1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thúc đẩy quan hệ đối tác EU - ASEAN vì sự bền vững

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN, trợ giúp các nước trong việc giảm nghèo và phổ biến các cơ hội, với một khoản trị giá 200 triệu euro hỗ trợ cho hội nhập khu vực và kết nối trong ASEAN, bên cạnh khoản hơn 2 tỷ euro hỗ trợ song phương cho các nước thành viên ASEAN,

Thúc đẩy quan hệ đối tác EU - ASEAN vì sự bền vững - 1

Đại sứ EU tại ASEAN Francisco Fontan (Ảnh: CSR Network)

 

Đại sứ EU tại ASEAN, ông Francisco Fontan, mới đây đã có bài viết về mối quan hệ EU - ASEAN nhân Hội nghị Ủy ban Hợp tác chung ASEAN- EU lần thứ 26 (JCC 26) được tổ chức hôm 20/2 tại Jakarta, Indonesia. Dưới đây là bài viết của ông.

Tầm quan trọng chiến lược

Trong tháng 1 vừa qua tại Brussels, tôi đã tham dự cùng với Bà Federica Mogherini, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, khi Bà đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng EU-ASEAN lần thứ 22. Đây là dịp để lại nhiều ấn tượng khi có số lượng đại biểu tham dự kỷ lục, với gần như đầy đủ các bộ trưởng ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN và 28 nước thành viên EU. 

Cuộc tranh luận bên trong phòng họp đã phản ánh mối quan hệ sâu rộng giữa hai bên, từ vấn đề xung đột tại Trung Đông, cho tới tầm quan trọng của Biển Đông và tới cuộc khủng hoảng Rohingya, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và giáo dục bậc cao. Mặc dù có nhiều nội dung được thảo luận, nhưng vẫn có một sự thống nhất về mục đích - một mong muốn chung nhằm tăng cường hợp tác EU-ASEAN trong đó bao gồm cả những lĩnh vực mới như chống lại nạn đánh bắt cá không được quản lý, hay khởi động một cuộc đối thoại cấp cao mới về môi trường và biến đổi khí hậu, và một thỏa thuận trên nguyên tắc nhằm nâng cấp quan hệ của hai phía lên quan hệ đối tác chiến lược.

Bà Mogherini đã phát biểu sau hội nghị rằng, đây là "một sự công nhận về tính chất chiến lược của quan hệ đối tác mà chúng ta đang có trên nhiều lĩnh vực. Có một thông điệp quan trọng thể hiện rằng hai tiến trình hội nhập tiến bộ và thành công nhất trên thế giới hiện đang ủng hộ mạnh mẽ cho chủ nghĩa đa phương và một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ".

Đồng chủ tịch Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore và là điều phối viên của ASEAN về quan hệ với EU, nói: "Chúng ta đưa quan hệ đối tác của mình lên một tầm cao mới, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm những lĩnh vực mới mà hai bên có thể hợp tác và học hỏi lẫn nhau, như an ninh mạng, an ninh hàng hải, sự kết nối và biến đổi khí hậu."

Một mối quan hệ đối tác gần gũi và sâu sắc giữa EU và ASEAN vì vậy sẽ mang tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai khối.

Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện

Bản thân hai phía đã là những đối tác kinh tế quan trọng. Khu vực tư nhân của chúng tôi là nhà đầu tư hàng đầu vượt trội tại ASEAN, nắm giữ tới 1/4 lượng cổ phần tại khu vực, chúng tôi cũng đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN. EU đã hoàn tất đàm phát các hiệp định thương mại tự do và đầu tư với một số nước thành viên ASEAN, kiến tạo nên những khối liên kết cho một khuôn khổ thương mại và đầu tư liên khu vực đầy tham vọng.

Chúng ta hiện đang nỗ lực nhằm tăng cường những liên kết về giao thông vận tải và cả một sự kết nối toàn diện. Nếu như - theo hy vọng của tôi - chúng ta thống nhất được một Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện liên khu vực đầu tiên trên thế giới, hàng triệu công dân của chúng ta sẽ được hưởng lợi và cụ thể là lĩnh vực lữ hành, du lịch sẽ thu được những lợi ích to lớn. Chúng ta có thể dựa trên triển vọng này, đồng thời thiết lập một Quan hệ Đối tác Toàn diện về Kết nối EU-ASEAN. Trong khi một số quốc gia đang hoài nghi về toàn cầu hóa và lùi về với chủ nghĩa dân tộc kinh tế, điều quan trọng đó là ASEAN và EU cùng nhau nỗ lực thúc đẩy những mối liên kết toàn cầu, khiến cho chúng mang lại lợi ích chung và cho thấy giá trị đích thực của những sự liên kết này đối với sự thịnh vượng chung của cả hai bên.

Và như phía ASEAN đã nói, chúng ta không thể để cho bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.

EU hiện vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN, giúp đỡ tổ chức này cũng như các chính phủ trong việc giảm nghèo và phổ biến các cơ hội, với một khoản trị giá 200 triệu euro hỗ trợ cho hội nhập khu vực và kết nối trong ASEAN, bên cạnh một khoản hơn 2 tỷ euro hỗ trợ song phương cho các nước thành viên ASEAN, cùng với nỗ lực hỗ trợ trực tiếp của 28 nước thành viên EU chúng tôi. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các bạn trong mỗi trận thiên tai lớn, từ các trận sóng thần cho tới lốc xoáy, đặt nhu cầu giúp đỡ của các nạn nhân lên trên bất cứ tính toán nào.

Sự hợp tác, đoàn kết và thịnh vượng từ lâu đã là những chuẩn mực trong quan hệ của chúng ta. Nhưng trong khi những yếu tố này vẫn được duy trì, sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế đang khiến chúng ta phải chú trọng nhiều hơn vào các vấn đề chiến lược. Những tham vọng chung của chúng ta chỉ có thể trở thành hiện thực với đầy đủ tiềm năng của chúng trong một môi trường dựa trên luật lệ, hòa bình và ổn định. Đây là điều đã khiến ASEAN trở nên rất quan trọng đối với EU tại châu Á - không chỉ là một cộng đồng với 10 nước thành viên, mà còn là nòng cốt của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, hay tiến trình ADMM+. Và đây chính là nơi ASEAN và EU đã mở rộng hợp tác an ninh một cách đúng đắn - từ lĩnh vực buôn bán người cho tới tội phạm mạng, từ an ninh hàng hải cho tới tội phạm xuyên quốc gia và chống chủ nghĩa khủng bố.

Môi trường, biến đổi khí hậu

Ngày nay chúng ta không còn sống trong giai đoạn thông thường. Mực nước biển tăng, sự đa dạng sinh học đang bị nhấn chìm, rất nhiều cộng đồng trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ bị mất nơi cư trú hay phải canh tranh để tiếp cận được với những nguồn tài nguyên cơ bản như nước hay đất trồng trọt. Chúng ta không thể chấp nhận cái giá của sự tiếp diễn vấn đề này. Trong khi đó thì Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư sẽ có ảnh hưởng tới bất kỳ ai. Các khu vực của chúng ta cần phải có tham vọng, vai trò lãnh đạo và tầm nhìn nhằm giải quyết những thách thức này.

Không quốc gia nào có thể một mình đạt được các mục tiêu này. Và cũng nhờ vào một số vấn đề khác mà chúng tôi đã thống nhất được - các vị bộ trưởng ngoại giao dành nhiều thời gian hơn để nói về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hơn bất cứ chủ đề nào khác. Chúng tôi đã cùng nhất trí thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bên vững của Liên hợp quốc, trong đó bao gồm cả Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.

Cả ASEAN và EU đều nhận thấy hội nhập khu vực là cách thức hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy cho sự ổn định và phồn vinh. Chúng ta đều cam kết trong việc xử lý những thách thức toàn cầu thông qua một hệ thống dựa vào luật lệ và chủ nghĩa đa phương. Cả hai bên đều có cùng một lợi ích trong việc xúc tiến các thị trường mở và công bằng, trong việc hình thành nên các quy tắc toàn cầu về kinh tế và môi trường, và trong sự tiếp cận bền vững đối với phía bên kia thông qua các tuyến đường mở trên biển, trên bộ và trên không với sự tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế.

Là những chủ thể toàn cầu, EU và ASEAN có trách nhiệm trong việc thúc đẩy cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo tồn những "điểm đồng toàn cầu" của hai bên. Tôi có một vinh hạnh rất lớn, với tư cách là đại sứ đầu tiên của EU tại ASEAN, được chứng kiến mối quan hệ chiến lược của chúng ta không ngừng lớn mạnh. Tôi có niềm tin rằng chúng ta sẽ còn tiến xa hơn nữa và sẽ cùng đóng một vai trò đi đầu trong những sự ứng phó toàn cầu cần thiết đối với những thách thức trong tương lai.

Francisco Fontan 

Đại sứ EU tại ASEAN