung Quốc đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh thi hành những bước để đẩy mạnh nền kinh tế nội địa, trong nỗ lực cắt bớt thặng dư ngoại thương to lớn của Trung Quốc mà hậu quả là gây thâm thủng mậu dịch khổng lồ với Mỹ.

Nhưng rõ ràng việc Hy Lạp chần chừ tuân thủ những điều khoản của gói cứu nguy tài chính bao trùm hai ngày hội nghị thượng đỉnh. Lãnh đạo G20 vẫn như “ngồi trên tổ kiến” trước khả năng Italia có thể theo gót Hy Lạp chìm ngập trong cơn khủng hoảng nợ.

Tối 3/11 (giờ Paris), Tổng thống Pháp đã bất ngờ triệu tập một cuộc họp để thảo luận thêm về những tác động của khủng hoảng Hy Lạp đối với khu vực đồng euro. Nội dung thượng đỉnh về châu Âu với sự tham dự của tổng thống Mỹ, của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Đây là cuộc họp thứ 3 trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ tại thành phố Cannes chỉ để tập trung vào vấn đề Hy Lạp. Sự có mặt lần đầu tiên của tổng thống Mỹ là một tín hiệu mạnh để chứng tỏ là cộng đồng quốc tế có cùng một tiếng nói trên vấn đề này.

Cho đến nay, một số các nền kinh tế đang vươn lên, như Trung Quốc đang chờ đợi một thông điệp rõ ràng để có thể tính tới khả năng hỗ trợ châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Trung Quốc đã trở thành một trong những động cơ kinh tế của thế giới nhưng luôn bị chỉ trích ghìm giá Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu.

Việt Hà
Theo AP, Reuters