1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Nhật đối mặt áp lực từ chức

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản hôm nay phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức ngày càng gia tăng trong chính đảng của ông trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 tới, sau khi ông phá vỡ lời hứa tranh cử di dời một căn cứ Mỹ ra khỏi đảo Okinawa.

 
Thủ tướng Nhật đối mặt áp lực từ chức - 1
Thủ tướng Yokio Hatoyama khẳng định không từ chức.

 

Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Yokio Hatoyama rớt xuống mức thấp kỷ lục khi ông phá vỡ lời hứa di dời căn cứ thủy quân lục chiến Futenma của Mỹ ra khỏi đảo Okinawa, miền nam Nhật, thể hiện trước công chúng hình ảnh một nhà lãnh đạo không quyết đoán sau chỉ 8 tháng lên nắm quyền.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng ông nên từ chức trước cuộc bầu cử thượng viện, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 7 tới, hoặc có lẽ là ngay sau khi cuộc bầu cử được tiến hành, nếu đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông có kết quả kém. Nếu từ chức sớm, ông sẽ là thủ tướng thứ tư của Nhật Bản phải ra đi trong vòng 4 năm qua.

 

Tuy nhiên, ông Hatoyama hôm nay khẳng định ông sẽ vẫn ở lại. “Chúng ta sẽ đứng lên đối phó với cuộc khủng hoảng quốc gia hiện nay”, ông Hatoyama ám chỉ đến tình hình khó khăn chính phủ đang phải đối mặt. Chúng ta sẽ làm “điều tốt đẹp nhất” cho người dân Nhật, ông nói.

 

Ông cũng cho biết sẽ gặp các thành viên cấp cao trong đảng của ông vào cuối ngày hôm nay, để thảo luận về việc tổ chức chính trị trước cuộc bầu cử. Song các tờ báo lớn của Nhật đều phán đoán rằng những người tham gia cuộc họp sẽ thảo luận về việc liệu ông Hatoyama có nên từ chức và nếu có thì vào thời điểm nào.

 

Hình tượng sụp đổ?

 

Chính phủ của ông Hatoyama lên nắm quyền vào tháng 9 năm ngoái với nhiều kỳ vọng, sau khi đảng DPJ của ông chiến thắng vang dội trước đảng bảo thủ nắm quyền suốt một thời gian dài.

 

Nhưng giờ đây hình tượng đẹp của ông trong lòng công chúng Nhật đã bị sụp đổ sau vụ bê bối quỹ tranh cử, những tuyên bố đầy mâu thuẫn và sự thiếu quyết đoán của ông, đặc biệt là thay đổi 180 độ trong vấn đề căn cứ Funtenma. Giờ ông cho biết sẽ thực hiện theo thỏa thuận cũ đạt được giữa Mỹ và Nhật vào năm 2006, dời căn cứ Futenma tới phần phía bắc của đảo Okinawa. Điều này khiến người dân muốn căn cứ này được di dời hoàn tòan ra khỏi đảo nổi giận và thấy bị bội ước.

 

Chỉ riêng đảo Okinawa đã “chứa” hơn một nửa trong tổng số 47.000 quân Mỹ trên toàn nước Nhật – số quân đồn trú theo một liên minh an ninh song phương.

 

Trong khi đó, liên minh 3 bên trong chính phủ của ông Hatoyama đã bị cắt xuống còn có 2 thành viên vào cuối tuần qua, khi một đối tác nhỏ, đảng Dân chủ Xã hội, rút lui, do Thủ tướng sa thải lãnh đạo của họ, bà Mizuho Fukushima, khỏi nội các. Nguyên nhân là do bà Mizuho Fukushima phản đối quyết định của ông Hatoyama về Futenma.

 

Đảng DPJ và đối tác còn lại trong liên minh cầm quyền vẫn nắm giữ đa số ghế trong cả hai viện, tức quốc hội, nhưng chắc chắn sẽ bị giảm bớt quyền lực ở thượng viện.

 

Theo các nhà phân tích, việc sa thải bà Fukushima đã làm danh tiếng của bà trong công chúng Nhật được tăng cao, với tư cách là một chính trị gia dám đứng lên bảo vệ quan điểm của mình và càng tô đậm cho hình ảnh “bội ước” của ông Hatoyama.

 

Tờ báo lớn nhất Nhật Bản, Yomiuri, dẫn một cuộc điều tra do họ tiến hành vào ngày hôm qua, cho hay 9 trong tổng số 43 thượng nghị sỹ trong đảng của ông Hatoyama tham gia tái ứng cử vào tháng 7 này cho biết việc ông Hatoyama ra đi trước cuộc bầu cử là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, 13 người kêu gọi ông đưa ra quyết định của riêng mình.

 

Chủ tịch đảng Azuma Koshiishi đã có cuộc gặp gỡ với các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Nhật Bản vào ngày hôm nay và hứa sẽ đưa ra biện pháp để giải đáp những lo ngại của họ trong vòng vài ngày tới.

 

Song một số nhà phân tích cho rằng, ông Hatayama không nhất thiết phải từ chức. “Áp lực gia tăng nhưng vào thời điểm này tôi nghĩ ông nên chống chọi với nó”, Koichi Nakano, giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Sophia ở Tokyo cho hay.

 

Một số bộ trưởng nội các cũng bảo vệ ông Hatoyama, trong đó có Bộ trưởng tài chính Naoto Kan, người được đồn đoán có thể là thủ tướng kế tiếp của Nhật và Bộ trưởng Giao thông Seiji Maehara, người phản đối việc liên tục thay đổi lãnh đạo ở Nhật trong thời gian gần đây.

 

Tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với chính phủ cũng giảm 4%, còn 17%, so với các cuộc thăm dò 2 tuần trước đây. Con số này do nhật báo lớn của Nhật Asahi công bố. Trong khi đó tỷ lệ phản đối tăng từ 64% lên 70%.

 

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm