1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ đi tìm nguyên nhân Trung Quốc “cần” tàu sân bay

(Dân trí) - Hãy tưởng tượng một tàu sân bay Trung Quốc chạy từ phía nam qua bờ biển Florida của Mỹ và cập cảng Cuba. Điều này có vẻ là không tưởng, nhưng không phải không thể xảy ra trong tương lai gần và Mỹ nên lo lắng, giới phân tích quân sự ở Washington cảnh báo.

 
Mỹ đi tìm nguyên nhân Trung Quốc “cần” tàu sân bay - 1
Shi Lang, giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc.

Trong chương nói về Hải quân của Sách trắng "Quốc phòng Trung Quốc 2010" không có một từ nào nhắc đến việc chế tạo tàu sân bay. Nhưng tuần qua, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) Trần Bính Đức đã công khai xác nhận điều bị nghi ngờ lâu nay, rằng Trung Quốc đang sản xuất tàu sân bay đầu tiên của họ - tàu Thị Lang (Shi Lang) nặng 67.500 tấn và chỉ ngắn hơn các tàu sân bay Nimitz của hải quân Mỹ vài mét.

Dù Thị Lang không phải là tàu mới, mà được dựng lại dựa trên con tàu Varyag do Ukraine chế tạo, nhưng ngoài Trung Quốc, con tàu này mang “nhiều ý nghĩa” với cả Mỹ.

Theo những gì giới quân sự Trung Quốc úp mở, Thị Lang sẽ được hạ thủy vào mùa Hè này và sẽ được xung vào đội tàu của PLA vào cuối năm nay. Giới phân tích khu vực thì cho rằng Thị Lang là một chiếc tàu cũ, chưa hoàn chỉnh, được Trung Quốc tu sửa để phù hợp với việc nghiên cứu, huấn luyện nhiều hơn là để làm lực lượng chiến đấu chủ lực. Nhưng rõ ràng là Thị Lang là cơ sở đào tạo cho lực lượng tàu sân bay sau này của Trung Quốc

Một tàu sân bay đi vào hoạt động sẽ là sự bổ sung quan trọng cho tiềm lực vũ khí của Trung Quốc. Hải quân nước này được cho là đã sở hữu tàu nổi, tàu ngầm hạt nhân và máy bay tấn công đủ để lập thành một nhóm tác chiến tàu sân bay khá ổn.

Mặc dù đã được đoán trước từ lâu, thông báo của Trung Quốc đã phá vỡ sự cân bằng chiến lược ở Biển Đông và khu vực địa-chiến lược Thái Bình Dương.

Riêng với Mỹ, trước mắt, con tàu này không phải là mối đe dọa lập tức đối với ưu thế vượt trội về hải quân của Mỹ. Trong số 20 tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới, Mỹ đã chiếm tới 11 chiếc, và những siêu tàu sân bay của Mỹ lớn hơn nhiều so với của các nước khác (tàu sân bay nhỏ nhất của Mỹ đã nặng 94.700 tấn). Nhưng dù sao, khi tàu sân bay của Trung Quốc chính thức hoạt động, nó sẽ là tàu lớn nhất thế giới không phải của Mỹ.

Giới phân tích phương Tây nhận định việc Trung Quốc lần đầu tiên công khai xác nhận sở hữu một tàu sân bay gắn liền với những tham vọng thống trị trên biển của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh “khẳng định” tàu sân bay của họ sẽ không đe dọa bất cứ nước cụ thể nào, kể cả Mỹ. Nhưng tại sao Trung Quốc cần một tàu sân bay?

Tàu sân bay là hệ thống vũ khí tấn công - hệ thống vũ khí mạnh nhất sau vũ khí hạt nhân. Chúng cũng phục vụ với vai trò là công vụ biểu dương sức mạnh và là hệ thống đánh chặn quan trọng. Khi Mỹ định kỳ cử tàu sân bay qua Eo biển Đài Loan, thông điệp rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi tuyên bố Trung Quốc đang đóng tàu sân bay, thông điệp của Bắc Kinh gửi Washington cũng rõ ràng, dù chỉ mới dừng ở mức khiến các nhà chiến lược hải quân của Mỹ không thấy thoải mái ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và vùng biển Caribê.

Những chuyển hướng trong cân bằng chiến lược có thể diễn ra rất nhanh. Một thập kỷ trước đây, những người say mê với sức mạnh vũ trụ thích miêu tả Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ. Nhưng giờ, không có ai dám chắc rồi đây Mỹ có thể bay vào vũ trụ, mà không cần “đi nhờ xe” với một nước đầu tư nhiều vào những chuyến bay vũ trụ có người lái - như Trung Quốc, hay không.

Trung Quốc chưa công khai thời điểm có thể đưa người lên Mặt Trăng, nhưng có những dấu hiệu báo trước một kỷ nguyên mới ảnh hưởng của nước này.

Không loại trừ khả năng tàu sân bay mới của Bắc Kinh sẽ có tác động tương tự.

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã quen với ý nghĩ rằng các đại dương là phạm vi không gặp thách thức với ảnh hưởng của Mỹ. Hải quân Mỹ có thể đi bất cứ đâu trên thế giới mà các nhà lập pháp thống nhất cử đi, hoặc giả nếu có bị đe dọa, có thể đối phó với mọi hành động tấn công ngăn chặn xâm nhập. Tàu ngầm hải quân mới của Trung Quốc sẽ không đe dọa được thế cân bằng quan trọng ở các vùng biển sâu, nhưng sẽ gửi đi một thông điệp rằng Mỹ sẽ không còn là “của độc” trên bàn cờ hải quân.

Nguyễn Viết