Thực hư sức mạnh quân sự của Trung Quốc
(Dân trí) - Trung Quốc thời gian qua “úp mở” về 3 hệ thống vũ trang tiêu biểu cho việc mở rộng tầm chiến lược của nước này: Tàu sân bay đầu tiên, máy bay tàng hình đầu tiên và tên lửa tầm xa có khả năng tiêu diệt mục tiêu di động trên biển.
Trung Quốc bắt đầu tham gia cuộc đua tàu sân bay, tuy trong chừng mực còn khá sơ khai. Trung Quốc mua tàu sân bay Varyag từ thời Liên Xô cũ của Ukraine, và đang làm công việc trang bị lại.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ mang theo máy bay chiến đấu tiêm kích J-15, còn gọi là Cá mập bay. Đây là loại máy bay chiến đấu được thiết kế dựa trên một loại máy bay khác của Nga, Sukhoi Su-33. Theo tạp chí có uy tín Aviation Week & Space Technology, Trung Quốc có thể cũng mua Su-33 từ Ukraine.
Những thông tin trong nước cho hay tàu sân bay đầu tiên có thể hạ thủy trong mùa Hè này và khi đã hoạt động, “nó sẽ mang lại cho hải quân Trung Quốc sức mạnh mới trong các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng”. Nhưng giới chuyên gia phương Tây nói rằng tàu sân bay này chủ yếu được sử dụng trong huấn luyện vì việc điều hành nó đòi hỏi kinh nghiệm mà phải cần thời gian mới có thể tích lũy được.
Kể từ thời kỳ Thế chiến II, tàu sân bay đã trở thành phương thức biểu thị uy thế hải quân trên thế giới. Các nhóm tàu sân bay của Mỹ mang theo nhiều loại máy bay chiến đấu có khả năng thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Mỗi tàu sân bay đều đi kèm một loạt chiến hạm và tàu ngầm để bảo vệ. Người ta cho rằng chiếc Varyag sửa lại này khó có thể cạnh tranh với các loại tàu sân bay của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng một số lượng đáng nể tên lửa và các loại vũ khí khác có tầm che phủ rất xa. Trong số đó, đặc biệt nhất là loại tên lửa chống tàu chiến DF-21D.
Đây là hệ thống đặt trên mặt đất, có khả năng tấn công các tàu sân bay của Mỹ vốn là nền tảng của chiến lược hàng hải Mỹ. Tên lửa DF-21D (tên khác là CSS-5) có tầm che phủ hơn 1.500km. Nó được trang bị đầu đạn ngụy trang cho phép quân đội Trung Quốc nhắm bắn các tàu chiến tại Tây Thái Bình Dương.
Quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu mang tên lửa DF-21D ra sử dụng. Mục tiêu chính là ngăn chặn cường quốc hải quân khác trong khu vực là Mỹ, không cho Mỹ can thiệp vào các khủng hoảng trong tương lai, nhất là liên quan tới Đài Loan.
Chuyến bay ra mắt của J-20 hồi tháng 1/2011 được thực hiện chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Bắc Kinh, được nhiều nhà quan sát cho là hành động có chủ ý của Bắc Kinh.
Nhà phân tích Douglas Barrie từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói máy bay chiến đấu J-20 chưa sánh được với các máy bay tàng hình của Mỹ. Tuy nhiên, loại máy bay chiến đấu này đánh dấu tham vọng của Trung Quốc trong việc nâng cao khả năng tác chiến trên không, và tăng cường căn cứ không quân.
Hiện còn chưa rõ liệu J-20 sẽ được mang ra sản xuất để tác chiến, hay chỉ là mô hình công nghệ. Việc này sẽ cho thấy Trung Quốc có thể triển khai năng lực nhanh chóng như thế nào. “Nhiều khả năng nước này có thể mang các máy bay chiến đấu tàng hình ra sử dụng vào thập kỷ tới”, ông Barrie nói. “Nếu Trung Quốc sản xuất hàng loạt J-20 thì không quân nước này có thể thách thức các cường quốc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, nhất là Mỹ”.
Theo Tiến sỹ Andrew Erickson, chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ, Trung Quốc không muốn khởi chiến, mà chỉ muốn phô trương sức mạnh để không đánh mà thắng, răn đe các hành động mà Bắc Kinh xem là ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Một phần của chiến lược này là phát triển khả năng chống trả các tàu sân bay của Mỹ, phòng trường hợp Washington quyết định can thiệp vào các xung đột trong vùng.
Tiến sỹ Erickson nói rằng cho tới nay, phát triển năng lực quân đội Trung Quốc vẫn ở tầm khu vực và nhằm ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập.