1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng đỉnh APEC bị hủy, lãnh đạo Mỹ - Trung chưa biết gặp nhau ở đâu

(Dân trí) - Thượng đỉnh APEC bị hủy đồng nghĩa với việc cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không diễn ra tại Chile như dự kiến. Diễn biến bất ngờ này đã gây ra một trở ngại hậu cần mới trong quá trình đàm phán tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh thương mại kéo dài.

Thượng đỉnh APEC bị hủy, lãnh đạo Mỹ - Trung chưa biết gặp nhau ở đâu - 1

Nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này cho biết ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh APEC, diễn ra tại Santiago, Chile từ 16-17/11. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký một thỏa thuận thương mại lâm thời để mở đường cho việc đi tới một thỏa thuận thương mại chính thức nhằm chấm dứt thương chiến căng thẳng giữa hai bên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại Chile gần đây, Tổng thống nước này Sebastian Pinera ngày 30/10 thất ngờ thông báo hủy thượng đỉnh APEC để tập trung vào việc phục hồi an ninh và trật tự trong nước.

Ông Pinera cũng hủy hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là COP25, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.

Văn phòng Ban Thư ký APEC tại Singapore đã xác nhận tuyên bố của Tổng thống Chile. Đây là làn đầu tiên một thượng đỉnh APEC bị hủy kể từ khi diễn đàn khu vực thường niên được khởi xướng tại Seattle (Mỹ) vào năm 1993.

Việc thượng đỉnh APEC bị hủy đã làm dấy lên một câu hỏi rằng ông Trump và ông Tập có thể ký thỏa thuận mà các nhóm của hai bên đang cố gắng chuẩn bị ở đâu, ngoài các lo ngại đang gia tăng rằng liệu những lời nói tự tin từ Washington và Bắc Kinh có thể biến thành một thỏa thuận thực chất hay không.

Hiện không có một hội nghị quốc tế nào trong tương lai gần mà ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau bên lề, vì nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không tham dự các hội nghị cấp cao của Đông Á và Đông Nam Á tại Thái Lan tuần tới.

Bài toán tìm địa điểm thay thế

Các diễn biến bất ngờ trên đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải xoay sở để tìm giải pháp. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay cho biết các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của hai bên sẽ tiến hành điện đàm vào hôm nay, trấn an rằng các cuộc đàm phán giữa hai nước vẫn đi đúng lộ trình dù Thượng đỉnh APEC bị hủy.

Còn Nhà Trắng cho biết Mỹ vẫn hi vọng ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc vào tháng tới, dù chưa có địa điểm nào thay thế cho một cuộc gặp cấp cao Trump - Tập.

“Chúng tôi mong chờ hoàn thành giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại lịch sử với Trung Quốc trong khung thời gian đã định”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, nhưng không nhắc tới cuộc gặp Trump - Tập.

Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc gần đây đã chạy đua với thời gian nhằm hoàn thiện một văn bản của thỏa thuận giai đoạn 1 để ông Trump và ông Tập ký vào tháng tới, một tiến trình vốn đang bị cản trở bởi những yêu cầu của Washington về lộ trình để Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Giới chức Mỹ và Trung Quốc giờ đây phải tìm các địa điểm thay thế cho Chile. Nhà Trắng chưa bình luận về vấn đề địa điểm, nhưng các chuyên gia thương mại cho rằng việc sắp xếp một địa điểm thay thế phù hợp trong thời gian ngắn không phải dễ dàng.

Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Mỹ có ý định tổ chức cuộc gặp Trump - Tập tại Alaska hoặc Hawaii, trong khi Trung Quốc đề xuất Macau.

Pang Zhongying, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho rằng ít có khả năng ông Trump đồng ý một địa điểm tại Trung Quốc do các căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang, nhưng Brazil có thể là một địa điểm phù hợp nếu hai bên thực sự muốn gặp nhau. Ông Tập dự kiến có chuyến thăm Brazil vào tháng tới.

Matthew Goodman, một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho rằng Nhà Trắng rõ ràng cho thấy thực sự muốn cuộc gặp song phương Trump - Tập diễn ra, nhưng có vẻ họ cũng có thể để các bộ trưởng thương mại hoặc đặc phái viên ký thỏa thuận giai đoạn 1 và để dành cuộc gặp lãnh đạo cấp cao nhất cho phần sau quan trọng hơn.

Thỏa thuận thương mại sơ bộ dự kiến được dựa trên các cuộc đàm phán kết thúc hôm 11/10 giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer. Ông Trump sau đó cho hay hai bên đã đi tới một thỏa thuận giai đoạn 1 quan trọng có thể được ông và ông Tập ký kết bên lề APEC.

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời ông Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế và cố vấn nhà nước Trung Quốc tại Đại học Renmin, cho hay việc Thượng đỉnh APEC bị hủy sẽ giúp các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc có thêm thời gian để đi tới một thỏa thuận tốt hơn, nói thêm rằng lịch trình hiện thời quá gấp để đi tới một thỏa thuận bằng văn bản, dù là giai đoạn 1.

Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ - Trung từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng không vội vàng để sắp xếp một thượng đỉnh song phương.

“Trung Quốc tin rằng vấn đề không tới mức cấp bác để họ phải ngay lập tức tổ chức một hội nghị song phương. Cả hai bên muốn ký thỏa thuận giai đoạn 1, và Trung Quốc có thể cân nhắc các phương án thay thế, như Phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Mỹ ký trước tiên”.

Tổng thống Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại hồi tháng 3/2018 trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải tiến hành các cải cách kinh tế, cáo buộc nước này tìm cách thống trị kinh tế toàn cầu với các biện pháp trợ cấp của nhà nước không công bằng và đánh cắp công nghệ Mỹ thông qua các hành vi ăn cắp hoặc chuyển giao bắt buộc.

Kể từ đó, hai nước đã có các biện pháp áp thuế ăn miếng trả miếng đối với thương mại hai chiều trị giá hàng trăm tỷ USD. Hai bên đã cố gắng tìm giải pháp thông qua nhiều vòng đàm phán nhưng cho tới nay vẫn chưa đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến này.

An Bình