1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thú vui giải trí mới của người Triều Tiên

(Dân trí) - Trong khi đang bị “bủa vây” bởi lệnh trừng phạt và áp lực từ bên ngoài, người dân Triều Tiên dường như tìm được thú vui giải trí mới ở các câu lạc bộ cưỡi ngựa. Các chuyên gia nhận định đây là chiến lược nhằm tăng nguồn ngoại tệ của chính quyền Bình Nhưỡng.


Các vận động viên tham gia đua ngựa tại câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim (Ảnh: KCNA)

Các vận động viên tham gia đua ngựa tại câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim (Ảnh: KCNA)

Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, tại câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim gần thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 15/10 đã tổ chức các trận đua ngựa và thu hút nhiều người dân theo dõi, Reuters đưa tin.

Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Triều Tiên KCT cho biết, chính phủ cho phép các công dân từ 12 tuổi trở lên được quan sát và tham gia đặt cược vào các vận động viên đua ngựa theo hình thức xổ số.

Những bức ảnh được hãng KCNA công bố cho thấy có hàng trăm người đã tham gia theo dõi các trận đua ngựa và ghi lại bằng điện thoại thông minh khung cảnh những chú ngựa trắng dũng mãnh lao về đích.

Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim được Triều Tiên quy hoạch phát triển từ một trường huấn luyện đua ngựa quân đội từ năm 2012 và vừa hoàn thành mới đây, theo KCNA.

Theo trang web Uri Tours, một công ty của Mỹ chuyên tổ chức các chuyến du lịch tới Triều Tiên, trường đua Mirim bao gồm một cơ sở đào tạo trong nhà, bảy lớp cưỡi ngựa ngoài trời, một nhà nghỉ, nhà hàng và phòng xông hơi cùng 120 con ngựa, trong đó có 67 con Orlov Trotters, giống ngựa quý có nguồn gốc từ Nga.

Cũng theo trang web trên, lệ phí vào cửa vào khoảng 35 USD, bao gồm một giờ cưỡi ngựa với một người hướng dẫn, các thiết bị cưỡi ngựa cần thiết và quyền sử dụng phòng tắm hơi. Giá cho người Triều Tiên có thể thấp hơn, vào khoảng 10 USD.

Nguồn thu ngoại tệ


Một hoạt động diễn ra tại câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim (Ảnh: KCNA)

Một hoạt động diễn ra tại câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim (Ảnh: KCNA)

Theo chuyên gia Na Jeong-won, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế-công nghiệp Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, đây không chỉ là một giải thi đấu có tính giải trí cho người dân Triều Tiên. Ông Na cho rằng mọi người thường hay chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc xây dựng những công trình “phù phiếm” như công viên giải trí, khu nghỉ dưỡng, trường đua trong khi nền kinh tế Bình Nhưỡng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là một hành động “1 mũi tên trúng 2 đích” khi chính phủ Triều Tiên một mặt phát triển các công trình giải trí vì lợi ích của nhân dân, mặt khác tạo nguồn thu ngoại tệ cho Bình Nhưỡng.

Nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, vốn được áp đặt nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao gồm việc cấm xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như than đá, dệt may, thủy hải sản.

Ông Lee Sang-keun, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Thống nhất tại trường Đại học Nữ sinh Ewha, Seoul (Hàn Quốc) cho biết sở dĩ các công trình giải trí có thể mang về nguồn ngoại tệ cho Bình Nhưỡng là do người dân phải trả tiền mua vé bằng USD hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Ngoài ra, Reuters cho biết Triều Tiên cũng đã vận hành các sòng bạc dành cho người nước ngoài ở Bình Nhưỡng và Rason, nơi Triều Tiên và Bình Nhưỡng cùng điều hành một đặc khu kinh tế.

Tháng 3 năm ngoái, chính phủ Triều Tiên đã gửi các bản đề xuất cho các nhà đầu tư về dự án sòng bạc ở Nam Yang, giáp biên giới Trung Quốc và núi Kumkang, địa điểm du lịch nổi tiếng gần Hàn Quốc. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới nhất do Liên Hợp Quốc ban hành đã cấm các công ty nước ngoài được phép thành lập liên doanh với Triều Tiên.

Ông Na cho biết: “Dường như nhu cầu sử dụng các dịch vụ thư giãn và giải trí ngày càng gia tăng tại Triều Tiên khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng”.

Đức Hoàng