1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thực trạng thạc sĩ thất nghiệp, làm công nhân "đốt nóng" dư luận Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngày càng nhiều người Trung Quốc có trình độ cao nhưng không kiếm được việc hoặc phải làm công nhân - thực trạng dường như cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường việc làm nước này.

Thực trạng thạc sĩ thất nghiệp, làm công nhân đốt nóng dư luận Trung Quốc - 1

Trung Quốc đối mặt với tình trạng nhiều người có bằng cấp từ các trường đại học hàng đầu phải đi làm những ngành nghề không tương xứng (Ảnh: SCMP).

Theo SCMP, công ty sản xuất thuốc lá China Tobacco (Hà Nam, Trung Quốc) gần đây đã trở thành chủ đề được đưa ra tranh luận trong dư luận nước này, sau khi dàn công nhân họ mới tuyển được công bố.

Trong số 135 công nhân đứng dây chuyền sản xuất thuốc lá mà công ty này mới thuê, có gần 1/3 là những người có bằng thạc sĩ, trong khi những người còn lại vẫn đang học đại học, một số đến từ các trường đại học danh tiếng, xếp hạng cao.

Vài tháng trước, trường tư thục Ngoại ngữ Nam Sơn Thâm Quyến cũng trở thành chủ đề bàn tán trong dư luận, khi toàn bộ các giáo viên cấp tiểu học được tuyển vào trường đều là những người tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước, bao gồm Colombia (Mỹ), Thanh Hoa và Bắc Kinh.

Các câu chuyện này đã gây nên một làn sóng tranh luận khá gay gắt về việc những người có bằng cấp cao phải đi làm những công việc chỉ đòi hỏi yêu cầu về trình độ thấp hơn và có thể dẫn tới tình trạng lãng phí tài năng. Tuy nhiên, nó cũng phơi bày một thực trạng rằng thị trường việc làm Trung Quốc ngày càng cạnh tranh quyết liệt khi số người có bằng đại học hoặc sau đại học ngày càng tăng mỗi năm.

Thừa bằng cấp, thiếu việc phù hợp

Mùa hè năm nay, Trung Quốc có 9.09 triệu tân cử nhân gia nhập vào thị trường việc làm, con số cao kỷ lục.

Khoảng 54% dân số Trung Quốc nằm trong độ tuổi từ 18-22 đã bắt đầu chương trình học cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học vào năm ngoái. Vào năm 2002, tỷ lệ này chỉ là 15%.

"Điều này có nghĩa là chúng ta đã bước vào kỷ nguyên phổ cập giáo dục đại học. Hơn một nửa số thanh niên mà bạn gặp trên phố có bằng cấp cao", Jennifer Feng, giám đốc nhân sự của công ty tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc 51job, cho biết.

Vì vậy, giá trị của những tấm bằng đại học, thạc sĩ cũng trở nên thấp hơn. "Việc có bằng tốt nghiệp cử nhân giờ đây giống như tấm vé đầu vào để gia nhập thị trường tuyển dụng. Một số nhà tuyển dụng nói với tôi rằng họ chỉ muốn tuyển những sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng lại có rất nhiều người đã tốt nghiệp nộp hồ sơ", bà Feng nói.

Liu Haotian, người tốt nghiệp cử nhân tài chính tại Đại học Tài chính Thượng Hải năm 2019, thừa nhận rằng anh đã phải hạ thấp kỳ vọng của mình sau một năm tìm việc không thành công.

"Những gì tôi hướng đến ban đầu là các tổ chức tài chính, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng mình không thể cạnh tranh ở những nơi đó. Các đối thủ đều đến từ các trường đại học nổi tiếng hoặc có bằng cấp cao hơn", Liu nói.

Đầu năm nay, Liu cuối cùng đã xin được một công việc làm môi giới bất động sản. "Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi trong quá khứ. Tại sao tôi có thể nhận một công việc chỉ là bán và cho thuê nhà", Liu cho hay.

Tuy nhiên, anh vẫn phải nhận nó vì mức lương khá tốt so với những nơi khác (vào khoảng 1.238 USD lương cứng, kèm hoa hồng, nếu có).

Liu không phải là cử nhân duy nhất gia nhập ngành bất động sản những năm gần đây. Trước đó, ngành này thường có ngưỡng tuyển dụng thấp và thường bị gắn với hình ảnh không tích cực như nhân viên môi giới cung cấp thông tin sai, thu thêm các khoản phí vô lý.  

Lãng phí tài năng?

Chuyên gia Xiong Bingqi, từ viện nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21, cho biết số lượng cử nhân không phải là vấn đề, vấn đề chính là sự thiếu hụt công việc từ ngành dịch vụ, ngành thường thu hút hầu hết các tân cử nhân ở Trung Quốc.

Ngành dịch vụ chiếm 54% GDP Trung Quốc năm ngoái, nhưng vẫn chưa thể cung cấp đủ việc làm cho số lượng tân cử nhân mỗi năm.

"Khi một người có trình độ đại học làm công việc tương đương với một người chỉ tốt nghiệp phổ thông, thì việc đó có phải là lãng phí tài năng hay không còn tùy thuộc vào giá trị mà người đó mang lại cho vị trí đó. Nếu người có trình độ đại học nâng cao dịch vụ và đưa ra những cải tiến, thì đó không phải là lãng phí. Thay vào đó, nó giúp ngành thêm phát triển và tạo ra nhiều công việc hơn cho thế hệ tương lai", Xiong cho hay.

Tuy nhiên, Liu cho biết anh chưa thấy bằng cấp của mình tạo nên sự khác biệt trong công việc môi giới bất động sản.

"Tôi nghĩ ai đó có bằng phổ thông cũng có thể làm việc này. Nó liên quan tới tính cách của người đó nhiều hơn là bằng cấp người đó sở hữu", Liu nói.

Khi được hỏi rằng liệu có điều gì anh được học ở trường hữu ích cho công việc hiện tại hay không, Liu mỉm cười và nói: "Không".